00:00
00:00
00:00

Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với Hà Nội

Hải Hà

Thứ tư, 26/03/2025 - 15:05

(Thanh tra) - Sáng 26/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội về đôn đốc thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025; tình hình bảo đảm trật tự an toàn giao thông và xử lý ô nhiễm môi trường không khí.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với Hà Nội. Ảnh: Phạm Linh

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công quý I thấp hơn mức trung bình

Tại buổi làm việc, liên quan đến nội dung thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, tính đến ngày 24/3, Hà Nội giải ngân vốn đầu tư công là hơn 5.052 tỷ đồng, đạt 5,8% kế hoạch. Vướng mắc lớn nhất khi triển khai các dự án là khâu giải phóng mặt bằng.

Thành phố có 4 dự án sử dụng vốn sách Trung ương; 62/282 dự án cấp thành phố và 31/570 dự án cấp huyện sử dụng ngân sách thành phố gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Một số dự án trải qua quy định của hai Luật Đất đai tồn tại 2 chính sách hỗ trợ khác nhau.

Điển hình như Dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến số 2, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đều chậm tiến độ, không đạt kế hoạch giải ngân vốn hằng năm và phải đề xuất chuyển sang giai đoạn 2026-2030 đều do giải phóng mặt bằng chậm, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án, hiệp định kéo dài, phức tạp; tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá đường sắt đô thị chưa có dẫn đến khó thực hiện…

Để bảo đảm tính liên tục của việc bố trí kế hoạch vốn (tránh bị gián đoạn giữa các kỳ họp HĐND thành phố), Hà Nội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư công theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho UBND các cấp để điều hành kế hoạch vốn (bố trí vốn, điều chỉnh kế hoạch vốn) theo yêu cầu thực tiễn.

Đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án liên kết vùng, dự án ODA, UBND thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt đề xuất dự án sử dụng vốn ODA để thành phố có cơ sở triển khai các bước tiếp theo...

Trước mắt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép UBND thành phố Hà Nội được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với tất cả các gói thầu tư vấn, phi tư vấn của 3 dự án cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi.

Đối với Dự án cầu Tứ Liên, thành phố đề nghị cho phép chỉ định tất cả các gói thầu; cho phép thu hồi đất, giải phóng mặt bằng theo dự án độc lập để triển khai thực hiện trước...

Cho ý kiến chỉ đạo về nội dung này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công trong quý I/2025 của Hà Nội thấp hơn mức trung bình.

Thành phố Hà Nội cam kết giải ngân ở mức cao nhất, đạt trên 95%. Nhìn vào bối cảnh và những vấn đề đã nêu trong buổi làm việc, Phó Thủ tướng đề nghị, Hà Nội cần phấn đấu giải ngân trên 100% kế hoạch vốn chứ không chỉ trên 95%.

Về 3 công trình lớn (cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi), Phó Thủ tướng yêu cầu, Hà Nội báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lý do cần triển khai sớm, đồng thời cam kết thực hiện đầy đủ trách nhiệm, chọn nhà đầu tư có năng lực, đầu tư vốn chất lượng.

Thành lập Ban chỉ đạo giải quyết ô nhiễm không khí cho Hà Nội

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, Trung ương cùng Hà Nội giải quyết ô nhiễm không khí. Ảnh: Phạm Linh

Liên quan đến vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường không khí, tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Lê Kim Thành cho hay, 56%-65% ô nhiễm môi trường không khí xuất phát từ hoạt động giao thông vận tải. Tại Hà Nội, thống kê hiện có 1,2 triệu ô tô và gần 8 triệu xe máy, 70% sử dụng trên 10 năm, tạo ra nguồn phát thải rất lớn.

Để giải quyết ô nhiễm, các bộ, ngành phải hỗ trợ thành phố Hà Nội ban hành quy chuẩn khí thải với ô tô, xe máy; sớm triển khai kiểm định khí thải xe máy; tiếp tục kiểm soát nguồn gây ô nhiễm như công trình xây dựng, vận chuyển vật liệu xây dựng không che phủ, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch; tiếp tục phát triển phương tiện vận tải xanh…

Về nội dung này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, Trung ương sẽ cùng Hà Nội giải quyết vấn đề. Trước đề xuất của Hà Nội nghiên cứu cơ chế phối hợp giữa bộ - tỉnh và tỉnh - tỉnh để trao đổi dữ liệu về môi trường, xử lý ô nhiễm liên vùng, liên tỉnh, Phó Thủ tướng thống nhất giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban chỉ đạo về giải quyết ô nhiễm không khí cho thành phố Hà Nội đặt trong Vùng Thủ đô, thống nhất kế hoạch cụ thể, trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương, kèm theo cơ chế hoạt động.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Hà Nội và các địa phương khẩn trương xây đựng đề án, trong tháng 4/2025 thành lập xong Ban chỉ đạo và trình Ban chỉ đạo quy chế hoạt động, quy chế làm việc…

“Hà Nội cần đánh giá, nếu nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông do phương tiện cá nhân quá nhiều thì cần hạn chế bằng cách dùng các công cụ kinh tế để điều tiết, không nên cấm bằng biện pháp hành chính. Các Bộ Xây dựng, Nông nghiệp và môi trường ban hành quy chuẩn cao với phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy và ban hành trong tháng 4 này. Hà Nội dựa vào đó để ban hành quy chuẩn cao hơn”, Phó Thủ tướng gợi ý.

Liên quan đến an toàn giao thông, Trung tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đánh giá, việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông của thành phố Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực.

“Nghị định 168/2024/NĐ-CP ra đời đã tạo văn hoá giao thông đặc trưng của Hà Nội, lan toả ra các địa bàn trong cả nước”, Trung tướng Nguyễn Văn Trung nêu.

Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố như: Phương tiện cá nhân gia tăng nhanh chóng trong khi nguồn lực đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch còn hạn chế; ý thức của không ít người dân còn kém; lực lượng chức năng thiếu, bố trí chưa hợp lý...

Để tiếp tục phát huy hiệu quả của Nghị định 168/2024/NĐ-CP, Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội cùng Bộ Công an đưa toàn bộ việc quản lý phương tiện giao thông bằng các công cụ giám sát thông minh. Việc này cần làm ngay và Hà Nội có đủ điều kiện để đi đầu cả nước.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm