Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng: “Không đón chào nhà đầu tư coi Việt Nam là nơi chuyển giá”

Thứ hai, 05/12/2016 - 16:37

(Thanh tra)- “Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực hành động, để cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam cùng nhau hợp tác, lớn mạnh trên “sân nhà” nhưng không đón chào những nhà đầu tư coi Việt Nam là nơi chuyển giá, là nơi trốn tránh trách nhiệm môi trường, đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản và giá trị cốt lõi đã cam kết”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việt Nam tạo điều kiện tối đa, hỗ trợ để DN lớn mạnh và phát triển. Ảnh: TN

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn DN thường niên 2016 với chủ đề “Nâng cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân, tăng cường hợp tác giữa DN trong nước và nước ngoài vì sự phát triển hài hòa của kinh tế Việt Nam” ngày 5/12.

Vẫn “nặng gánh các khoản chi trả không chính thức”

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, lực lượng DN tư nhân Việt Nam tuy số lượng đông đảo nhưng chưa đủ mạnh khi thiếu những DN đủ tầm, đủ tiêu chuẩn và khả năng dẫn dắt cuộc chơi ngay tại thị trường trong nước cũng như tham gia sân chơi hội nhập.

Chính phủ đã có những nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Mới đây, Ngân hàng Thế giới cũng đã công bố chỉ số môi trường kinh doanh, trong đó có Việt Nam tăng đến 9 bậc, vào nhóm 5 quốc gia đứng đầu ASEAN. Song, cộng đồng DN đánh giá, vẫn còn khoảng cách khá lớn ngay với các nước trong khu vực ASEAN và mong muốn của DN.

“Các DN Việt Nam vẫn phải nặng gánh các khoản chi trả không chính thức, gặp phải tình trạng nhũng nhiễu cho nên luôn phải tìm cách đối phó với những rủi ro có thể xảy ra từ thay đổi chính sách hay sự áp dụng và thực hiện không nhất quán, không dự đoán được của cơ quan Nhà nước các cấp”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận.

Thêm vào đó, các DN đang gặp hàng loạt khó khăn trong hoạt động từ vay vốn, thiếu hụt nhân lực chất lượng và những vướng mắc khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, thuế, hải quan…

Do vậy, “cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tế, xoá bỏ sự khác biệt giữa văn bản và thực thi; tính toán và đánh giá được chi phí và lợi ích của từng thủ tục hành chính đặt ra chứ không chỉ nêu chung chung…” là mong muốn của cộng động DN đang hoạt động tại Việt Nam gửi đến Chính phủ.

Tạo sân chơi sòng phẳng cho DN

“Việt Nam vẫn còn những tiềm năng to lớn mà chỉ có thể được đánh thức trong một môi trường kinh doanh minh bạch và thuận lợi”, Chủ tịch Hiệp hội DN Anh quốc tại Việt Nam (BBGV) Kenneth M.Atkinson nhận định.

Nhưng “nhiều DN Anh tại Việt Nam lo ngại và đề nghị Chính phủ Việt Nam xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường và ách tắc giao thông”, ông Kenneth M.Atkinson đề xuất, cần hạn chế các phương tiện giao thông trong các TP lớn ngay khi hệ thống giao thông cộng cộng mới được đưa vào hoạt động.

Bà Virginia B.Foote, Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cũng bày tỏ, “sự phát triển nhanh chóng không cần thiết phải kéo theo các rủi ro về môi trường và sức khỏe người dân”. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ Việt Nam bảo đảm một sân chơi bình đẳng, sòng phẳng cho các DN, không còn sự thiếu rõ ràng về chính sách, pháp luật để tránh bị lợi dụng.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh: TN

Đem tiếng nói của cộng đồng DN Hàn Quốc tại Việt Nam, theo ông Han Dong Hee, Chủ tịch KoCham, để thực hiện chính sách kết nối giữa DN trong nước và FDI, cần tập trung mở rộng quan hệ mua bán phụ tùng và sản phẩm từ các DN Việt Nam. Cũng như, phải có chính sách mở rộng các kênh để các DN FDI có thể tiếp cận hàng hóa trung gian từ các DN nhỏ và vừa của Việt Nam.

Phản hồi kiến nghị của cộng đồng DN, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam sẽ có chính sách đẩy mạnh kết nối giữa DN đầu tư nước ngoài (FDI) và DN trong nước trên cơ sở chia sẻ thông tin về thị trường, phương thức quản trị, giúp DN Việt Nam hợp tác với nước ngoài.

“Quan điểm của Chính phủ hỗ trợ là “tạo con đường thuận lợi để đi” nhưng các DN cần “tự bước trên đôi chân của mình, hợp tác, hỗ trợ nhau cùng bước nhanh đến đích””, Bộ trưởng nói.

“Không phải nghe, biết rồi để đó”

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa đưa ra thông điệp, tạo điều kiện tối đa, hỗ trợ để DN lớn mạnh và phát triển thông qua các cam kết tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

“Quan điểm xuyên suốt là mọi DN, không phân biệt DN tư nhân hay DN FDI đều bình đẳng trước pháp luật, khuyến khích tinh thần hợp tác và cạnh tranh lành mạnh”, Thủ tướng nói và mong muốn các DN FDI kiên trì hoạt động đầu tư, đặt niềm tin vào những cải cách của Việt Nam, chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm quản trị, có trách nhiệm với xã hội, chung tay cùng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường.

“Việt Nam không đón chào những nhà đầu tư coi Việt Nam là nơi chuyển giá, là nơi trốn tránh trách nhiệm môi trường, đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản và giá trị cốt lõi đã cam kết. Vì những điều đó không chỉ phương hại đến lợi ích phát triển bền vững của Việt Nam mà còn tổn hại đến uy tín, sự mẫu mực của các nhà đầu tư khác đang có mặt ở Việt Nam. Làm giảm tính hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, danh tiếng trên thế giới đến với Việt Nam”.

Các bộ, ngành phải tiếp thu, nghiên cứu những đề xuất, kiến nghị phù hợp của diễn đàn để sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật có liên quan, chấn chỉnh kịp thời những bất cập. Bộ Kế hoạch Đầu tư phải tiếp tục theo dõi, đôn đốc, định kỳ báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện và thông báo, phản hồi cho Diễn đàn biết việc tiếp thu ý kiến được Chính phủ thực hiện bài bản, nghiêm túc.

“Chúng ta nghe phản hồi nhưng phải có biện pháp giải quyết đúng mức, kịp thời, không phải nghe, biết, rồi để đó. Cái chính là Nhà nước được gì, DN được gì, nhân dân được gì, 3 câu hỏi này đặt ra để làm tốt hơn, mà trước hết là phải cải thiện môi trường đầu tư trong thời gian tới. Trên tinh thần đó, Chính phủ nổ lực hành động, để cộng đồng DN Việt Nam có thể cùng nhau hợp tác, lớn mạnh trên sân nhà”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm