Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trình Quốc hội xem xét “siết” quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm bổ sung của người nổi tiếng

Hương Giang

Thứ sáu, 08/11/2024 - 09:48

(Thanh tra) - Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội người có ảnh hướng phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm, theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo trình ra Quốc hội.

Tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp 8, Quốc hội nghe tờ trình, thẩm tra Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Một trong những điểm mới đáng chú ý, dự thảo luật bổ sung nhiều quy định về quảng cáo của người nổi tiếng trên mạng xã hội.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về yêu cầu với nội dung quảng cáo.

Theo đó, nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây hiểu lầm về tính năng, chất lượng, công dụng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Trường hợp quảng cáo có kèm ghi chú, khuyến cáo thì phần ghi chú, khuyến cáo phải bảo đảm hình thức thể hiện rõ ràng, đầy đủ, dễ tiếp cận.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về quảng cáo của người có ảnh hưởng. Ảnh: P.Thắng

Đáng chú ý, dự thảo luật đã bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo và yêu cầu trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng theo quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có các trách nhiệm như: cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo, doanh thu, tên sản phẩm, số lượng của từng sản phẩm phát sinh từ hoạt động quảng cáo định kỳ theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu…

Nếu là người có ảnh hưởng, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo còn phải có trách nhiệm như: thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện quảng cáo.

“Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội người có ảnh hướng phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nói.

Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung quy định về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt: mỹ phẩm, thực phẩm, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn, thiết bị y tế, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh…

Cần đánh giá tác động tăng 4 lần thời gian chờ tắt, mở quảng cáo trên mạng

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban tán thành với chủ trương cần có quy định cụ thể, rõ ràng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, trong đó có người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng.

Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, dự luật chưa có sự tách biệt rõ ràng về trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng và người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nói chung. Điều này, dẫn đến chưa phù hợp với một số nhóm đối tượng chuyển tải sản phẩm quảng cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: P.Thắng

Dự thảo luật cũng chưa quy định cụ thể cơ chế xác nhận đối với người chuyển tải là người có ảnh hưởng "đã trực tiếp sử dụng sản phẩm" khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội cũng như chế tài xử lý.

Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nghiên cứu, thiết kế nội dung này theo hướng phân định cụ thể vị trí, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo trên mạng, trên cơ sở đó, có quy định phù hợp với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, nhất là người có ảnh hưởng trên mạng.

Về bổ sung quy định quảng cáo trên mạng, ông Vinh nhấn mạnh cần đối chiếu, rà soát với các luật chuyên ngành, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm bao quát hết các đối tượng hoạt động quảng cáo trên mạng.

Cạnh đó, thống nhất với việc sửa đổi thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo trên mạng để phù hợp với thực tiễn cũng như xu hướng phát triển của quảng cáo trên thế giới.

“Việc điều chỉnh gấp 4 lần, từ 1,5 giây lên 06 giây cần được đánh giá tác động, lý giải kỹ lưỡng để đảm bảo khách quan, thuyết phục hơn”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nói.

Dự thảo luật cũng chưa quy định đối với quảng cáo có chứa đường link dẫn đến trang thông tin cá nhân, đến những ứng dụng trên thiết bị di động, thiết bị điện tử khác. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu có quy định phù hợp.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Nam: HĐND tỉnh quyết định một số nhiệm vụ quan trọng

Hà Nam: HĐND tỉnh quyết định một số nhiệm vụ quan trọng

(Thanh tra) - Sáng 8/11, HĐND tỉnh Hà Nam khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức Kỳ họp thứ 20 (Kỳ họp chuyên đề) năm 2024, xem xét, cho ý kiến, quyết định đối với một số nhiệm vụ phát sinh có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội (KT- XH) của tỉnh thuộc thẩm quyền theo luật định.

Chính Bình

13:59 08/11/2024
Ra mắt sách về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Ra mắt sách về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

(Thanh tra) - Bằng những phân tích, lập luận, dẫn chứng thuyết phục, cuốn sách khẳng định lập trường, quan điểm xuyên suốt, nhất quán, kiên định và sự phát triển sáng tạo về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo Phó Ban Nội chính Trung ương,

Hương Giang

12:54 08/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm