Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tăng tuổi nghỉ hưu: Cần lộ trình chậm để tránh phản ứng quá mạnh

Thứ tư, 14/08/2019 - 10:04

(Thanh tra) – Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề của xã hội Nguyễn Thuý Anh, dư luận người lao động (nhất là người lao động trực tiếp sản xuất, đứng máy dây chuyền… ở doanh nghiệp) chưa có sự đồng thuận cao về quy định tăng tuổi nghỉ hưu, đòi hỏi cần có thời gian để tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi.

Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề của xã hội Nguyễn Thuý Anh

Sáng ngày 14/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). 

Lộ trình điều chỉnh chậm sẽ có tác động tốt hơn 

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề của xã hội Nguyễn Thuý Anh cho hay, về tăng tuổi nghỉ hưu vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Trong quá trình cho ý kiến dự án luật, nhiều ý kiến đại biểu QH tán thành với quy định theo phương án 1 do Chính phủ trình. Tức là, đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60.

Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu còn băn khoăn về quy định tăng tuổi nghỉ hưu so với hiện hành và đề nghị làm rõ về việc quy định chênh lệch tuổi nghỉ hưu (2 tuổi) giữa lao động nam và lao động nữ; đồng thời cũng cho rằng việc quy định này sẽ dẫn đến nhiều tranh luận khác nhau giữa “tuổi nghỉ hưu” và “tuổi nghề”.

Theo quan điểm của Ủy ban Về các vấn đề của xã hội, đề xuất quy định điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW và với mục tiêu lâu dài để chủ động chuẩn bị ứng phó với quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh của Việt Nam. 

“Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần lộ trình điều chỉnh chậm sẽ có tác động tốt hơn đến tâm lý xã hội của người lao động và doanh nghiệp, tránh tác động, phản ứng quá mạnh đối với người lao động và thị trường lao động”, bà Nguyễn Thuý Anh nói.

Cân nhắc cho nghỉ hưu sớm hơn 10 năm với công việc đặc biệt

Ngoài ra, Uỷ ban này nhấn mạnh thêm 3 vấn đề. 

Đầu tiên là, quy định về tuổi nghỉ hưu cần phải được khẳng định là tuổi nghỉ hưu chung của quốc gia đối với người lao động.

Thứ 2, việc quy định quyền được nghỉ hưu sớm hơn 5 năm chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, cần phải được cân nhắc để điều chỉnh nghỉ hưu sớm hơn 10 năm đối với một số công việc đặc biệt như làm việc khai thác than trong hầm lò, người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn, rủi ro nghề nghiệp….

Thứ 3, việc quy định quyền được nghỉ hưu cao hơn không quá 5 năm so với tuổi nghỉ hưu chung cũng phải được hướng dẫn cụ thể hơn đối với một số ngành, lĩnh vực đang kéo dài tuổi nghỉ hưu cao hơn cả mức 5 năm (giáo dục, y tế…). 

Cũng theo bà Nguyễn Thuý Anh, đến nay, Chính phủ vẫn chưa bổ sung tài liệu làm rõ những kiến nghị của Ủy ban Về các vấn đề của xã hội đã nêu trong báo cáo thẩm tra trước đó như “bổ sung dự thảo Danh mục các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm thuộc trường hợp đặc biệt mà người lao động có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn hoặc cao hơn 5 năm theo quy định”.

Chính phủ cũng chưa đưa ra được cơ sở, bằng chứng khoa học để quy định về khoảng cách tuổi nghỉ hưu (2 tuổi) giữa lao động nam và lao động nữ. 

“Đề nghị Chính phủ bổ sung các thông tin cần thiết trên để làm cơ sở, căn cứ để quy định độ tuổi nghỉ hưu cụ thể theo lộ trình hợp lý”, bà Nguyễn Thuý Anh nói.

Đáng chú ý, theo báo cáo của Uỷ ban, quá trình lấy ý kiến cho thấy, dư luận người lao động (nhất là người lao động trực tiếp sản xuất, đứng máy dây chuyền… ở doanh nghiệp) chưa có sự đồng thuận cao về quy định tăng tuổi nghỉ hưu. 

2 phương án về tiền lương làm thêm giờ

Về tiền lương làm thêm giờ, một số ý kiến đại biểu QH đề nghị giữ như quy định hiện hành; ý kiến khác đề nghị cần quy định về lương làm thêm giờ theo lũy tiến.

Do còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Về các vấn đề xã hội dự kiến hai phương án trình xin ý kiến.

Phương án 1, như dự thảo do Chính phủ trình là quy định như bộ luật hiện hành (vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%; làm thêm giờ vào ban đêm còn được trả thêm ít nhất 20%), đồng thời bổ sung thêm quy định: Việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức lương cao hơn quy định trên thì do hai bên thỏa thuận để thực hiện.

Phương án 2 được thiết kế trên cơ sở ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là trả lương lũy tiến đối với thời gian làm thêm giờ tính theo số giờ làm thêm trong ngày và có sự khác biệt tương ứng với làm thêm giờ trong ngày thường, ngày nghỉ hằng tuần, ngày lễ, Tết và ngày nghỉ có hưởng lương.

Theo Ủy ban, cả hai phương án thực chất đều là trả lương theo lũy tiến. Phương án 2 được đề xuất nhằm để người sử dụng lao động cân nhắc, tính toán khi có nhu cầu, nếu thấy thật sự cần thiết và bảo đảm hiệu quả mới huy động làm thêm giờ, trên cơ sở thỏa thuận của hai bên. 

Tuy nhiên, cần phải đánh giá tác động về kinh tế - xã hội, trong đó có nguồn lực ngân sách nhà nước phải chi trả đối với khu vực công; lấy thêm ý kiến người lao động, người sử dụng lao động, chuyên gia, các nhà quản lý… để việc lựa chọn có cơ sở khoa học, thực tiễn.

“Trên thực tế, khi người sử dụng lao động chỉ tổ chức cho người lao động làm thêm tối đa không quá 02 giờ/ngày thì việc tính lũy tiến theo phương án 2 cũng không có nhiều ý nghĩa. Ngoài ra, cũng cần tính đến các lao động làm thêm giờ mang tính đặc thù như trực theo ca của cán bộ y tế, lái xe, bảo vệ”, bà Nguyễn Thuý Anh nêu.

Uỷ ban Về các vấn đề xã hội đề nghị, với một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau như tuổi nghỉ hưu; trả lương lũy tiến làm thêm giờ... cần tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi nhân dân, các bên có liên quan, các đối tượng cán bộ, công chức; viên chức; lực lượng vũ trang; công đoàn các cấp (chú ý đối tượng là người lao động trực tiếp như công nhân giao thông, cao su, da giày, dệt may, lắp ráp… đội ngũ viên chức như giáo viên).

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm