Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng: Chuyển trạng thái thích ứng an toàn với dịch phải tránh “mở cửa” rồi lại “đóng cửa” ngay

Hương Giang

Chủ nhật, 26/09/2021 - 22:01

(Thanh tra) - Theo người đứng đầu Chính phủ, việc ban hành hướng dẫn “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh” phải thận trọng, lấy ý kiến nhiều bên, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện dần, cố gắng tránh tình trạng “mở cửa” rồi lại “đóng cửa” ngay. "Có giải pháp phù hợp thì chúng ta yên tâm, tự tin chuyển đổi trạng thái, không quá lo lắng", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, phòng chống dịch vẫn phải dựa trên các trụ cột là xét nghiệm, cách ly, điều trị, vaccine, ý thức của người dân. Ảnh: N.Bắc

Sáng 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID -19.

Đây là lần thứ hai trong vòng 1,5 tháng qua, Thủ tướng đối thoại cùng cộng đồng doanh nghiệp cả nước trong bối cảnh Chính phủ xác định chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.

Nguồn lực của doanh nghiệp đang cạn dần…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo thống kê, 8 tháng năm 2021, cả nước có 81.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nhưng có tới 85.500 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 10.700 doanh nghiệp rời khỏi thị trường.

Các chỉ tiêu về số doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký, số lao động trong tháng 8/2021 đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

Tại hội nghị, cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh chủ trương chuyển mục tiêu từ “không COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”.

Đánh giá quan điểm “zero COVID -19” là cần thiết, cần làm ngay, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM đề nghị, Chính phủ sớm công bố công khai bộ tiêu chí phòng, chống dịch và kịch bản “sống chung với COVID -19”. Theo ông, việc này, giúp doanh nghiệp chủ động lên phương án sản xuất thích ứng với tình hình mới.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá Nghị quyết 105 được Chính phủ ban hành đầu tháng 9 đã đưa ra những quyết định, chính sách hỗ trợ “sát sườn” với thực tế khó khăn của họ hiện nay. Song, từ khi nghị quyết này ban hành, đến nay vẫn chưa có các hướng dẫn chi tiết từ các bộ, ngành.

Ví von “Nghị quyết 105 giống như Chính phủ trao máy thở cho doanh nghiệp”, ông Dũng cho hay, các doanh nghiệp đang rất mong chờ chính sách hỗ trợ được thực thi sớm nhất. “Doanh nghiệp hiện giờ khó khăn lắm rồi, nguồn lực cũng cạn dần. Chính sách có rồi thì cần làm sao để doanh nghiệp thở được”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM nói.

Các doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ không xét nghiệm đại trà vì tốn nguồn lực y tế, chi phí của doanh nghiệp. Thay vào đó chỉ xét nghiệm tại điểm, khu vực có nguy cơ cao, rủi ro.

Một kiến nghị khác được các doanh nghiệp gửi tới Thủ tướng là sớm triển khai áp dụng “thẻ xanh COVID”, bởi với nhiều lĩnh vực ngành nghề, chiếc thẻ này có ý nghĩa vô cùng lớn như với ngành du lịch, lữ hành…

Về lưu thông hàng hoá, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thống nhất chung với các bộ, ngành và địa phương, tránh tình trạng “cát cứ” mỗi địa phương đưa ra và hiểu một cách khác nhau, gây khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp, làm tăng chi phí, giá thành.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ đã có công điện chấn chỉnh và liên tục theo dõi tình hình. Ông Thể đề nghị phải xử lý trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương nếu ban hành các quy định về lưu thông hàng hóa trái quy định chung.

Đồng hành trên tinh thần “3 không và 5 thật”

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ và Quốc hội cố gắng đồng hành cùng doanh nghiệp trên tinh thần “3 không" và "5 thật”.

“3 không” là “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”. “5 thật” là “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả thật”, Thủ tướng giải thích.

“Chúng tôi mong cộng đồng doanh nghiệp thực sự là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội”, Thủ tướng nói. Ảnh: Nhật Bắc

Dành nhiều thời gian phân tích về các giải pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”, theo Thủ tướng, nếu phòng dịch tốt thì không phải chống dịch, nếu chẳng may bị nhiễm bệnh thì việc điều trị từ sớm, từ xa, từ cơ sở sẽ giúp chữa trị hiệu quả, giảm được tử vong.

“Có giải pháp phù hợp thì chúng ta yên tâm, tự tin chuyển đổi trạng thái, không quá lo lắng. Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh phải tránh hai khuynh hướng: Chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và bi quan, lo lắng, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh, đưa ra các giải pháp cực đoan”, người đứng đầu Chính phủ chia sẻ.

Theo Thủ tướng, việc ban hành hướng dẫn mới phải thận trọng, lấy ý kiến nhiều bên, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện dần, cố gắng tránh tình trạng như nhiều nước là “mở cửa” rồi lại “đóng cửa” ngay.

Ông giao các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chủ động xử lý các kiến nghị, đề xuất tại hội nghị theo các quy định, linh hoạt, phù hợp tình hình cụ thể, không cứng nhắc, không cực đoan. Những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên xem xét, quyết định.

Các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng chiến lược, kịch bản phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, lấy ý kiến của doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả hơn. Đặc biệt, tập trung cải cách hành chính, chống phiền hà, sách nhiễu, ách tắc, lắng nghe, tiếp thu, giải trình với các ý kiến góp ý.

Đối với Hiệp hội Doanh nghiệp, doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị, tái cấu trúc để phù hợp với tình hình mới. “Chúng tôi mong cộng đồng doanh nghiệp thực sự là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ kêu gọi sự chung tay, đoàn kết, thống nhất, chia sẻ giữa doanh nghiệp, Nhà nước và nhân dân để cùng nhau phòng, chống dịch hiệu quả và khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội.

“Lợi ích thì hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, khi có rủi ro thì mỗi bên gánh vác một ít để giảm nhẹ khó khăn. Còn không ai có thể làm được tất cả. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Chúng ta đã cố gắng, càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết, càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm, càng quyết tâm cao hơn nữa”, Thủ tướng phát biểu.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

(Thanh tra) - Từ 1/12/2024, tỉnh Bắc Ninh giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã, Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu, phải có phương án sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí và không để tham ô, tham nhũng, trục lợi cá nhân đối với trụ sở công, tài sản công dôi dư.

14:59 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm