Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trưng cầu ý dân là thể hiện quyền làm chủ của nhân dân

Thứ tư, 24/06/2015 - 10:19

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 23/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Trưng cầu ý dân.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Phạm Văn Tam phát biểu ý kiến. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Đa số các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Trưng cầu ý dân nhằm kịp thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý cho người dân tham gia vào các công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước.

Chưa thống nhất về phạm vi trưng cầu ý dân


Đối với quy định về phạm vi trưng cầu ý dân vẫn còn hai luồng ý kiến khác nhau. Các đại biểu Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh), Trần Hồng Thắm (Cần Thơ), Hà Minh Huệ (Bình Thuận), Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng)... thể hiện sự tán thành với quy định của dự án Luật: các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh nêu rõ điều này phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân của Quốc hội. Đồng thời, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân phải là những vấn đề có ý nghĩa ở tầm quốc gia đưa ra để toàn dân quyết định, còn những vấn đề mang tính địa phương hoặc khu vực thì áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị dự án Luật cần bổ sung quy định những tài sản hoặc lĩnh vực do Chính quyền địa phương quản lý nhưng mang tầm quốc gia (Vịnh Hạ Long, hang động ở Quảng Bình...) do Trung ương tổ chức trưng cầu ý dân, lấy ý kiến người dân ở toàn quốc.

Không cùng quan điểm, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) đặt vấn đề tính chất và hiệu quả pháp lý của việc lấy ý kiến nhân dân hoàn toàn khác so với trưng cầu ý dân. Trong khi hoạt động trưng cầu ý dân được thực hiện theo một quy trình, thủ tục chặt chẽ, kết quả đó có ý nghĩa quyết định thì hoạt động lấy ý kiến nhân dân được thực hiện đơn giản, tỷ lệ % lựa chọn không được chú trọng, quyền quyết định thuộc về các cơ quan có thẩm quyền.

Nếu quy định trưng cầu ý dân đối với phạm vi cả nước sẽ dẫn đến không công bằng, quyền thực thi của người dân địa phương không được thực thi đầy đủ mặc dù những vấn đề đặt ra có ý nghĩa quyết định sống còn bức xúc của địa phương. Vì vậy, phạm vi trưng cầu ý dân của dự án Luật cần được tổ chức ở tầm quốc gia và cả địa phương. Đây cũng là ý kiến của đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định).

Đối với những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân, các đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ), Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng nội dung đưa ra trưng cầu ý dân có ý nghĩa quan trọng, liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền dân chủ trực tiếp của người dân trong tham gia vào các công việc của Nhà nước. Tuy nhiên, việc xác định cụ thể những vấn đề nào phải đưa ra trưng cầu ý dân phụ thuộc vào yêu cầu và điều kiện hoàn cảnh tại từng thời điểm nhất định, khó có thể quy định cụ thể trong Luật. Do đó, trong Luật nên quy định một cách khái quát, mang tính nguyên tắc những vấn đề có thể được đề nghị đưa ra trưng cầu ý dân.

Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu rõ những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân là hết sức quan trọng, vậy nếu chỉ quy định một cách khái quát, mang tính nguyên tắc hoặc quy định cụ thể cũng khó đi vào thực tiễn. Điều quan trọng là cần hỏi ý kiến trực tiếp của nhân dân xem người dân muốn tham gia vào những nội dung gì nhằm thể hiện ý chí, trách nhiệm quyền làm chủ của người dân.

Đại biểu đề xuất Quốc hội cần tổ chức lấy ý kiến trực tiếp của người dân vào một số nội dung quan trọng của dự án Luật Trưng cầu ý dân, trong đó có quy định về “Những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân.”

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của nhân dân

Liên quan đến quy định về quyền chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân,một số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với phương án chỉ quy định bốn cơ quan có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, đó là Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội.

Các đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), Trần Hồng Thắm (Cần Thơ), Lưu Thành Công (Vĩnh Long) lại đề nghị ngoài bốn cơ quan trên, cần bổ sung Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, bởi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là đại diện bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân; thực hiện dân chủ; tăng cường sự đồng thuận xã hội. Điều này cũng tạo thêm kênh thông tin cho Quốc hội xem xét, quyết định, đồng thời cũng tạo cơ sở pháp lý của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện trách nhiệm đại diện bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo cần rà soát kỹ các nội dung; bổ sung thêm các quy định tăng cường sự tham gia, trách nhiệm của người dân. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) kiến nghị dự án Luật cần bổ sung quy định về cơ chế và hoạt động giám sát của nhân dân; bổ sung quy định công dân Việt Nam ở nước ngoài, người đang bị tạm giữ, tạm giam có quyền tham gia bỏ phiếu trưng cầu dân ý. Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) cho rằng cần bổ sung các quy định để nhân dân có quyền nêu ý kiến, bày tỏ nguyện vọng; được tiếp nhân thông tin đầy đủ; được quyền giám sát kết quả trưng cầu ý dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh quan điểm “trọng dân, tin dân” cần được thể hiện xuyên suốt trong dự án Luật. Tin dân là tin vào trí tuệ của nhân dân, thể hiện niềm tin của Quốc hội đối với nhân dân. Bên cạnh đó, việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến của dân sẽ giúp người dân quan tâm đến những vấn đề hệ trọng của đất nước, nâng cao trách nhiệm của người dân.

Cũng trong phiên họp, các đại biểu Quốc hội đã dành thời gian thảo luận về cơ quan, tổ chức phụ trách trưng cầu ý dân; về kết quả trưng cầu ý dân; về giải quyết khiếu nại về kết quả trưng cầu ý dân./.

Theo Phúc Hằng/TTXVN

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bắc Kạn: Đề xuất phương án hợp nhất 10 sở, ngành

Bắc Kạn: Đề xuất phương án hợp nhất 10 sở, ngành

(Thanh tra) - Chiều 11/12, Ban Chỉ đạo về Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2027 của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Trung Hà

21:14 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm