Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng: “Bệnh” quan liêu làm giải ngân vốn đầu tư công ì ạch

Hương Giang

Thứ năm, 16/07/2020 - 15:38

(Thanh tra) - “Anh đi tìm nguồn lực nơi này nơi khác nhưng mà để lại một đống tiền ngay trên địa bàn của anh, anh không chịu giải quyết. Tại sao?”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói và cho rằng, quan liêu, xa dân là "bệnh" làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quang Hiếu

Sáng ngày 16/7, Thường trực Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương trên toàn quốc về công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Để một đống tiền không chịu giải ngân: Tại sao?

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, 6 tháng đầu năm, đất nước đạt tăng trưởng thấp. Nguyên nhân chính là các dòng vốn đầu tư, kể cả đầu tư xã hội và đầu tư Nhà nước đều chậm, thấp so với kế hoạch.

Trong khi, đầu tư công là một trong các cứu cánh quan trọng để đất nước vượt qua khó khăn, góp phần tăng trưởng. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ 1% đầu tư sẽ góp phần tăng GDP 0,06%.

Do đó, trách nhiệm Chính phủ, các địa phương trong cả nước rất lớn, nhất là phải tập trung giải ngân đầu tư công gần 28 tỷ USD, tương đương với 633.000 tỷ đồng.

“Mỗi khi làm việc ở địa phương, làm việc với các bộ, ngành, các đồng chí đều đề cập xin nguồn vốn của Nhà nước để đầu tư phát triển địa phương, ngành mình, nhưng khi nhận vốn rồi thì không tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn. Điều đó diễn ra nhiều năm, nhiều thập kỷ, nhất là những năm gần đây tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp”, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.

Từ đó, Thủ tướng đề nghị, tập trung tìm ra nguyên nhân khách quan, chủ quan, chậm chạp, ì ạch, kém cỏi của giải ngân vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA.

Tại hội nghị, Thủ tướng đọc tên các địa phương giải ngân tốt (đạt từ 45% trở lên) như Nghệ An, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nam, Lào Cai, Tiền Giang.

Đồng thời, nêu tên một số địa phương giải ngân rất chậm (dưới 20%) như Quảng Trị, Trà Vinh, Khánh Hòa, Hòa Bình, Thái Nguyên, Cần Thơ, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Đồng Nai.

“Tại sao cùng cơ chế chính sách mà có tỉnh làm tốt, có tỉnh trì trệ là câu hỏi đặt ra”. Thủ tướng nêu và cho rằng, là do “bệnh quan liêu, không chịu đi sát, không giải quyết công việc đặt ra và chỉ nói chung chung”.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, sẽ kết luận những biện pháp khả thi để thực hiện mục tiêu giải ngân đạt 100% khối lượng vốn năm nay.

“Anh đi tìm nguồn lực nơi này nơi khác nhưng mà để lại một đống tiền ngay trên địa bàn của anh, anh không chịu giải quyết. Tại sao? Anh cứ đổ nguyên nhân khách quan này khách quan khác”, Thủ tướng phát biểu.

Giải quyết cho được “3 cái đọng”

Một vấn đề nữa, theo Thủ tướng là cần tập trung thảo luận đưa ra những chế tài với người đứng đầu để nâng cao trách nhiệm trong vấn đề chậm giải ngân.

“Nói hoài, nói mãi mà không chịu làm thì nghĩa làm sao, không lẽ chúng ta vô hiệu trong chuyện này sao”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, lần này sẽ đưa ra chế tài cần thiết.

Người đứng đầu Chính phủ cho hay, ngoài biện pháp mà Quốc hội đã trao quyền cho Thủ tướng Chính phủ là điều chuyển vốn đầu tư công của Nhà nước từ địa phương này qua địa phương khác, từ ngành này qua ngành khác, từ công trình này qua công trình khác, thì có chế tài khác về thi đua khen thưởng, đánh giá cán bộ…

Nhắc đến "bệnh" quan liêu, xa dân là một trong "bệnh" ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, Thủ tướng đặt vấn đề với các địa phương là "có làm không, có bám sát nội dung không hay chỉ nói những điều chung chung, cụ thể không nắm được, trách nhiệm không rõ".

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, hội nghị phải giải quyết cho được “3 cái đọng”. Đầu tiên là vốn đọng, không được để vốn đọng, có tiền mà không tiêu được. Thứ hai là không để nợ đọng, tức là hạn mục thi công xong, đã hoàn thành nhưng không quyết toán, “cứ ngâm đó mãi”. Thứ ba là thủ tục đọng, một vấn đề phổ biến hiện nay.

“Không để tình trạng biết rồi nói mãi, cứ để năm này sang năm khác như thế”, Thủ tướng nói và đề nghị, thảo luận “phải chăng cần có nghị quyết của Tỉnh ủy, Thành ủy để phân công đôn đốc hay không, chứ cứ nói chung chung còn việc cụ thể thì chậm trễ”.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm