Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản nhiều biến động, tiềm ẩn rủi ro

Hương Giang

Thứ ba, 11/10/2022 - 16:03

(Thanh tra) - Dẫn chứng những vụ việc liên quan tới thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp xảy ra trong năm 2022, Uỷ ban Kinh tế đánh giá, “đã và đang gây ra nhiều hệ lụy”, gây mất niềm tin của người dân và nhà đầu tư.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng có nhiều biến động và tiềm ẩn rủi ro. Ảnh: P.Thắng

Sáng ngày (11/10), tiếp tục chương trình phiên họp thứ 16, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến kế hoạch 2023.

Theo báo cáo của Chính phủ, cả năm 2022, dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao.

Chính phủ nhận định, nền kinh tế còn những hạn chế, tồn tại, khó khăn, thách thức. Trong đó, các thị trường vốn, bất động sản vừa qua phát triển mạnh nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Với tín dụng bất động sản, thị trường chứng khoán gần đây biến động lớn, các mã cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản giảm mạnh, ảnh hưởng tới giá trị tài sản bảo đảm bằng cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp tại một số tổ chức tín dụng.

Thị trường bất động sản biến động mạnh, tình trạng thổi giá, gây sốt ảo bất động sản, tình trạng đấu giá đất với giá cao bất thường… ảnh hưởng tới cấp tín dụng, định giá tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng.

Cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là đầu tư dài hạn, trong khi đó, nguồn vốn huy động được chủ yếu là ngắn hạn. “Chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữa nguồn vốn và cho vay với lĩnh vực này là rủi ro lớn đối với các ngân hàng”, báo cáo Chính nêu.

Số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích xây dựng, kinh doanh bất động sản những năm gần đây có xu hướng tăng dần.

Với tình hình diễn biến thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua xảy ra một số hiện tượng tiêu cực thì việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo báo cáo của Chính phủ, hiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp có 440 mã niêm yết, quy mô giao dịch bình quân 9 tháng khoảng 7.000 tỷ đồng một phiên, tăng gần 14% so với tháng 8. Giá trị giao dịch bình quân 9 tháng là 9.250 tỷ đồng một phiên, giảm gần 19% so với bình quân 2021. 

Còn thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 9 có xu hướng giảm điểm kém tích cực. Tính đến ngày 27/09/2022, chỉ số VNIndex đạt 1.166,54 điểm, giảm 8,9% so với cuối tháng trước và giảm 22,15% so với cuối năm 2021; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.128 nghìn tỷ đồng, tương đương 73%GDP, giảm 21,1% so với cuối năm 2021. 

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế nhận xét, thị trường chứng khoán có tốc độ tăng trưởng nhanh, là kênh huy động vốn trung - dài hạn cho nền kinh tế, song biến động và tiềm ẩn rủi ro.

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng được mở rộng nhưng có giai đoạn tăng nóng; cơ cấu thị trường còn thiếu cân đối; chất lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chưa cao.

Thị trường này cũng tồn tại hiện tượng sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sai mục đích, thiếu minh bạch.

Dẫn chứng những vụ việc liên quan tới thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp xảy ra trong năm 2022, Uỷ ban Kinh tế đánh giá, “đã và đang gây ra nhiều hệ lụy”, gây mất niềm tin của người dân và nhà đầu tư.

Có ý kiến đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước khi để xảy ra sự việc như vậy.

Với thị trường bất động sản, theo Uỷ ban Kinh tế, có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm 2022, có tình trạng “đẩy giá” gây sốt ảo bất động sản. Rủi ro liên thông giữa thị trường vốn với hệ thống các tổ chức tín dụng và thị trường bất động sản gia tăng.

“Có ý kiến cho rằng việc điều hành, quản lý Nhà nước đối với các thị trường này còn “chuyển trạng thái đột ngột”, đã có những ảnh hưởng nhất định đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư”, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nêu.

Từ đó, đề nghị, tiếp tục nhận diện những rủi ro, có các giải pháp cụ thể để vừa bảo đảm an toàn, vừa thúc đẩy sự phát triển của các thị trường, phục vụ tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất