Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tăng tuổi nghỉ hưu không phải cho “người đương chức kéo dài thời gian làm việc”

Thứ tư, 14/08/2019 - 14:42

(Thanh tra) – Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, sửa đổi Bộ luật Lao động trong đó có quy định tăng tuổi nghỉ hưu “không phải cho những người đương chức kéo dài thời gian làm việc”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: TN

Sáng ngày 14/8, Uỷ ban Thường vụ (UBTV) thảo luận một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu nhận được nhiều quan tâm. 

Đến năm 2035 mới có cán bộ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở 60 tuổi

Theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ luật Lao động sửa đổi 200 điều là rất lớn, tác động trực tiếp đến tất cả doanh nghiệp và 55 triệu người trong độ tuổi lao động; đồng thời tác động gián tiếp đến xã hội về lâu dài. 

Do đó, ngoài đáp ứng những cam kết trong hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết, phải tính đến nhu cầu phát triển của đất nước. “Những vấn đề mang tính quyết định của của Bộ luật cần phải nghiên cứu sâu”, bà Ngân nói.

Đi vào vấn đề cụ thể, Chủ tịch QH cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu cần phải tính đến các yếu tố như sức khoẻ của người lao động, khả năng làm việc của người lao động; thị trường lao động, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, kễ cả yếu tố văn hóa, truyền thống, tâm lý xã hội.

“Tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề lớn, phải thực hiện theo đúng tinh thần của Trung ương, đáp ứng cho yêu cầu dài hạn chứ không phải trước mắt”, bà Ngân nêu rõ.

Theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu thì đến năm 2035 mới có cán bộ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở 60 tuổi, nghĩa là còn hơn 15 năm nữa, cán bộ nữ mới được làm việc đến 60 tuổi.

“Không phải chúng tôi làm luật này để tính ở lại”, Chủ tịch QH nói và khẳng định, “sửa đổi Bộ luật Lao động trong đó có quy định tăng tuổi nghỉ hưu không phải cho những người đương chức kéo dài thời gian làm việc”.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu “là không thể khác được”. Nhưng tăng phải có lộ trình và đối tượng nào, danh mục nào được quyền nghỉ hưu sớm và đối tượng nào tăng tuổi nghỉ hưu phải rõ để tránh tình trạng hiểu không đúng, đưa ra những ý kiến rất cực đoạn.

“Quá trình làm như thế cũng phải tăng cường công tác tuyên truyền để tránh xã hội hiểu rằng một bộ phận quản lý luôn luôn muốn kéo dài thời gian làm việc để lấy quyền làm việc của các thanh niên trẻ”, bà Nga nói.

Phải đánh giá tác động, giải trình “thấu tình, đạt lý”

Chủ tịch QH lưu ý, tăng tuổi nghỉ hưu phải rõ ràng để có bước đi thận trọng, hợp lý, thuyết phục và cần thiết phải đánh giá tác động với từng loại công việc cụ thể.

Theo bà, lao động trong môi trường lao động bình thường, lao động nặng nhọc, lao động trong môi trường độc hại, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao… là có sự khác nhau. 

“Không phải Trung ương có nghị quyết rồi thì không cần đánh giá tác động, giải trình”, Chủ tịch QH nói và đề nghị, Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh Xã hội, các bộ, ngành có liên quan, các cơ quan của QH, nhất là Ủy ban Về các vấn đề xã hội (cơ quan thẩm tra Dự án Luật) tiếp thu các ý kiến để đánh giá, giải trình một cách thấu tình, đạt lý khi trình ra QH kỳ họp tới. 

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền để tránh dư luận phức tạp vì không phải tất cả lao động từ công nhân lao động hầm lò đều tăng tuổi nghỉ hưu, nam phải làm việc đến 62 tuổi, nữ 60 tuổi. 

Chủ tịch QH lưu ý thêm, kết quả lấy ý kiến nhân dân cũng phải tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá phân tích, cân nhắc các luận cứ khoa học để quy định về độ tuổi nghỉ hưu phù hợp, tạo sự đồng thuận xã hội.

Nhấn mạnh đây là bộ luật lớn và khó, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp băn khoăn, các ý kiến của Uỷ ban Về các vấn đề xã hội mới ở công tác chuẩn bị khi có tài liệu lẽ ra trước khi trình dự án luật phải có rồi như thông tin đánh giá tác động… 

“Từ nay đến tháng 9, Chính phủ trả lời được tất cả vấn đề mà Uỷ ban Về các vấn đề xã hội đặt ra và những vấn đề mà Chủ tịch QH nói thì chúng ta mới có thông tin hoạch định chính sách. Với bộ luật lớn như thế này mà quyết khi chưa có thông tin về thực tiễn, quốc tế, căn cứ lập luận tại sao quyết như thế thì không thể thông qua tại kỳ họp tới được”, bà Nga nhấn mạnh. 

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đề nghị, hết sức cân nhắc. Vì khi cơ quan thẩm tra nói như thế thì có nghĩa không thể thò tay soạn dự án luật được vì thời gian ngắn.

Theo kế hoạch, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được QH thảo luận lần 2 và thông qua tại kỳ họp 8 (tháng 10/2019). 

Tuy nhiên, báo cáo của Uỷ ban Về các vấn đề xã hội cho thấy, đến nay, Chính phủ vẫn chưa bổ sung tài liệu làm rõ những kiến nghị của Ủy ban như “bổ sung dự thảo Danh mục các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm thuộc trường hợp đặc biệt mà người lao động có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn hoặc cao hơn 5 năm theo quy định”.

Chính phủ cũng chưa đưa ra được cơ sở, bằng chứng khoa học để quy định về khoảng cách tuổi nghỉ hưu (2 tuổi) giữa lao động nam và lao động nữ. 

Hương Giang 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm