Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhìn lại những chỉ đạo của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải về giải quyết KN, TC gắn với PCTN

Thứ ba, 20/03/2018 - 06:30

(Thanh tra)- Trong quá trình hoạt động của ngành Thanh tra, thời kỳ đương nhiệm Thủ tướng Phan Văn Khải đã có nhiều chỉ đạo rất sâu sát và toàn diện về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC), gắn với phòng, chống tham nhũng (PCTN).

Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Thanh tra toàn quốc ngày 27/2/2003. Ảnh: GT

Làm triệt để

Dù công việc của người đứng đầu Chính phủ rất bận rộn nhưng đích thân Thủ tướng Phan Văn Khải đã dành thời gian để dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác tiếp dân và giải quyết KN,TC được Thanh tra Chính phủ tổ chức trong hai ngày 14-15/1/2004. Tại thời điểm này, KN,TC của công dân về sai phạm liên quan đến nhà đất, đến các dự án tại nhiều đô thị lớn đã thành đoàn đông người, vượt cấp.

Sau khi nghe báo cáo về hiện trạng KN,TC, cùng các đề xuất của ngành Thanh tra, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đánh giá cao công tác tiếp dân và giải quyết KN,TC của cơ quan tiếp dân. Theo quan điểm chỉ đạo chung thì đây chính là một trong những hoạt động nhằm đẩy lùi nạn tham nhũng, nâng cao quyền và lợi ích của công dân, đặc biệt là nạn tham nhũng lớn nhất trong đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý đất đai. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các ngành các cấp cần sớm phát hiện tiêu cực, xử lý triệt để nhằm thu hồi lại tài sản cho dân, cho nước.

Trước đó, ngày 17/11/1997, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký ban hành Chỉ thị số 979/1997/CT-TTg, về tổng kết thực hiện Pháp lệnh KN,TC của công dân năm 1991. Nội dung chỉ thị này đã khẳng định nhiều vụ việc KN,TC của công dân được giải quyết kịp thời, đúng chính sách, pháp luật, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, công tác này còn nhiều khó khăn, thiếu sót: ở nhiều nơi, việc xem xét giải quyết KN,TC của công dân còn chưa nghiêm túc, thiếu dân chủ, quan liêu, chậm trễ; có biểu hiện của việc coi thường ý kiến của dân, né tránh, đùn đẩy, lãnh đạo không trực tiếp tiếp dân để chỉ đạo giải quyết thư KN,TC của công dân.

Nhiều quyết định giải quyết KN,TC của cơ quan có thẩm quyền không được chấp hành nghiêm chỉnh, làm cho tình hình KN,TC của công dân vượt cấp ngày một tăng và việc giải quyết KN,TC bị kéo dài, khi tình hình trở thành “điểm nóng” mới tập trung giải quyết. Việc tổ chức tiếp công dân, giải quyết KN,TC của công dân nói chung còn hình thức, đạt hiệu quả thấp. Công tác kiểm tra, thanh tra của thủ trưởng các cấp, các ngành đối với cơ quan, đơn vị thuộc quyền về giải quyết KN,TC của công dân chưa được coi trọng đúng mức, nhiều nơi còn khoán trắng cho cơ quan chức năng.

Bài học cho hiện tại

Vì nhiều lý do nên tình hình KN,TC vẫn phức tạp nên ngày 27/10/2004, Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp tục ký Chỉ thị số 36/2004/CT-TTg, với các quy định cụ thể hơn.

Đó là các cơ quan quản lý Nhà nước phải nắm chắc tình hình KN,TC xảy ra trong phạm vi quản lý của ngành, địa phương, giải quyết kịp thời theo đúng quy định của pháp luật những vụ việc thuộc thẩm quyền. Đặc biệt, khi phát sinh những vụ việc khiếu tố đông người, phức tạp, những vụ việc KN, tranh chấp về đất đai, giải tỏa đền bù khi Nhà nước thu hồi đất thì phải tập trung chỉ đạo, giải quyết ngay từ cơ sở, không để KN vượt cấp lên Trung ương và phát sinh thành "điểm nóng", gây phức tạp về an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời phải làm rõ nguyên nhân phát sinh KN,TC để rút kinh nghiệm, chấn chỉnh công tác quản lý hành chính Nhà nước, đồng thời xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật những cơ quan, cán bộ, công chức đã ban hành quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính trái pháp luật.

Từ những chỉ thị này, Thanh tra Chính phủ đã chủ động xây dựng các kế hoạch giải quyết KN,TC tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Đó là Kế hoạch 319, Kế hoạch 1130, Kế hoạch 2100, với kết quả là hàng trăm vụ việc đã được giải quyết đúng pháp luật, phù hợp thực tiễn, góp phần ồn định an ninh trật tự. Thông qua việc thực hiện rà soát, ngoài việc bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho công dân, thì nhiều sai phạm, nhiều vụ việc tham nhũng liên quan đến nhà đất đã được xử lý nghiêm, thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Nhìn nhận dưới góc độ tiếp công dân, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp cho biết: Các chỉ thị của Thủ tướng Phan Văn Khải đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác tiếp công dân. Vì ngay sau đó Tổng Thanh tra Chính phủ, cùng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã chấn chỉnh, kiện toàn Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước, bố trí những cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm làm công tác tiếp dân. Khi công dân đến Trụ sở, cán bộ tiếp công dân thuộc bất cứ cơ quan nào cũng phải có trách nhiệm tiếp, lắng nghe nguyện vọng của dân, để hướng dẫn công dân thực hiện quyền kiến nghị, phản ánh, KN, TC theo đúng quy định của pháp luật.

Giáng Thăng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm