Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Cải cách là khó, đụng chạm đến bộ máy, con người càng khó hơn”

Hương Giang

Thứ năm, 18/03/2021 - 21:44

(Thanh tra) - “Cải cách là khó, cải cách hành chính đụng chạm đến bộ máy, con người thì càng khó hơn”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói và nhấn mạnh, chúng ta đặt vấn đề phải cải cách mạnh mẽ hơn để đưa đất nước tiến lên.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quang Hiếu

Chiều ngày 18/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành của Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết chương trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020 và giai đoạn 2021-2030.

Trong 10 năm qua, cải cách hành chính đã được triển khai đồng bộ trên tất cả 6 nội dung: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công; hiện đại hoá nền hành chính.

Quyết liệt, linh hoạt và sáng tạo

Mở đầu hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cho hay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, linh hoạt và sáng tạo để nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung đẩy mạnh cải cách nền hành chính, đặc biệt là đã kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi bằng được tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; tập trung chỉ đạo cải cách tốt thủ tục hành chính, phân cấp mạnh và làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, khắc phục tình trạng chậm trễ, phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp.

Đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương công vụ, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để huy động mọi nguồn lực bảo đảm cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và thực hiện tốt tiến bộ công bằng xã hội.

“Kết quả cải cách hành chính ở nước ta thời gian qua đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình. Ảnh: Quang Hiếu

Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu, kết luận hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc quan tâm triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực của Chương trình Tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020.

“Có giảm biên chế thật, nhưng bộ máy còn cồng kềnh”

Song người đứng đầu Chính phủ lưu ý, “tiếng kêu của người dân” về thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp vẫn còn. Hiện tượng vòi vĩnh, đòi hối lộ ở một số nơi khi người dân, doanh nghiệp đến làm thủ tục cũng còn…

"Không phải Thủ tướng không biết đâu. Trong nhiều phiên họp Chính phủ, tôi đã nêu những việc ở cục, vụ ở một số bộ. Nhưng nay tổng kết có nhiều niềm vui nên Thủ tướng chưa nếu hết những bất cập, không có nghĩa là chúng tôi không biết những việc của một số cán bộ, công chức có ứng xử tiêu cực với công dân, doanh nghiệp”, Thủ tướng nói.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ đánh giá, tổ chức bộ máy bộ, ngành từ 2007 đến nay vẫn giữ nguyên số lượng, mặc dù có khả năng tinh gọn hơn. Bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ còn cồng kềnh, nhiều đầu mối, số đơn vị trực thuộc tăng lên với nhiều đơn vị có tư cách pháp nhân.

“Tình trạng “bộ trong bộ” vốn là hạn chế chưa khắc phục được của việc sáp nhập các bộ, cơ quan từ giai đoạn trước càng nặng nề thêm”, báo cáo nêu.

Bộ Nội vụ cho hay, mô hình tổ chức tổng cục, cục, vụ không thống nhất. Nhiều vấn đề tổ chức bộ máy hành chính nhà nước chưa được quy định, hướng dẫn đầy đủ, cụ thể trong các văn bản pháp luật.

Tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước vẫn chậm được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Đáng chú ý, chưa khắc phục triệt để những chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ. Nguyên tắc “một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính” chưa được phát huy mạnh mẽ nên vẫn phải phối hợp, họp nhiều, quy trình xử lý công việc chậm… 

Một vấn đề nữa Thủ tướng lưu ý là có giảm biên chế thật nhưng bộ máy còn cồng kềnh, đi liền là sử dụng kinh phí ngân sách còn lãng phí.

Từ đó, người đứng đầu Chính phủ tiếp tục khắc phục những bất cập, làm sao để xây dựng một nền hành chính văn minh, hiện đại, hướng về người dân.

Theo đó, phải thực hiện chiến lược số hóa với cơ sở dữ liệu dân cư tốt hơn để giảm thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, tăng cường, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm; tăng cường tính công khai minh bạch để sát dân, sát cơ sở, phục vụ người dân.

“Tiếng kêu của người dân, doanh nghiệp ít đi chứng tỏ bộ máy giải quyết công việc minh bạch, công khai”, Thủ tướng nêu rõ.

“Muốn cải cách tiền lương phải tinh giản biên chế”

Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trong thời gian tới, theo Thủ tướng, phải tiếp tục cải cách hành chính quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo về đánh giá chất lượng hoạt động bộ máy Nhà nước.

Thủ tướng lưu ý, việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước. Đẩy mạnh nghiên cứu, thí điểm một số mô hình mới về thu gọn tổ chức bộ máy gắn với thực hiện chính sách tinh giản biên chế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta đặt vấn đề phải cải cách mạnh mẽ hơn để đưa đất nước tiến lên. Ảnh: Quang Hiếu

Tăng cường thí điểm chuyển giao một số dịch vụ công mà nhà nước không nhất thiết thực hiện sang cho doanh nghiệp, xã hội đảm nhiệm. Sơ kết, tổng kết và mở rộng các mô hình này.

“Nhà nước chỉ làm những việc người khác không làm được chứ không phải các bộ ngành ôm hết, bộ máy phình ra”, Thủ tướng đề nghị, Bộ Nội vụ cùng các bộ, ngành xem lại mô hình tổng cục với nhiều tầng nấc hiện nay.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu, đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động để tinh gọn đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải và trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập.

"Theo thống kê, chúng ta có 58.000 đơn vị trong cả nước với hàng triệu biên chế. Biên chế hành chính từ huyện đến bộ chỉ mấy trăm nghìn người, không phải là nhiều nhưng đơn vị sự nghiệp công lên đến hàng triệu người nhưng tự chủ, tự trang trải để giảm biên chế nhà nước còn rất ít”, Thủ tướng dẫn chứng một sở khoa học công nghệ mà có tới 400 - 500 đơn vị sự nghiệp công, đi liền với đó là việc xin ngân sách.

“Muốn cải cách tiền lương phải tinh giản biên chế, tiết kiệm hơn. Tự chủ, tự trang trải ở các đơn vị sự nghiệp công lập là hướng chúng ta phải làm. Còn Nhà nước ôm hết thì làm sao chịu nổi”, Thủ tướng nói tiếp.

Vấn đề nữa được Thủ tướng đặt  là tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn với quyền hạn và trách nhiệm; khuyến khích sự năng động, sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước.

"“Cải cách là khó, cải cách hành chính đụng chạm đến bộ máy, con người thì càng khó hơn. Với tinh thần quyết tâm và trách nhiệm trước toàn Đảng, toàn dân, sau tổng kết, tôi mong các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa để đóng góp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Đại hội XIII đề ra”, Thủ tướng phát biểu và tin tưởng, tân Bộ trưởng Nội vụ mới sẽ cùng các bộ, ngành cải cách mạnh mẽ hơn.

Một số con số trong 10 năm cải cách hành chính

- Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến tháng 11/ 2020, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 thủ tục hành chính, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền.

- Với bộ máy hành chính, tại các bộ, cơ quan ngang bộ (không tính Bộ Quốc phòng và Bộ Công an) đã giảm 12 vụ và tương đương.

Tại các tỉnh, TP giảm 5 tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 973 tổ chức cấp phòng; 127 tổ chức cấp chi cục; 1.179 tổ chức cấp phòng thuộc chi cục; ở cấp huyện giảm 294 tổ chức cấp cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.

- Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các bộ, ngành là 1.045 đơn vị, giảm 44 đơn vị so với năm 2017 và giảm 53 đơn vị so với năm 2015.

- Về biên chế công chức (tính đến 31/3/2020), các bộ, ngành Trung ương giảm 10.284 người so với số giao năm 2015; các địa phương giảm 13.612 người so với số giao năm 2015. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm