Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nữ làm lãnh đạo chủ chốt cơ quan thuộc Chính phủ còn cách xa chỉ tiêu đề ra

Hương Giang

Thứ năm, 18/05/2023 - 15:08

(Thanh tra) - Các cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ mới đạt 25% còn cách xa so với chỉ tiêu đề ra là 60% tại Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: P.Thắng

Thông tin trên được nêu tại báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2022, vừa được Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh ký gửi đến các đại biểu Quốc hội.

Theo Uỷ ban Xã hội, tính đến tháng 12/2022, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm 15/30 cơ quan đạt 50% và tăng 3,4% so với năm 2021.

Các cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ là 2/8, đạt 25%, còn cách xa so với chỉ tiêu đề ra là 60%.

Tỷ lệ UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ (số liệu đầu nhiệm kỳ 2021-2025) là cấp tỉnh 37,7%, cấp huyện 31,77%, cấp xã 24,94%.

Ủy ban Xã hội nhận định, tỷ lệ lãnh đạo chủ chốt là nữ đã cao hơn so với nhiệm kỳ trước nhưng so với chỉ tiêu trong lĩnh vực chính trị đề ra đến năm 2025 thì chắc chắn không đạt được và sẽ rất khó để đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

Để đạt được chỉ tiêu, theo cơ quan thẩm tra, Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp cần có chiến lược, kế hoạch triển khai từ sớm; quan tâm công tác phát hiện, đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ nữ và thực hiện tốt công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ ở các cấp.

Chính phủ được đề nghị sớm có giải pháp đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ trong cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương; thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, mục tiêu của Chiến lược, nhất là các chỉ tiêu dự kiến không đạt được vào năm 2025.

Cùng với đó, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.

“Hàng năm có kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện tại một số bộ, ngành, địa phương, tập trung vào các bộ, ngành, địa phương còn chưa thực hiện tốt chính sách pháp luật về bình đẳng giới, kết quả thực hiện bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội còn nhiều hạn chế, đặc biệt là vai trò của người lãnh đạo chủ chốt”, Ủy ban Xã hội đề nghị.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ quan tâm bố trí kinh phí cho hoạt động bình đẳng giới và các nội dung về bình đẳng giới trong các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt các chương trình liên quan tới phụ nữ, trẻ em.

Qua thẩm tra, Uỷ ban Xã hội đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quan tâm đảm bảo cơ cấu nữ trong việc dự kiến, phân bổ, xác định cơ cấu, thành phần người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ khóa 2026 - 2031.

Đến năm 2022, trong 20 chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 của 6 mục tiêu cụ thể tại Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 đã có 8 chỉ tiêu đạt, 4 chỉ tiêu dự kiến sẽ đạt.

Trong 8 chỉ tiêu đã đạt, báo cáo thẩm tra nêu, theo kết quả điều tra năm 2021, tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã năm 2020 là 28,2%. Như vậy chỉ tiêu này đã đạt từ trước khi Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021- 2030 được ban hành (tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030).

Điều đó cho thấy việc phân tích, dự báo đề ra chỉ tiêu này của chiến lược là chưa sát với thực tế, cơ quan của Quốc hội nêu rõ.

Với các chỉ tiêu dự kiến sẽ đạt, theo báo cáo, ước năm 2022, số giờ trung bình một ngày làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ gấp 1,78 lần so với nam giới (phụ nữ làm 2,35 giờ/ngày, nam giới làm 1,32 giờ/ngày).

Chỉ tiêu này giảm so với năm 2021 (năm 2021 gấp 1,96 lần), cơ quan thẩm tra nhận định khả năng sẽ đạt so với chỉ tiêu đề ra vào năm 2025 là 1,7 lần.

Vẫn theo cơ quan thẩm tra, chỉ tiêu thí điểm ít nhất một cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người đồng tính, song tính và chuyển giới chưa có địa phương nào triển khai.

“Chỉ tiêu này không đạt chỉ tiêu đạt 40% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030 vì chưa được triển khai thực hiện”, Ủy ban Xã hội cho hay, trong báo cáo của Chính phủ không nêu nguyên nhân, lý do chưa thực hiện được chỉ tiêu này. Vì vậy, cơ quan này đề nghị Chính phủ bổ sung làm rõ và có lộ trình thực hiện cụ thể.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm