Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ tư, 19/02/2025 - 10:50
(Thanh tra) - Theo quyết nghị của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ được giao chủ đầu tư thực hiện 2 dự án điện hạt nhân; áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn…
Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vừa được Quốc hội thông qua sáng 19/2, với 96,03% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.
Chỉ định thầu theo quy trình rút gọn
Nghị quyết này quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt để đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 và các dự án thành phần, cùng một số cơ chế, chính sách đặc biệt áp dụng cho tỉnh Ninh Thuận để thực hiện dự án.
Với các cơ chế, chính sách đặc biệt, Quốc hội quyết nghị dự án được triển khai đồng thời việc đàm phán với đối tác đã ký kết điều ước quốc tế hoặc với các đối tác khác để ký kết điều ước quốc tế về hợp tác xây dựng, cấp tín dụng cho thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, song song với quá trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư.
Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh: P.Thắng
Trong lựa chọn nhà đầu tư và nhà thầu, Quốc hội quyết định trao cho Thủ tướng quyền giao chủ đầu tư thực hiện các dự án.
Dự án cũng được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với gói thầu chìa khóa trao tay xây dựng nhà máy chính với nhà thầu trong điều ước quốc tế.
Phạm vi công việc của hợp đồng chìa khóa trao tay bao gồm: Các công việc theo quy định pháp luật xây dựng và các công việc lập hồ sơ phê duyệt địa điểm, mua bảo hiểm cho toàn bộ phạm vi thực hiện của hợp đồng (được phép mua bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài không có chi nhánh được cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam), cung cấp nhiên liệu hạt nhân, vận hành, bảo dưỡng nhà máy trong thời gian 05 (năm) năm kể từ ngày dự án nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Quốc hội cũng thống nhất cho áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với các gói thầu tư vấn quan trọng trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án, bao gồm: lập, thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; tư vấn trợ giúp chủ đầu tư đàm phán, ký kết, quản lý thực hiện hợp đồng chìa khoá trao tay; thẩm tra hồ sơ phê duyệt địa điểm…
Áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn để thẩm định công nghệ, an toàn, an ninh, kiểm tra pháp quy hạt nhân trong các giai đoạn đầu tư xây dựng các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng là một chính sách đặc biệt được Quốc hội thông qua.
Về trình tự thực hiện, Quốc hội cho phép thực hiện song song với quá trình đàm phán điều ước quốc tế và đàm phán hợp đồng chìa khóa trao tay; thực hiện các công việc trước khi quyết định đầu tư xây dựng dự án…
Chủ đầu tư được vay và vay lại vốn mà không chịu rủi ro tín dụng
Theo nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng quyết định việc cho phép áp dụng các định mức, đơn giá trên cơ sở đàm phán với đối tác thực hiện dự án.
Các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 9. Ảnh: P.Thắng
Chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục trình cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước để thông qua, phê duyệt nội dung liên quan đến dự án đầu tư, phương án huy động vốn, thế chấp tài sản để vay vốn theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Liên quan phương án tài chính và thu xếp vốn, Quốc hội đồng ý cho đàm phán với Chính phủ các đối tác thực hiện để thu xếp vốn theo nhu cầu vốn của dự án và theo cam kết của nhà tài trợ nước ngoài; được phép áp dụng theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài trong trường hợp pháp luật Việt Nam chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng khác với quy định của nhà tài trợ nước ngoài.
Chủ đầu tư được vay và vay lại mà không chịu rủi ro tín dụng, không phải thực hiện thủ tục lập đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Trong quá trình thực hiện dự án, Thủ tướng được quyết định sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác cho dự án trong trường hợp đàm phán hiệp định vay không thành công hoặc quy mô khoản vay không đủ.
Chủ đầu tư được phép thu xếp vốn đối ứng từ nguồn vốn vay, vốn trái phiếu doanh nghiệp, vốn vay lại trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công trình do Chính phủ phát hành, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh với các điều kiện vay lại theo điều kiện vay của khoản phát hành trái phiếu, khả năng trả nợ của Dự án và Luật Quản lý nợ công.
Với Ninh Thuận, Quốc hội đồng ý hàng năm ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh 70% nguồn tăng thu từ triển khai dự án, nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu.
Tỉnh này cũng được vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài với tổng dư nợ tối đa 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay, bội chi của tỉnh hàng năm sẽ do Quốc hội quyết định.
Ngoài ra, Ninh Thuận được áp dụng một số cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án điện hạt nhân.
Nghị quyết cũng nêu rõ cơ chế, chính sách bảo đảm phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Theo đó, Thủ tướng cần thành lập tổ công tác gồm đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và các bộ, ngành liên quan, để theo dõi, giám sát thường xuyên quá trình thực hiện các gói thầu.
Chủ đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 có trách nhiệm gửi dự thảo hợp đồng chìa khoá trao tay xây dựng nhà máy chính cho Kiểm toán Nhà nước để thực hiện kiểm toán làm cơ sở ký hợp đồng.
Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm gửi kết quả kiểm toán cho cấp thẩm quyền ký hợp đồng chìa khoá trao tay trong thời hạn tối đa không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị kiểm toán kèm theo hợp đồng, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 26/3, Tỉnh ủy Hà Nam tổ chức hội nghị quán triệt Công văn số 43-CV/BCĐ, ngày 20/3/2025 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW về kế hoạch tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trương Quốc Huy chủ trì hội nghị.
Chính Bình
(Thanh tra) - Sáng 26/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội về đôn đốc thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025; tình hình bảo đảm trật tự an toàn giao thông và xử lý ô nhiễm môi trường không khí.
Hải Hà
Hương Giang
Minh Tân
Hương Giang
Thùy Dương
Trần Lê
Hoàng Nam
Trần Quý
Nguyễn Điểm
Bùi Bình
Phúc Anh
Phương Anh
Văn Thanh
Minh Nghĩa
Cao Huân