Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tranh luận về chính sách nhà ở cho sĩ quan quân đội

Hương Giang

Thứ ba, 05/11/2024 - 19:24

(Thanh tra) - Ngày 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Một trong những nội dung được đại biểu quan tâm nêu ý kiến, tranh luận là chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

Tại khoản 12, Điều 1, dự thảo luật quy định: Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về sĩ quan, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh lập kế hoạch phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Cần có chính sách ưu đãi về nhà ở với sĩ quan quân đội?

Với quy định này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu. Bởi theo ông, quy định như dự thảo luật không phù hợp với quy định của Luật Nhà ở.

Ông cho hay, Điều 102, Luật Nhà ở quy định: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm xác định nhu cầu nhà ở với các đối tượng trong ngành và gửi UBND cấp tỉnh để tổng hợp trong kế hoạch phát triển của tỉnh.

“Việc tách nhà ở xã hội riêng cho lực lượng vũ trang, tôi thấy không cần thiết, không phù hợp, không đúng theo văn bản quy phạm pháp luật”, đại biểu Phạm Văn Hòa góp ý.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (TP Hồ Chí Minh) cho biết đã nghiên cứu rất kỹ Luật Nhà ở; đồng thời bày tỏ quan điểm ủng hộ quy định như dự thảo luật.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: P.Thắng

Ông Hoàng nêu thực tế chưa có tỉnh, thành nào làm nhà ở cho sĩ quan quân đội, mà chỉ cài xen vào nhà ở xã hội của địa phương nhưng cũng rất hạn chế. Bởi theo ông, lương cơ bản của sĩ quan cao hơn mức quy định về thu nhập của đối tượng được mua nhà ở xã hội.

“Nếu không có chính sách đặc biệt ưu đãi về nhà ở thì không thu hút được những người có điều kiện phát triển vào quân đội”, ông Hoàng nói.

Giơ biển tranh luận với đại biểu Hoàng, đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) nói: Tôi tranh luận với tinh thần rất yêu mến, kính trọng và biết ơn sâu sắc tới lực lượng vũ trang, trong đó có sĩ quan quân đội về những hy sinh gian khổ để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân, nhưng chính sách phải thống nhất, đồng bộ và khả thi.

Đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định). Ảnh: P.Thắng

Theo ông, Luật Nhà ở đã có chính sách về nhà ở cho lực lượng vũ trang nói chung, bên cạnh nhà ở xã hội cho các đối tượng khác. Luật đã quy định về bố trí quỹ đất, nguồn vốn đầu tư và triển khai thực hiện. 

“Lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có sĩ quan quân đội, nếu khó khăn về nhà ở thì có thể mua nhà ở xã hội hoặc mua nhà ở lực lượng vũ trang nhân dân”, ông Ba nói và cho rằng, nếu quy định như dự thảo luật sẽ xung đột với quy định của Luật Nhà ở, Luật Đầu tư công và các quy định liên quan.

Nhà ở xã hội phải chung, quỹ đất của địa phương làm gì có

Đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) tranh luận với đại biểu Nguyễn Minh Hoàng. Theo bà, không thể địa phương nào cũng có đất giao lại cho quân đội để làm nhà ở xã hội riêng cho lực lượng sĩ quan ở địa phương đó.

Bà Lịch cho rằng, địa phương khi xây dựng nhà ở xã hội sẽ có ưu tiên đặc biệt cho sĩ quan quân đội trong trường hợp khó khăn về nhà ở.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Phạm Văn Hòa nói thêm, sĩ quan quân đội cũng nằm trong đối tượng được xét nhà ở xã hội, nếu đối tượng nhà ở xã hội có mà không có sĩ quan quân đội thì mới là bất hợp lý.

Theo đại biểu Quốc hội, cần tách bạch nhà ở xã hội và nhà ở công vụ cho sĩ quan quân đội. “Nhà ở công vụ của quân đội riêng, không dính dáng gì, còn nhà ở xã hội thì phải chung vì quỹ đất của địa phương làm gì có”, ông Hòa nói.

Ông Hòa nói thêm, hiện nay các trường sĩ quan quân đội, trường sĩ quan công an thi vào điểm chuẩn rất cao, không kém gì điểm chuẩn của ngành y dược, để thấy rõ ràng chế độ, chính sách của công an, quân đội có ưu đãi rất nhiều.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát lại quy định về giải quyết nhà ở cho lực lượng vũ trang theo hướng đúng quy định của Luật Nhà ở, phù hợp với nhu cầu quân đội, khả năng bố trí quỹ đất của từng địa phương và giao Chính phủ quy định chi tiết.

“Không phải địa phương nào cũng có đủ quỹ đất để bố trí cho cả lực lượng vũ trang của tỉnh và cả lực lượng vũ trang của bộ trên một địa bàn tỉnh”, Phó Chủ tịch Quốc hội lý giải.

Tại báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ở tổ, Bộ Quốc phòng cho biết, Điều 102 Luật Nhà ở năm 2023 quy định Bộ này có trách nhiệm cung cấp nhu cầu về nhà ở của đối tượng thuộc phạm vi quản lý gửi UBND cấp tỉnh để tổng hợp trong kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh.

Theo quy định của Luật Đất đai, đất quốc phòng không còn nhu cầu sử dụng phải chuyển giao cho địa phương để UBND cấp tỉnh đưa vào kế hoạch phát triển nhà ở nên Bộ Quốc phòng không chủ động được và phụ thuộc vào kế hoạch của địa phương.

Ngoài ra, việc điều chỉnh quy hoạch, chương trình, kế hoạch của địa phương cũng mất nhiều công đoạn và thời gian trong khi nhu cầu về nhà ở của sĩ quan là cấp bách và rất lớn (khoảng 70.000 người), trải dài trên 63 tỉnh, TP.

Luật Đất đai, Luật Nhà ở giao UBND cấp tỉnh lập kế hoạch phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhưng chưa quy định việc bố trí quỹ đất và thu hồi đất để giao cho Bộ Quốc phòng thực hiện, trong khi Bộ Quốc phòng có các cơ quan chuyên môn về đầu tư, xây dựng, đủ năng lực để quản lý và triển khai thực hiện.

“Vì vậy, cần có “cơ chế đặc biệt” để Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện. Việc chỉnh lý như dự thảo luật là bổ sung chủ thể thực hiện chính sách, pháp luật về nhà ở xã hội cho quân đội, giảm khó khăn, áp lực cho chính quyền địa phương và đáp ứng nhu cầu cấp bách về nhà ở cho các đối tượng trong quân đội là phù hợp với thực tiễn”, báo cáo nêu.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tranh luận về chính sách nhà ở cho sĩ quan quân đội

Tranh luận về chính sách nhà ở cho sĩ quan quân đội

(Thanh tra) - Ngày 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Một trong những nội dung được đại biểu quan tâm nêu ý kiến, tranh luận là chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

Hương Giang

19:24 05/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm