Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi), Quốc hội quyết 1 chương trình nhiều sách giáo khoa

Thứ sáu, 14/06/2019 - 17:10

(Thanh tra) – Ngày 14/6, Quốc hội (QH) biểu quyết thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) với 9 chương, 115 Điều, bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.

ĐBQH bấm nút biểu quyết. Ảnh: TN

Bộ trưởng Giáo dục chịu trách nhiệm về sách giáo khoa

Trước khi QH biểu quyết thông qua, trong quá trình thảo luận, có ý kiến ĐB đề nghị giảm bớt số lượng môn học nhằm giảm tải chương trình học và giảm áp lực cho học sinh.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho hay, số lượng các môn học được quy định trong Chương trình Giáo dục phổ thông, Luật Giáo dục quy định mang tính nguyên tắc về yêu cầu, việc thẩm định, ban hành chương trình.

“Việc bảo đảm chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu của phát triển xã hội, phù hợp với thông lệ quốc tế, tâm sinh lý học sinh được giao cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) quyết định với sự giám sát của Quốc hội và xã hội”, ông Bình nói.

Liên quan đến vấn đề sách giáo khoa (SGK), có ý kiến đề nghị quy định SGK phải được sử dụng ổn định, lâu dài. Ý kiến khác đề nghị giao HĐND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK. Có ý kiến lại đề nghị giao thẩm quyền cho Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.

UBTVQH cho rằng, đa số ĐBQH đồng ý pháp điển hóa Nghị quyết 88 của QH XIII về một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước, có một số SGK cho mỗi môn học, giao Bộ trưởng Bộ GDĐT chịu trách nhiệm về chất lượng và quyết định ban hành SGK sử dụng trong cả nước.

Về thẩm quyền quyết định việc lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, Luật đã được chỉnh lý cho phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

“UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT”, khoản 1, Điều 32 quy định.

Về Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK giáo dục phổ thông, ông Bình cho hay, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Luật đã quy định cụ thể về thành phần Hội đồng, bao gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan. Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.

Trên cơ sở quy định cụ thể về thành phần, cơ cấu này, việc giao Bộ trưởng Bộ GDĐT  thành lập Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK theo từng môn học ở từng cấp học, để thẩm định SGK và chịu trách nhiệm về SGK là phù hợp với thẩm quyền chuyên môn mà vẫn bảo đảm tính khách quan.

Miễn học phí trung học cơ sở theo lộ trình

Luật vừa thông qua cũng quy định, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí.

Ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quyết định.

Trẻ em mầm non 5 tuổi ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí.

Trẻ em mầm non 5 tuổi không thuộc đối tượng nêu trên và học sinh trung học cơ sở được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định.

Báo cáo giải trình của UBTVQH cho hay, có ý kiến ĐB đề nghị xem xét quy định giao HĐND cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ tiền đóng học phí. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, HĐND cấp tỉnh quyết định việc sử dụng ngân sách tại địa phương, do đó, sẽ có thẩm quyền quyết định mức hỗ trợ tiền đóng học phí.

Còn việc bảo đảm hợp lý giữa các địa phương, hỗ trợ các địa phương khó khăn, cũng như khuyến khích các địa phương có tiềm năng phát triển sẽ được xem xét trong quá trình phân bổ ngân sách nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Về quy định liên quan tới nhà giáo, luật thông qua quy định trình độ chuẩn giáo viên mầm non là cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, luật cũng bổ sung quy định cho phép trong trường hợp môn học chưa đủ giáo viên được đào tạo trình độ đại học sư phạm thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Về lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên, UBTVQH đề nghị, không quy định cụ thể để bảo đảm tính khả thi, linh hoạt, không làm xáo trộn, không gây áp lực và ảnh hưởng đến giáo viên. 

Các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục

1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên của cơ sở giáo dục và người học.

2. Xuyên tạc nội dung giáo dục.

3. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh.

4. Hút thuốc, uống rượu, bia, gây rối an ninh, trật tự.

5. Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.

6. Lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm