Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thủ tướng ra thông điệp chính: Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Hương Giang

Thứ hai, 04/07/2022 - 19:00

(Thanh tra) - Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, những tháng cuối năm 2022, “thông điệp chính là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn”.

Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6. Ảnh: Nhật Bắc

Ngày 4/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6, 6 tháng năm 2022 và triển khai các nghị quyết của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

2 kịch bản tăng trưởng, mục tiêu cao đạt 7%

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, kinh tế có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP vượt kịch bản cao đề ra, trong đó, GDP quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011.

Nếu tính chung 6 tháng, GDP ước tăng 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn so với dự kiến kịch bản và cùng kỳ năm 2021, tương đương mức bình quân các năm trước dịch.

Dù vậy, Bộ trưởng nói, “rủi ro, thách thức phục hồi kinh tế còn rất lớn, nhất là giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, cộng hưởng với đà phục hồi tiêu dùng trong nước, tạo áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao”.

“Nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời, có thể làm suy giảm sản xuất trong nước, nhất là sản xuất nông nghiệp, từ đó tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực, đời sống người dân”, ông Dũng nêu.

Trên cơ sở kết quả 6 tháng đầu năm, dự báo tình hình 6 tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 7%, cao hơn mức phấn đấu cao khoảng 0,5% so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra (từ 6-6,5%), tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.

2 kịch bản tăng trưởng đã được bộ này đưa ra. Theo đó, kịch bản 1 có mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, như vậy quý III cần đạt mức tăng trưởng 7,9%, quý IV tăng 5,5%. Với kịch bản 2, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7% thì quý III phải đạt mức tăng trưởng là 9% và quý IV tăng 6,3%.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Đ.X

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng còn đề cập đến loạt nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới. Trong đó, ông đề nghị, tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng, chống dịch COVID-19.

Chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách vĩ mô khác cần điều hành đồng bộ, chủ động, linh hoạt. Cạnh đó, điều hành ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất, tăng trưởng tín dụng, triển khai nhanh, hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất (2%/năm); theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa, bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành giá; bảo đảm cân đối điện trong mùa nắng nóng.

Các ý kiến tại hội nghị thống nhất với phương án, kịch bản tăng trưởng GDP phấn đấu đạt 7% trong năm nay.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp, nếu có quyết tâm cao thì có thể đạt mức tăng trưởng 7% trong năm 2022.

Ông Hiệp cho rằng, điều này là có cơ sở thực tiễn và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5-7%/năm.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đánh giá, nếu so sánh với tình hình thế giới, thấy những kết quả tích cực mà Việt Nam đạt được càng rõ nét. GDP của Việt Nam tăng cao, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, mặt bằng lãi suất cho vay cũng chỉ tăng nhẹ khoảng 0,12% so với năm trước.

Theo bà Hồng, ngân hàng trung ương nhiều nước đều đánh giá lạm phát vẫn chưa lên tới đỉnh điểm, trong khi, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. Vì vậy, đòi hỏi các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm phải rất đồng bộ, xác định rõ mục tiêu ưu tiên.

Những thành tựu, kết quả của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

S&P nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng ổn định, thể hiện góc nhìn tích cực đối với Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế.

Chỉ số “Chất lượng sống” của Việt Nam đạt 78,49 điểm, xếp vị trí 62/165, tăng 39 bậc chỉ sau 1 năm. Chỉ số công khai, minh bạch ngân sách năm 2021 tăng 9 bậc so với 2019, xếp thứ 68/120 quốc gia, vùng lãnh thổ. 

Nghiên cứu chính sách hỗ trợ về xăng dầu

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát trong điều kiện khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và thời cơ, Việt Nam đã đạt một số kết quả rất tích cực trên các lĩnh vực.

Chúng ta cũng giải quyết bình tĩnh, thận trọng, có hiệu quả các vấn đề phát sinh, các vấn đề tồn đọng như việc xử lý các ngân hàng yếu kém, 12 dự án thua lỗ, các vấn đề liên quan Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy...

Ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, đóng góp quan trọng của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng cũng lưu ý, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là rất nặng nề.

Vì vậy, tinh thần chỉ đạo chung là tuyệt đối không chủ quan, lơ là, luôn giữ vững nguyên tắc cơ bản nhưng chủ động, linh hoạt, sáng tạo, biến nguy thành cơ, tận dụng tốt cơ hội để phát triển bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc

“Thông điệp chính là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các cấp, các ngành, các địa phương trong giai đoạn hiện nay”, Thủ tướng nêu rõ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để tổng hợp, xây dựng đề án bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động cập nhật các kịch bản tăng trưởng.

Thủ tướng nêu rõ, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn và thận trọng, bảo đảm ổn định tỷ giá, lãi suất, thị trường ngoại hối, tiền tệ, tín dụng, tập trung tín dụng cho sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng; hướng dẫn các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, cố gắng giảm lãi suất cho vay; đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu.

Ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả, như phí, thuế, lệ phí, tăng đầu tư công… tích cực báo cáo, đề xuất cấp có thầm quyền điều chỉnh thuế với xăng dầu. Nghiên cứu, tiến hành thận trọng chính sách hỗ trợ về xăng dầu với một số đối tượng.

Quản lý chặt chẽ giá cả, phòng, chống đầu cơ, tích trữ, găm hàng; bảo đảm nguồn cung xăng dầu, năng lượng; đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng, sử dụng tiết kiệm năng lượng, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu. Bảo đảm an ninh lương thực trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Cạnh đó, bảo đảm ổn định và phát triển lành mạnh, hiệu quả, an ninh, an toàn thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tiền tệ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy.

Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng tiêu cực, tiếp công dân và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Các ý kiến tại hội nghị cũng thống nhất đánh giá tăng trưởng GDP đạt mức ấn tượng, kinh tế đang phục hồi toàn diện, 44/63 tỉnh, TP tăng trưởng trên 6% cho thấy sự tăng trưởng đồng đều ở các khu vực và địa phương.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng tăng 2,44%. Thu ngân sách Nhà nước 6 tháng ước đạt 66,1% dự toán, tăng 18,8%; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4%, xuất siêu 710 triệu USD.

Các ngành, lĩnh vực chủ yếu phát triển ổn định, nhiều lĩnh vực phục hồi nhanh, như xuất khẩu nông lâm nghiệp, thủy sản, xuất khẩu nông sản đạt 28 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp phục hồi tốt, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý II đạt 9,87%, 6 tháng tăng 8,48%.

Số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 6 tháng là gần 117.000 doanh nghiệp (lần đầu tiên vượt mốc 100.000 doanh nghiệp), tăng 25,4% so cùng kỳ.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội được chú trọng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương ước tính là 7,4 triệu đồng/tháng, tăng 417.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

Từ tháng 7/2021 đến nay, đã hỗ trợ gần 81,3 nghìn tỷ đồng cho trên 49,7 triệu lao động và gần 728,5 nghìn người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68, 126, 116 của Chính phủ.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo được đẩy mạnh, xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư công và nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng… 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm