Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói về xử lý thực phẩm chức năng giả, quảng cáo như thần dược

Hương Giang

Thứ năm, 07/11/2024 - 13:23

(Thanh tra) - Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, qua thanh tra, kiểm tra về thực phẩm chức năng đã phát hiện sai phạm chủ yếu như sản xuất thực phẩm chức năng giả; quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, sai sự thật.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 8, trong đó nêu rõ về việc quản lý, xử lý các vi phạm về thực phẩm chức năng.

Vi phạm chủ yếu sản xuất thực phẩm chức năng giả

Liên quan quản lý thực phẩm chức năng, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, hệ thống pháp luật quản lý về thực phẩm chức năng tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: P.Thắng

Từ năm 2022 đến nay, Bộ Y tế đã cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố cho 24.643 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, trong đó sản phẩm trong nước chiếm 84,7%.

Bộ này cũng cấp 201 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Theo báo cáo, Bộ Y tế đã cấp 6.653 giấy xác nhận nội dung quảng cáo; chuyển thông tin của 95 sản phẩm vi phạm trên 184 đường link vi phạm tới Bộ Thông tin và Truyền thông, 92 sản phẩm vi phạm trên 165 đường link vi phạm tới Bộ Công Thương để xử lý.

“Bộ Y tế đã thực hiện và chỉ đạo các địa phương thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe”, bà Đào Hồng Lan khẳng định.

Theo bà, Bộ Y tế đã xử lý 126 hành vi vi phạm, với tổng số tiền phạt hơn 16,8 tỷ đồng

Các địa phương đã kiểm tra 941.836 cơ sở, trong đó có 85.551 cơ sở có vi phạm, phạt tiền 20.881 cơ sở, với tổng số tiền phạt hơn 123 tỷ đồng.

Các vi phạm chủ yếu trong hoạt động thanh tra, kiểm tra về thực phẩm chức năng, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ yếu về sản xuất thực phẩm chức năng giả.

Phần lớn thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng được nhập từ tiểu ngạch về Việt Nam được các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc suất xứ và mang đi tiêu thụ. Những sản phẩm làm giả này được bán ra thị trường với giá rẻ hơn hàng thật.

Các vi phạm khác là sản xuất thực phẩm chức năng có chứa chất cấm, sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng không đúng chất lượng đã công bố; quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm cũng là vi phạm được chỉ ra qua thanh tra, kiểm tra.

Cố tình quảng cáo sai sự thật bất chấp quy định, đạo đức

Nêu tồn tại, hạn chế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn gặp nhiều khó khăn do sự phát triển của các hình thức quảng cáo qua mạng.

Đặc biệt là khó khăn khi xử lý các vi phạm nhất là trên các trang mạng xã hội, các quảng cáo từ các máy chủ ở nước ngoài.

Các cơ quan chức năng cũng gặp khó khăn trong việc quản lý việc mua bán qua một số hình thức mới như: quảng cáo thông qua hình thức tư vấn bán hàng qua điện thoại, đe dọa, nghiêm trọng hóa tình trạng bệnh nhằm bán thực phẩm chức năng.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, việc quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm thực phẩm bổ sung và sản xuất, kinh doanh ngay sau khi tự công bố mà không cần có ý kiến của cơ quan quản lý.

“Tuy nhiên, một bộ phận doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế này để thực hiện không đúng quy định, không gửi hồ sơ tự công bố đến cơ quan quản lý địa phương, công bố không đúng, không đầy đủ, thậm chí không công bố sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh, dẫn đến nhiều sản phẩm không được hậu kiểm và nguy cơ sản phẩm không đảm bảo an toàn”, Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo Quốc hội.

Bà Lan chỉ ra nhiều nguyên nhân, trong đó, một số tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận bất chấp pháp luật, sức khỏe và tính mạng của cộng đồng.

Cụ thể, nhiều đối tượng lợi dụng nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng cao nên cố tình sản xuất thực phẩm chức năng giả, nhập khẩu thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc về dán nhãn, mác của các dòng sản phẩm của Mỹ, Canada, Nhật, Úc..., cố tình quảng cáo sai sự thật bất chấp quy định, đạo đức.

Để khắc phục, bà Lan cho biết sẽ triển khai nhiều giải pháp, trong đó tăng cường công tác quản lý quảng cáo, nhất là quảng cáo qua mạng xã hội.

Công khai tên cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm, nội dung vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật và có chế tài xử phạt phù hợp; bổ sung hành vi và tăng mức tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo để đảm bảo tính răn đe.

Cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và xử lý vi phạm.

Theo chương trình kỳ họp Quốc hội, chiều 11/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan sẽ đăng đàn trả lời chất vấn.

Các vấn đề được đại biểu tập trung chất vấn gồm:

Việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai.

Việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh. Thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm.

Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

HĐND tỉnh Lào Cai thông qua 29 Nghị quyết

HĐND tỉnh Lào Cai thông qua 29 Nghị quyết

(Thanh tra) - Chiều 6/12, sau 2 ngày làm việc, Kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Lào Cai khóa XVI đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình làm việc đề ra và tổ chức bế mạc.

Nam Dũng

20:18 06/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm