Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng: Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, giảm giấy tờ trong xử lý thủ tục hành chính

Kim Thanh

Thứ tư, 10/03/2021 - 21:45

(Thanh tra) - Thủ tướng nhấn mạnh, 100% cơ quan, tổ chức nhà nước hoàn thành xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin và đề xuất phương án bảo đảm an toàn thông tin. Không thể xây dựng Chính phủ điện tử mà coi nhẹ an toàn thông tin.

Chiều 10/3, Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử tổ chức cuộc họp sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP  ngày 7/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng nêu rõ, với việc ban hành Nghị quyết 17, lần đầu tiên chúng ta có kế hoạch tổng thể về triển khai Chính phủ điện tử ở Việt Nam.

Nghị quyết 17 đã chú trọng vào việc xây dựng thể chế và yêu cầu nền tảng dùng chung. Đây là hai vấn đề quan trọng mà chúng ta chưa làm được trong nhiều năm.

Điểm lại một số kết quả nổi bật, Thủ tướng cho biết, bộ máy chỉ đạo, điều hành triển khai Chính phủ điện tử được kiện toàn. Hiện nay, Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử được mở rộng chức năng, nhiệm vụ để chỉ đạo thêm nội dung về chuyển đổi số, kinh tế số, đô thị thông minh. Môi trường pháp lý cho phát triển Chính phủ điện tử cơ bản được hình thành đầy đủ.

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên quy mô toàn quốc đã được phát triển và hình thành theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (bao gồm: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia và các Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đã kết nối với trên 200 hệ thống thông tin của 90 cơ quan, đơn vị để kết nối chia sẻ dữ liệu quy mô quốc gia).

Tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh để kết nối chia sẻ dữ liệu trong mỗi bộ/tỉnh và là đầu mối kết nối ra bên ngoài. Kết nối, chia sẻ dữ liệu hiệu quả sẽ là tiền đề phát triển Chính phủ số.

Một số cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia đã được xây dựng và phát huy hiệu quả như các cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, y tế, giáo dục, hộ tịch. Trong đó, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong nhiều năm không làm được thì đã được khai trương ngày 25/02/2021, là cú hích giảm giấy tờ thủ tục hành chính đáng kể.

Đến nay, tất cả các bộ, ngành, địa phương đã có Trung tâm điều hành và giám sát an toàn an ninh và kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia để tạo thành hệ thống giám sát toàn diện an toàn không gian mạng quốc gia.

An toàn, an ninh mạng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian số là điều kiện tiên quyết, luôn là nhiệm vụ song hành với các nhiệm vụ chuyển đổi số, Thủ tướng nêu rõ. Cơ sở dữ liệu quốc gia phải được sử dụng hiệu quả chứ không phải mỗi bộ, mỗi cơ quan cứ ôm giữ, không chia sẻ.

Các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao được chú trọng phát triển để phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là việc triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia.

Trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước đã trở thành nề nếp giúp tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí hành chính (trên 90% văn bản điện tử được trao đổi giữa các cơ quan nhà nước; trên 4,5 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia).

Về triển khai chuyển đổi số, chúng ta đã khởi động và đạt được kết quả bước đầu. Đến nay, trên 50% các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và bắt đầu triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch về chuyển đổi số.

Nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã làm chủ các công nghệ cốt lõi, phát triển các nền tảng công nghệ cho chuyển đổi số.

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số cho doanh nghiệp đã được khởi động và bước đầu triển khai hiệu quả. Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt Cổng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (thu hút 400 người dùng doanh nghiệp, hỗ trợ gần 200 doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số để chuyển đổi số).

Cùng với những thành tựu quan trọng, toàn diện về kinh tế-xã hội, những nỗ lực mạnh mẽ trong chỉ đạo thực hiện và những kết quả quan trọng đạt được trong xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử là một điểm sáng nổi bật trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua, nhất là năm 2020, Thủ tướng nêu rõ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số mặt tồn tại, hạn chế như môi trường pháp lý cho Chính phủ điện tử chưa hoàn thiện (một số Nghị định quan trọng vẫn chưa được ban hành, đặc biệt là về bảo vệ dữ liệu cá nhân; định danh, xác thực điện tử…).

Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vẫn thấp. Các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành triển khai chưa đáp ứng được tiến độ, kế hoạch đã đề ra...

Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh công tác xây dựng thể chế, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến. Triển khai hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để giảm giấy tờ trong xử lý thủ tục hành chính.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, bảo đảm đến tháng 7/2021 hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai theo quy định.

Về các nền tảng Chính phủ điện tử, các bộ, ngành, địa phương sử dụng, khai thác hiệu quả các dịch vụ cung cấp trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, chủ động chia sẻ cung cấp dữ liệu của mình cho các cơ quan Nhà nước khác…

Thủ tướng nhấn mạnh, 100% cơ quan, tổ chức nhà nước hoàn thành xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin và đề xuất phương án bảo đảm an toàn thông tin. Không thể xây dựng Chính phủ điện tử mà coi nhẹ an toàn thông tin.

Các bộ, ngành, địa phương hoàn thành xây dựng, triển khai ngay các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số cho giai đoạn mới; quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp duy trì, tiếp tục phát triển các hoạt động trực tuyến, ứng dụng công nghệ số trong mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội như đã được hình thành trong thời gian dịch bệnh COVID-19.

Kết thúc phát biểu tại phiên họp Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử cuối cùng trong nhiệm kỳ Chính phủ này, Thủ tướng bày tỏ trân trọng cảm ơn và đánh giá cao lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ủy ban, các chuyên gia, doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực, tâm huyết trong xây dựng, triển khai Chính phủ điện tử, chuyển đổi số trong thời gian qua. “Tôi đề nghị các đồng chí tiếp tục nỗ lực, đóng góp để đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển KTXH”, Thủ tướng nói./.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm