Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Chủ nhật, 29/12/2024 - 21:55
(Thanh tra) - Thủ tướng quán triệt yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, thiết kế công cụ để tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, không "ôm" việc lên Trung ương, địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
Yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, không "ôm" việc lên Trung ương được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ khi phát biểu kết luận tại phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật, chiều 29/12.
Phiên họp tập trung thảo luận, cho ý kiến về: Xử lý vướng mắc, bất cập liên quan phân cấp, phân quyền, ủy quyền; rà soát văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động của việc sắp xếp tố chức, bộ máy; trao đổi, thảo luận về một số vấn đề khác liên quan đến việc triển khai các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
Dứt khoát bỏ tư duy “không quản được thì cấm, không biết mà vẫn quản”
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu dứt khoát bỏ tư duy “không quản được thì cấm, không biết mà vẫn quản".
Ông đồng thời quán triệt tư duy "ai quản lý tốt nhất thì giao", "người dân và doanh nghiệp được làm những gì luật không cấm", "cái gì cấm thì đưa vào luật, cái gì không cấm thì tạo không gian cho sáng tạo", "cái gì doanh nghiệp và người dân làm được, làm tốt hơn thì Nhà nước dứt khoát không làm".
Quản lý Nhà nước chỉ tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch, pháp luật, cơ chế, chính sách, kiến tạo phát triển.
Thủ tướng nêu rõ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, thiết kế công cụ để tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, không "ôm" việc lên Trung ương, địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm; phải phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm.
Về một số nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm thời gian tới, theo chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục chủ động rà soát, nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy.
Các bộ, ngành cũng phải nhanh chóng xây dựng, ban hành và trình ban hành các văn bản phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; không để khoảng trống pháp lý, không để gián đoạn hoạt động.
Bộ Tư pháp được giao chủ trì, xây dựng để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc xử lý các vấn đề vướng mắc, phát sinh liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy, trong đó đề xuất quy định các nguyên tắc và giao Chính phủ tiếp tục hướng dẫn cụ thể.
Bộ Nội vụ chủ trì, xây dựng để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thành lập một số bộ của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 sau khi có chủ trương của Đảng. Bộ này cũng được giao xây dựng Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Bộ Tư pháp xây dựng Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Bộ Tài chính hoàn thiện Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Các dự án luật trên phải khẩn trương trình Chính phủ trong tháng 1/2025 để trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự thủ tục rút gọn.
Làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan
Thủ tướng lưu ý các dự thảo cần làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan để khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung.
Ngoài các luật, nghị quyết sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 cũng rất nặng nề.
Cụ thể, gồm: Các dự án đã có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và các dự án mới do các bộ, ngành đề nghị bổ sung trong năm 2025 để thực hiện các nhiệm vụ mới về tổ chức bộ máy và các nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền giao, với dự kiến 49 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ chủ động, khẩn trương phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, báo cáo Chính phủ để xem xét, quyết định trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết này, bảo đảm khả thi, tiến độ, chất lượng.
Ngoài ra, để khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt mức 2 con số trong những năm tiếp theo, Thủ tướng yêu cầu dứt khoát chậm nhất tới 31/12/2024 các cơ quan liên quan phải trình ban hành Nghị định quy định về thành lập, quản lý, sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư và quy hoạch TP Hồ Chí Minh tới năm 2030, tầm nhìn đến 2050; đồng thời xem xét, xử lý đề xuất liên quan room tín dụng của các ngân hàng cho vay phát triển nhà ở xã hội…
Theo Bộ Tư pháp, qua rà soát đến nay, có tổng số hơn 5.000 văn bản chịu tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Trong đó, có hơn 2.800 văn bản liên quan thay đổi tên gọi của cơ quan, tổ chức, đơn vị; có gần 1.900 văn bản có nội dung cần xử lý ngay và hơn 300 văn bản có nội dung cần xử lý nhưng chưa cấp thiết.
Bộ Nội vụ cho biết, pháp luật về phân cấp, phân quyền, ủy quyền được quy định chủ yếu trong Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và một số luật chuyên ngành. Qua rà soát, xác định có hơn 1.000 văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan 2 luật này.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sáng 1/1/2025, các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Kim Sơn tổ chức công bố thành lập các xã mới trên cơ sở hợp nhất theo Nghị quyết số 1318/NQ-UBTVQH15, ngày 10/12/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025.
Trung Hà
(Thanh tra) - Sáng ngày 1/1/2025, với tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao, HĐND TP Hoa Lư đã thực hiện quy trình bầu các chức danh Chủ tịch, các Phó Chủ tịch HĐND, các Trưởng ban, Phó Trưởng ban và số lượng thành viên các Ban HĐND và Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND thành phố bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Trung Hà
Hương Giang
Hương Giang
Trần Quý
Thái Hải
Trần Quý
Chính Bình
Văn Thanh
PV
Phạm Mạnh Hà
Văn Thanh
Trần Quý
Trần Quý
Thanh Giang
Trọng Tài
Trung Hà
Trọng Tài