Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thủ tướng, đại biểu mặc niệm tưởng nhớ nạn nhân tử vong trong vụ cháy chung cư mini và lũ quét

Hương Giang

Thứ năm, 14/09/2023 - 10:47

(Thanh tra) - Mở đầu hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dành phút mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân tử vong trong vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội và 7 nạn nhân tử vong do lũ quét tại Lào Cai.

Thủ tướng và các đại biểu mặc niệm tưởng nhớ nạn nhân tử vong vụ cháy chung cư mini và lũ quét. Ảnh: N.Bắc

Sáng 14/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.

Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã dành phút mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân tử vong trong vụ cháy tại Hà Nội và 7 nạn nhân tử vong do lũ quét tại Lào Cai đêm 12/9, rạng sáng 13/9.

Như tin đã đưa, khoảng hơn 23h ngày 12/9, một chung cư mini 9 tầng ở số 37, ngõ 29 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, bất ngờ xảy ra cháy.

Vụ cháy đã gây thiệt hại rất nặng nề về người và của. Đến tối ngày 13/9, Công an TP Hà Nội chính thức thông tin, vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ. Thiệt hại được công bố lên tới 56 người tử vong và 37 người bị thương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dành phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân tử vong trong vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội  và 7 nạn nhân tử vong do lũ quét. Ảnh: N.Bắc

Cùng thời điểm trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với Nghiêm Quang Minh (sinh năm 1979, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) - là chủ của chung cư nơi xảy ra vụ cháy về tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.

Lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn

Trở lại hội nghị, trong phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, doanh nghiệp Nhà nước giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

8 tháng năm 2023, tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng duy trì đà “tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước” trên nhiều lĩnh vực.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm; thu ngân sách Nhà nước đạt 69,4% dự toán; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát tốt.

Tình hình sản xuất, kinh doanh có nhiều tín hiệu tích cực. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 8 tăng lên 50,5 điểm vượt qua ngưỡng 50 điểm (sau 6 tháng liên tiếp ở dưới mức 50 điểm), thể hiện sản xuất phục hồi và mở rộng, đơn đặt hàng mới tăng trở lại.

Nhiều khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ xây dựng các công trình, dự án trọng điểm…

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo người đứng đầu Chính phủ, ổn định kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, sức ép lạm phát, tăng trưởng gặp khó khăn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị làm việc với doanh nghiệp Nhà nước trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. Ảnh: N.Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung thúc đẩy có trọng tâm, trọng điểm 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); tiếp tục củng cố, phát huy lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, vực dậy lĩnh vực công nghiệp.

Cùng với đó, cần nhận định, đánh giá đúng, sát vị thế, vai trò của doanh nghiệp Nhà nước hiện nay, từ đó làm rõ mục tiêu sắp xếp, cải cách khu vực này phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam.

Theo Thủ tướng, việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển của các doanh nghiệp Nhà nước cần góp phần tiếp tục cụ thể hóa, triển khai các thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam với các nước, các đối tác, trong đó có Trung Quốc và Hoa Kỳ, nhất là sau các chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối năm 2022 và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden mới đây.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tình hình, khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách, cũng như tồn tại, hạn chế trong chính doanh nghiệp… từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp.

“Chúng ta phải lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp, đặt mình vào vị trí doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi người chung tay, góp sức, nỗ lực trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để góp gió thành bão, vượt qua khó khăn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2022, Việt Nam còn khoảng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

Kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 với tổng doanh thu đạt 580.490 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 18.195 tỷ đồng.

Tuy chỉ chiếm hơn 10% về số lượng doanh nghiệp Nhà nước nhưng khối công ty mẹ Tập đoàn Tổng công ty lại nắm giữ khoảng 92% tổng tài sản, 93% tổng doanh thu và 92% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ doanh nghiệp Nhà nước trên phạm vi toàn quốc.

Các doanh nghiệp này cũng đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước.

Riêng 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, đến tháng 8/2023 tổng doanh thu ước đạt 781.973 tỷ đồng. Một số nghiệp có tổng doanh thu lớn như PVN, EVN, TKV, Petrolimex.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm