Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quốc hội đồng ý làm thêm 729 km cao tốc Bắc - Nam, cho phép TP Cần Thơ thí điểm cơ chế đặc thù

Hương Giang

Thứ ba, 11/01/2022 - 22:35

(Thanh tra) - Quốc hội đồng ý đầu tư thêm 729 km cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 với sơ bộ tổng mức đầu tư là 146.990 tỷ đồng. Cho phép TP Cần Thơ thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua các nghị quyết. Ảnh: Đ.X

Chiều 11/1, đa số đại biểu Quốc hội thống nhất thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tổng chiều dài khoảng 729 km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công. Các dự án thành phần theo quy mô 6 làn xe, riêng đối với các dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe.

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của 12 dự án khoảng 5.481 ha, trong đó đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 1.532 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110 ha, đất rừng sản xuất khoảng 1.436 ha.

Quốc hội cũng quyết định sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 146.990 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 bố trí 119.666 tỷ đồng cân đối điều hòa từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước; giai đoạn 2026 - 2030 bố trí 27.324 tỷ đồng.

Về tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Quốc hội giao Chính phủ triển khai tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình. Quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Trước khi Quốc hội biểu quyết, báo cáo giải trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến cho rằng, theo sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án thì bình quân 175,4 tỷ đồng/km (chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng).

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước thì tổng mức đầu tư của một số dự án tương tự bình quân là 152,9 tỷ đồng/km, theo đó sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án giảm khoảng 16.330 tỷ đồng so với số liệu đề xuất của Chính phủ, đề nghị giải trình làm rõ.

Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo quy định pháp luật, tại bước báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chỉ xác định sơ bộ tổng mức đầu tư để ước tính chi phí đầu tư xây dựng dự án.

Việc tính toán chính xác tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình sẽ được tiếp tục thực hiện trong các bước tiếp theo (bước dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật), trên cơ sở điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn, khối lượng xây dựng, đơn giá, định mức tại thời điểm thực hiện.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ trong bước nghiên cứu khả thi chỉ đạo các cơ quan liên quan khảo sát chi tiết về địa hình, địa chất… xây dựng chi tiết, chuẩn xác về các giải pháp thiết kế, biện pháp thi công, tính toán khối lượng, đơn giá chi tiết để lập dự toán xây dựng công trình, làm cơ sở để xây dựng giá gói thầu lựa chọn nhà thầu thi công.

“Để quản lý chặt chẽ về nguồn vốn, bảo đảm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn vốn đầu tư, đề nghị các các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán để tránh gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói.

Áp dụng chính sách đặc thù, lương cán bộ, công chức Cần Thơ sẽ được tăng

Cũng trong chiều 11/1, Quốc hội thông qua Nghị quyết Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ, với nhiều chính sách được ban hành.

Theo đó, TP Cần Thơ được thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP quản lý; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ.

Trong đó, Quốc hội cho phép TP Cần Thơ thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định.

Sau khi ngân sách TP bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, HĐND TP được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách TP và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể do TP quản lý theo hiệu quả công việc với mức không quá 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ hoặc mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo.

Với Dự án Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ được triển khai theo phương thức xã hội hóa, đáp ứng các điều kiện: bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng của TP và có quy mô vốn từ 500 tỷ đồng trở lên.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm