Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 17/05/2013 - 16:47
(Thanh tra) - Hôm nay (17/5), Bộ Tư pháp tổ chức họp báo thông tin kết quả thực hiện kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên chủ trì họp báo
Tăng cường trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng và Bộ trưởng
Chánh Văn phòng Trần Tiến Dũng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp cho biết, trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu các ý kiến đóng góp của 30 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố, báo cáo kết quả lấy ý kiến về dự thảo của Chính phủ thể hiện rõ 7 nhóm vấn đề.
Chính phủ kiến nghị xác định rõ vị trí, địa vị pháp lý của Chính phủ với tư cách là cơ quan thực hiện quyền hành pháp trong tổ chức quyền lực nhà nước; tăng cường trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng.
Cụ thể hóa mối quan hệ phân công, phối hợp, kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước giữa Chính phủ với Quốc hội, Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các thiết chế hiến định độc lập.
Báo cáo của Chính phủ cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm cụ thể hóa nhất quán nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; giữa Trung ương và địa phương để tạo sự đồng bộ, thống nhất, tương thích với các quy định liên quan về tổ chức bộ máy nhà nước trong dự thảo.
Về chính quyền địa phương, Chính phủ đề nghị đổi mới toàn diện tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân cấp, bảo đảm tổ chức của từng cấp chính quyền phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và có tính đến đặc thù đô thị, nông thôn.
Xác định rõ hơn vị trí, tính chất pháp lý của Hội đồng nhân dân là cơ quan đại diện của nhân dân ở địa phương và trách nhiệm trước nhân dân địa phương.
Bảo đảm thực thi quyền lập hiến của nhân dân
Chính phủ thể hiện quan điểm tán thành với việc ghi nhận tại Điều 4 của dự thảo khi đề cập đến vị trí và vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản; đồng thời kiến nghị tập trung vào quy định về nguyên tắc quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân và việc cụ thể hóa nguyên tắc này trong dự thảo.
Bên cạnh đó, đề nghị không quy định yếu tố nền tảng của quyền lực nhân dân là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, mà kế thừa các quy định của Hiến pháp 1946; cần ghi nhận và bảo đảm thực thi quyền lập hiến của nhân dân; hoàn thiện các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ gián tiếp.
Theo Người phát ngôn của Bộ Tư pháp, Chính phủ kiến nghị ghi nhận nguyên tắc các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được bảo đảm thực hiện bằng Hiến pháp, luật và cũng chỉ có thể bị hạn chế bằng luật.
Chính phủ đề xuất không quy định thành nguyên tắc chung quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân (khoản 1, Điều 20 dự thảo), vì không phải mọi quyền đều đồng thời là nghĩa vụ, việc quy định phải được đặt trong từng quyền, từng nghĩa vụ cụ thể.
Đối với Chương kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trương, đa số ý kiến góp ý tập trung vào kiến nghị hoàn thiện quy định về các trường hợp thu hồi đất và bồi thường trong trường hợp thu hồi đất theo hướng mọi trường hợp nhà nước thu hồi đất, người sử dụng đất hợp pháp, đúng mục đích bị thu hồi đất đều phải được đền bù theo giá thị trường.
“Các ý kiến đóng góp cho rằng việc thu hồi đất chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mà không quy định trường hợp nhà nước thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân vì lý do “các dự án phát triển kinh tế - xã hội” đã được Chính phủ tiếp thu và thể hiện rõ trong báo cáo”, người phát ngôn Bộ Tư pháp nói.
18 triệu lượt ý kiến góp ý về dự thảo
Qua tổng kết, các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố đã tổ chức 28.014 hội thảo, hội nghị lấy ý kiến, tiếp nhận khoảng 18 triệu lượt ý kiến góp ý của tập thể, cá nhân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, Ủy viên Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, Tổ trưởng Tổ giúp việc của Ban chỉ đạo, người phát ngôn của Ban chỉ đạo bày tỏ sự hài lòng với các kiến nghị thể hiện trong báo cáo của Chính phủ.
“Để khẳng định là có bao nhiêu phần trăm ý kiến của nhân dân góp ý được Ủy ban sửa đổi Hiến pháp tiếp thu và chấp nhận là rất khó. Tuy nhiên, trong quá trình lấy ý kiến, có nhiều ý kiến chất lượng, phù hợp với thực tiễn và tôi tin tưởng các ý kiến được tiếp thu sẽ giúp dự thảo được hoàn thiện hơn”, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên nói.
Về kinh phí tổ chức lấy ý kiến góp ý Dự thảo, ông Hoàng Thế Liên cho biết, toàn bộ kinh phí được sử dụng lấy từ kinh phí dự phòng thực hiện theo các nguyên tắc tài chính do Bộ Tài chính hướng dẫn. Tuy chưa tổng kết cụ thể, nhưng có tốn kém cũng phải thực hiện.
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ để tối ưu hóa nguồn lực, tránh chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ… theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc.
Hương Giang
23:28 11/12/2024(Thanh tra) - Sau khi hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành Bộ Kinh tế, Tài chính dự kiến sẽ giảm được 22 đầu mối, không còn tổng cục.
Hương Giang
23:23 11/12/2024Trung Hà
21:14 11/12/2024Bùi Bình
21:07 11/12/2024Bùi Bình
20:49 11/12/2024Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà