Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề xuất người nổi tiếng khi quảng cáo mỹ phẩm phải là người đã dùng sản phẩm

Hương Giang

Thứ ba, 24/09/2024 - 13:49

(Thanh tra) - Ủy ban Văn hóa Giáo dục cho rằng, Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo chưa quy định cụ thể cơ chế xác nhận người có ảnh hưởng “đã trực tiếp sử dụng sản phẩm” khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội, cũng như chế tài xử lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: Đ.X

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Dự thảo luật có 3 điều, trong đó bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyền tải sản phẩm quảng cáo và yêu cầu trách nhiệm của người chuyền tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng theo quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu tiêu dùng.

Người có ảnh hưởng phải thông báo trước cho người tiêu dùng khi quảng cáo

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự thảo luật quy định người chuyền tải sản phẩm quảng cáo có trách nhiệm như: cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo, doanh thu, tên sản phẩm, số lượng của từng sản phẩm phát sinh từ hoạt động quảng cáo định kỳ theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Dự thảo luật cũng quy định người chuyền tải sản phẩm quảng cáo còn phải chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp nội dung quảng cáo không bảo đảm các yêu cầu theo quy định.

Với người có ảnh hưởng, ngoài có nghĩa vụ như người chuyền tải sản phẩm quảng cáo, còn có trách nhiệm như: Thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện hoạt động quảng cáo.

Cạnh đó, khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội người chuyền tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: P.Thắng

Nêu ý kiến của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho hay Thường trực Ủy ban tán thành với chủ trương cần có quy định cụ thể, rõ ràng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, trong đó có người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng.

Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục cho rằng, dự thảo luật chưa có sự tách biệt rõ ràng về trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng và người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nói chung.

Điều này dẫn đến chưa phù hợp với một số nhóm đối tượng chuyển tải sản phẩm quảng cáo.

“Cần tiếp tục rà soát, có hướng dẫn cụ thể về cách thức và hình thức thông báo trước cho người tiêu dùng về việc người có ảnh hưởng đang thực hiện hoạt động quảng cáo”, ông Vinh nói.

Chưa có cơ chế xác nhận người có ảnh hưởng “đã trực tiếp sử dụng sản phẩm”

Theo cơ quan thẩm tra, dự thảo luật chưa quy định cụ thể cơ chế xác nhận đối với người chuyển tải là người có ảnh hưởng “đã trực tiếp sử dụng sản phẩm” khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội, cũng như chế tài xử lý.

Vì vậy, Ủy ban Văn hóa Giáo dục đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch - cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, thiết kế nội dung này theo hướng phân định cụ thể vị trí, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo trên mạng. Trên cơ sở đó, có quy định phù hợp với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, nhất là người có ảnh hưởng trên mạng.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất giữa dự thảo luật và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: N.Bắc

Nêu ý kiến, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, hiện nay, các hình thức quảng cáo rất đa dạng. Chẳng hạn, những người nổi tiếng đi ăn, đánh giá, giới thiệu quán ăn, cửa hàng cũng là một hình thức quảng cáo. Bà đề nghị cần phải có quy định quản lý thế nào cho đảm bảo.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thì lưu ý, hiện các quy định có vẻ khá đầy đủ nhưng quảng cáo không đúng sự thật, quảng cáo quá lên trên các phương tiện thông tin đại chúng khá phổ biến.

Từ đó, ông Tùng đề nghị không chỉ quy định trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, mà cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, tránh tình trạng các cơ quan “đổ” trách nhiệm cho nhau. “Phải lập lại trật tự trong lĩnh vực này”, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật kiến nghị.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phản ánh tình trạng quảng cáo hiện nay “thổi phồng” mọi thứ.

“Tác dụng thì ít nhưng quảng cáo thì coi như bách bệnh cái gì cũng chữa được”, ông Thanh đề nghị cần phải làm rõ xem trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm này như thế nào. Bởi, các quảng cáo chủ yếu dựa trên cơ sở thông tin do doanh nghiệp cung cấp.

Điều 15a. Quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo

1. Cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo, doanh thu, tên sản phẩm, số lượng của từng sản phẩm phát sinh từ hoạt động quảng cáo định kỳ theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

2. Chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp nội dung quảng cáo không bảo đảm các yêu cầu theo quy định tại Luật này.

3. Khi quảng cáo trên mạng xã hội cùng với hoạt động khác thì phải tự đưa ra dấu hiệu hoặc sử dụng tính năng được mạng xã hội cung cấp để phân biệt nội dung quảng cáo với nội dung, thông tin chia sẻ, đăng tải thông thường.

4. Thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

5. Trường hợp người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì có nghĩa vụ  quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều này và các nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định khác của pháp luật có liên quan về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ khi thực hiện quảng cáo; tuân thủ nghĩa vụ về thuế khi phát sinh doanh thu từ dịch vụ quảng cáo theo quy định của pháp luật về thuế;

b) Thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện hoạt động quảng cáo;

c) Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm.”.

(Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ninh Bình: Trả lời chất vấn 2 nhóm vấn đề cử tri quan tâm

Ninh Bình: Trả lời chất vấn 2 nhóm vấn đề cử tri quan tâm

(Thanh tra) - Chiều ngày 3/12/2024, tại Kỳ họp thứ 26, HĐND tỉnh Ninh Bình khoá XV đã tiến hành phiên chất vấn tập trung vào 2 nhóm vấn đề được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm là công tác quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh.

Trung Hà

20:40 03/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm