Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phạm nhân lao động ngoài trại giam phải được hưởng thành quả

Thứ năm, 10/01/2019 - 19:26

(Thanh tra)- Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, dù phạm nhân tham gia lao động nhưng vẫn phải thực hiện theo đúng Luật Lao động và họ phải được hưởng thành quả lao động, sản xuất…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Ngày 10/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 30, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Nhiều trại giam quá tải, thiếu đất

Trình bày báo cáo, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, một trong những vấn đề còn ý kiến khác nhau là tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam.

Bên cạnh ý kiến tán thành, một số ý kiến không tán thành vì cho rằng, nếu tổ chức “khu sản xuất”, “điểm lao động, dạy nghề” ngoài trại giam sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, không bảo đảm tính nghiêm minh của bản án, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân ở khu vực phạm nhân lao động, dễ xảy ra tình trạng phạm nhân mang vật cấm vào trại giam và nguy cơ trốn trại.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, tổ chức lao động cho phạm nhân không chỉ nhằm giáo dục cải tạo mà còn mục đích cải thiện bữa ăn, dạy nghề, tạo thêm khoản thu nhập, chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng.

Thực tế những năm qua, số người phải chấp hành án tù tại các trại giam ngày càng tăng. Nhiều trại giam thiếu diện tích đất, thiếu mặt bằng để tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân trong trại giam.

“Giam giữ tập trung phạm nhân với số lượng lớn trong một thời gian dài, nếu không tạo việc làm cho họ sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nguy cơ mất an ninh, an toàn tại các trại giam là rất lớn, rất khó khăn cho công tác quản lý phạm nhân”, bà Nga nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, hiện có 24/54 trại giam của Bộ Công an có 133 điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam với khoảng 7.000 phạm nhân. Những năm qua, không để xảy ra các vụ việc phức tạp, gây rối hoặc làm mất an ninh, an toàn tại nơi sản xuất, chỉ có duy nhất 1 vụ phạm nhân bỏ trốn.

Từ phân tích trên, Ủy ban Tư pháp và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề nghị bổ sung quy định cho phép trại giam thành lập khu sản xuất, điểm lao động và cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với pháp luật quốc tế, theo Ủy ban Tư pháp, việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam phải bảo đảm về an ninh, trật tự tại khu vực phạm nhân lao động; thực hiện đầy đủ các chế độ giam giữ, giáo dục cải tạo đối với phạm nhân; bảo đảm công khai, minh bạch việc phân phối lại kết quả lao động của phạm nhân một cách hợp lý và bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

Cùng với đó, quy định nguyên tắc trong Luật các điều kiện đối với phạm nhân được chọn ra ngoài lao động, như: loại tội, mức hình phạt, thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại, ý thức cải tạo, sức khỏe, độ tuổi lao động của phạm nhân..., trên cơ sở đó, giao Chính phủ quy định chi tiết.

“Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về sự đồng ý của phạm nhân ra ngoài lao động, để phù hợp với tinh thần Công ước số 29 của ILO như kiến nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội”, báo cáo của Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm

Thực hiện đúng luật lao động

Bày tỏ quan điểm tán thành chủ trương thành lập “khu sản xuất”, “điểm lao động”, nhưng theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, cần phải đánh giá thêm về ngân sách, chế độ tài chính, kế toán của các cơ sở này.

Ông Định còn lưu ý, trong việc phối hợp với doanh nghiệp cũng phải cân nhắc vì nếu đưa phạm nhân tới cơ sở của doanh nghiệp để lao động sẽ vi phạm công ước và hiệp định quốc tế.

Nhấn mạnh quyền con người của phạm nhân, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, việc cho lao động ngoài trại giam tại các khu sản xuất, điểm lao động là tạo điều kiện cho phạm nhân lao động, có thu nhập, nâng cao đời sống và có tay nghề.

“Quy định cứng quá thì khó thực hiện, do đó cần mở ra để tạo điều kiện cho phạm nhân lao động”, ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, cần phân loại, phạm nhân cải tạo tốt, tự giác thì được tạo điều kiện để lao động.

Cũng tán thành lập các khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, điều này là cần thiết, vì đây là chính sách nhân văn để cải tạo, giáo dục và dạy nghề cho phạm nhân để sau này có thể tái hòa nhập với cộng đồng.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, dù đây là phạm nhân tham gia lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đúng luật Lao động về thời gian làm việc, nghỉ ngơi, bảo hộ lao động, an toàn lao động… Từ đó, bà đề nghị, bổ sung vào dự luật quy định phải có sự đồng ý, tự nguyện của phạm nhân khi tham gia lao động ngoài trại giam; đồng thời quy định rõ nguyên tắc, phạm nhân tham gia lao động, sản xuất ngoài trại giam được hưởng thành quả lao động.

Ngoài ra, theo Chủ tịch Quốc hội, cần quy định về nguyên tắc, định hướng đối với loại phạm nhân, thời gian chấp hành hình phạt và ý thức chấp hành hình phạt… để Chính phủ quy định chi tiết.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, trại giam thường xuyên phân loại, đánh giá phạm nhân. Theo đó, có ba loại phạm nhân, thứ nhất là đối tượng thường xuyên chống đối, tìm mọi cách vi phạm pháp luật, thậm chí còn "chỉ đạo ra bên ngoài", không chịu cải tạo. Đây là loại phạm nhân nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Thứ hai là loại phạm nhân lưng chừng, và loại thứ 3 ba chiếm số đông là những người rất tích cực, chấp hành tốt, luôn mong mỏi được đánh giá, được tha tù trước thời hạn.

Theo ông Tô Lâm, việc đưa phạm nhân đi lao động trong khu sản xuất, điểm lao động luật chưa quy định nhưng thực tế đã thực hiện. Dựa trên việc phân loại, các trại giam sẽ lựa chọn những phạm nhân đủ điều kiện đi lao động bên ngoài. Mục đích là "cải tạo họ trở thành người tốt".

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm