Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ngừng triển khai các dự án kém hiệu quả và chưa thực sự cấp bách

Thứ ba, 15/03/2011 - 10:13

Hôm qua (14/3), Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến về những giải pháp của ngành Giao thông Vận tải (GTVT) nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP với sự tham dự của lãnh đạo Bộ GTVT và Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt (Bộ Công an).

* Kiểm soát chặt không để "làm giá" các mặt hàng thiết yếu

Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho biết: Triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ, nội dung quan trọng nhất mà ngành thực hiện là giảm đầu tư xây dựng, giảm đầu tư công. Thực ra, khi chưa có Nghị quyết 11, khi Quốc hội và Chính phủ giao kế hoạch các dự án (D.A) trái phiếu Chính phủ, đã thực hiện nội dung giảm đầu tư công. Năm 2011, giảm 50% vốn của các D.A trái phiếu Chính phủ. Cụ thể, ngành GTVT có thể giải ngân 20 - 25 nghìn tỷ đồng thì chỉ bố trí 11 nghìn tỷ đồng. Vấn đề là Bộ GTVT triển khai thế nào cho hiệu quả. “Chúng tôi đã phân loại các D.A, thứ nhất là ưu tiên cho các D.A có thể hoàn thành trong năm 2011 và phát huy ngay tác dụng về kinh tế - xã hội. Thứ hai là bố trí các D.A đang thực hiện mà có khả năng thuận lợi để đạt giải ngân cao. Còn lại, nếu chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư và khởi công D.A mới thì hoàn toàn đình hoãn. Đây là nội dung quan trọng nhất khi triển khai Nghị quyết 11”, ông Hồ Nghĩa Dũng nói.

Cũng theo Bộ trưởng GTVT, bên cạnh việc cắt giảm đầu tư thì vẫn duy trì các giải pháp ổn định, phát triển của các doanh nghiệp, bằng cách tổ chức có hiệu quả, rút ngắn lại thời gian chuẩn bị đầu tư và triển khai thi công các D.A để thực hiện có hiệu quả cao nhất, hỗ trợ doanh nghiệp một cách tối đa để có thể trụ vững trong bối cảnh khó khăn, tập trung vào các D.A quan trọng. Ngoài ra, tập trung giảm các khoản chi tiêu thường xuyên theo Nghị quyết 11. Đầu năm 2011, Bộ đã rà soát lại và vừa rồi lại tiếp tục rà soát, cuối cùng giảm được khoảng 10%.

* Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Văn Sơn cho biết: Bộ Xây dựng đã ban hành Chương trình Hành động của Bộ để thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã có Chỉ thị về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đối với tất cả các đơn vị thuộc Bộ. Theo Chỉ thị này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo các đơn vị phải tập trung rà soát lại toàn bộ các D.A đầu tư trong kế hoạch năm 2011 để thực hiện các biện pháp ngừng, đình hoãn hoặc giãn tiến độ, bao gồm cả các D.A sử dụng vốn ngân sách, các D.A thực hiện bằng nguồn vốn vay và vốn do đơn vị tự huy động.

Trước mắt, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tạm dừng khởi công các D.A mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ như: D.A Trung tâm Nghiên cứu vật liệu xây dựng mới, D.A Nhà học đa năng  Trường Trung cấp Xây dựng số 4… Các D.A đang triển khai cũng sẽ được rà soát lại về mục tiêu, quy mô, hiệu quả đầu tư và tiến độ thực hiện. Sau khi có kết quả rà soát, Bộ Xây dựng sẽ thực hiện các biện pháp để cắt giảm, giãn tiến độ hoặc ngừng triển khai đối với những D.A kém hiệu quả và chưa thực sự cấp bách.

Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các tập đoàn, tổng Cty Nhà nước tự kiểm tra, rà soát lại danh mục, hiệu quả những D.A đầu tư của Cty mẹ và đơn vị thành viên. Theo đó, loại bỏ các D.A đầu tư kém hiệu quả, kể cả các D.A đầu tư ra nước ngoài; không đầu tư dàn trải; đình hoãn, giãn tiến độ các D.A chưa cấp bách và không ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; chỉ khởi công các D.A mới đã rõ hiệu quả và bảo đảm được nguồn vốn để triển khai thực hiện; cắt giảm, sắp xếp lại các D.A đầu tư theo hướng tập trung cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính. Trong tháng 3/2011, Bộ Xây dựng sẽ thành lập một số đoàn đi kiểm tra, rà soát lại các D.A đầu tư của các tập đoàn, tổng Cty Nhà nước, từ đó có phương án xử lý cụ thể.

* Để góp phần cùng cả nước tăng cường kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường, tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Công thương và các ngành liên quan, tăng cường các biện pháp quản lý để thực hiện đăng ký giá, kê khai, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hiện tượng đầu cơ nâng giá; trong đó đặc biệt chú trọng các mặt hàng: thuốc chữa bệnh, sữa, xi măng, thép xây dựng, đá, cát, gạch, phân bón hóa học, thức ăn chăn nuôi gia súc. Bên cạnh đó, Hải Dương còn đẩy mạnh phát triển thương mại nông thôn, tổ chức hệ thống các chợ, cửa hàng và hộ kinh doanh cá thể làm tốt việc phân phối, lưu thông hàng hóa gắn với quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhằm kiểm soát nhập khẩu, Hải Dương áp dụng các biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, nhất là các mặt hàng tiềm năng, thế mạnh; hạn chế nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu, các mặt hàng trong nước đã sản xuất được và đáp ứng yêu cầu chất lượng. Tỉnh thực hiện chính sách khuyến khích các doanh nghiệp triệt để tiết kiệm năng lượng, vật tư, giảm chi phí đầu vào, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước, Hải Dương phấn đấu tăng thu 7 - 8% so với dự toán ngân sách năm 2011. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, TP tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong năm 2011. Tỉnh tạm dừng trang bị mới xe ô tô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng; giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu…; không bố trí kinh phí cho các việc chưa thật sự cấp bách.

* UBND TP Đà Nẵng đã thành lập tổ công tác để rà soát toàn bộ các D.A đầu tư, công trình xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn TP quản lý nhằm xác định cụ thể danh mục các công trình D.A theo 3 nhóm: Tiếp tục và đẩy nhanh tiến độ đầu tư; giãn tiến độ đầu tư; tạm ngừng thực hiện trong năm 2011... 

Sở Tài chính tham mưu cho UBND TP các biện pháp điều hành ngân sách để phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước tối thiểu 10% so với dự toán ngân sách năm 2011; tham mưu cho UBND TP việc điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức quy định theo dự toán ngân sách đã được giao... Cục Thuế TP phấn đấu hoàn thành tăng thu ngân sách từ thuế, phí bảo đảm vượt ít nhất 10% dự toán thu ngân sách được HĐND TP giao, nhằm bảo đảm đủ nguồn chi ngân sách địa phương và thực hiện các mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội...

TTXVN/Chinhphu.vn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm