Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nghiên cứu làm các tuyến đường sắt kết nối vùng đồng bằng sông Hồng

Hải Hà

Thứ năm, 20/07/2023 - 20:48

(Thanh tra) - ​Nhấn mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng chưa chặt chẽ, hạ tầng giao thông thiếu kết nối, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu làm các tuyến đường sắt kết nối các tỉnh...

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị lần thứ nhất của Hội đồng Điều phối vùng đồng bằng sông Hồng. Ảnh: V.T

Sáng 20/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng đồng bằng sông Hồng đã chủ trì hội nghị lần thứ nhất của Hội đồng.

Trước đó, Thủ tướng đã ký Quyết định 826 thành lập Hội đồng Điều phối vùng đồng bằng sông Hồng do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) làm Phó Chủ tịch Thường trực.

Các Phó Chủ tịch gồm Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Khoa học và Công nghệ; Công Thương; Thông tin và Truyền thông.

Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, TP: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

Hội đồng được thành lập nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Hồng nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Chuyển trường đại học, bệnh viện về các địa phương lân cận

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Hội đồng Điều phối vùng được xác định không phải là một cấp hành chính, nhưng là mô hình tổ chức hiệu quả để xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của vùng, góp phần giải quyết các vấn đề bất cập mà một địa phương trong vùng không thể giải quyết được.

Bộ KH&ĐT đã dự kiến phát triển vùng đồng bằng sông Hồng với 3 nhóm định hướng lớn như: Phát triển kết cấu hạ tầng vùng, trọng tâm về giao thông kết nối liên vùng, đường bộ cao tốc liên vùng và nội vùng; các tuyến đường Vành đai 4, Vành đai 5 vùng Thủ đô; đường sắt tốc độ cao, hạ tầng cảng biển, cảng hàng không.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng đề xuất nghiên cứu các cơ chế, chính sách huy động hiệu quả nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng, nhất là hạ tầng giao thông, phân cấp cho các địa phương chủ động thực hiện các dự án liên vùng kết nối. Nghiên cứu hình thành quỹ phát triển hạ tầng vùng để đầu tư xây dựng các dự án liên vùng.

Đặc biệt, Bộ KH&ĐT đề xuất, liên kết các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển để hợp tác phát triển, từng bước hình thành cụm liên kết ngành công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực điện, điện tử, thay vì cạnh tranh, triệt tiêu lẫn nhau.

Tập trung giải quyết căn bản các vấn đề môi trường, nhất là rác thải, khí thải, ô nhiễm tại các dòng sông, tình trạng ngập úng ở Hà Nội, Hải Phòng và các đô thị lớn. Quy hoạch và có cơ chế, chính sách để di chuyển, xây dựng mới các bệnh viện, trường đại học tại các địa phương lân cận để giảm tải áp lực đối với hạ tầng xã hội, ùn tắc giao thông tại Hà Nội…

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V.T

Với vị trí và vai trò là Thủ đô, là hạt nhân, là trung tâm của vùng đồng bằng sông Hồng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đưa ra một số đề xuất để tăng cường vai trò, trách nhiệm của Hà Nội đối với sự phát triển của vùng trong thời gian tới.

Theo Bí thư Hà Nội, cần khẩn trương đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển vùng. Đối với Thủ đô Hà Nội, trước mắt là việc xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) theo đúng kế hoạch.

Cùng đó, tăng cường hợp tác, liên kết toàn diện, thực tế và hiệu quả để xây dựng và phát triển vùng đồng bằng sông Hồng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành trung tâm kinh tế chất lượng cao, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế và giao dịch quốc tế của cả nước.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tích hợp, đa ngành.

Ngoài ra, cần ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm, giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, chú trọng hạ tầng giao thông vận tải, thúc đẩy các hoạt động liên kết, phát triển của vùng bằng các tuyến đường bộ, đường sắt liên vùng.

Đặc biệt, cần đầu tư hoàn thiện các tuyến đường quốc lộ, đường vành đai, hệ thống đường kết nối theo quy hoạch và phù hợp với kiến trúc, cảnh quan; phấn đấu hoàn thành xây dựng dự án Đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô trước năm 2027; nghiên cứu chuẩn bị đầu tư đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội, tuyến đường sắt tốc độ cao Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân...

Hội đồng không làm thay nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền các địa phương

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, TP trực thuộc, chiếm 6,42% diện tích (21.278 km2). Vùng có trình độ phát triển kinh tế thứ hai trên cả nước, sau vùng Đông Nam bộ.

Nhắc đến định hướng liên kết vùng, Thủ tướng lưu ý, các tỉnh, TP cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ ỷ lại. Ảnh: V.T

Giai đoạn 2005-2020, tăng trưởng kinh tế của vùng đạt 7,94%/năm, năm 2020, chiếm 29,4% GRDP cả nước, thu nhập bình quân gấp 1,3 lần bình quân cả nước, tỉ lệ đô thị hóa trên 41%, trên 99% số xã đạt chuẩn nông thôn mới…

Tuy nhiên, theo người đứng đầu Chính phủ, kinh tế - xã hội vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí; các địa phương phát triển không đồng đều, phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động. Các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỉ lệ thấp. Cơ cấu thu ngân sách Nhà nước ở một số địa phương chưa bền vững.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu. Hạ tầng giao thông thiếu kết nối. Hạ tầng du lịch còn yếu. Liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp; chưa hình thành các cụm liên kết ngành, các vùng sản xuất nông sản tập trung…

Nhắc đến định hướng liên kết vùng, Thủ tướng lưu ý, các tỉnh, TP cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ ỷ lại. Hội đồng không làm thay việc của cấp ủy, chính quyền các địa phương, mà tập trung điều phối, liên kết, xử lý các vấn đề còn vướng mắc.

Nhấn mạnh một số nhiệm vụ quan trọng, Thủ tướng yêu cầu kết nối hạ tầng giao thông, nhất là tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, tuyến đường ven biển từ Thanh Hóa ra Quảng Ninh; kết nối hạ tầng kỹ thuật về điện, nước, viễn thông; kết nối xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi, đặc thù, vượt trội cho vùng.

Chỉ rõ từng nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trước hết cần đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch vùng và các tỉnh, TP trong quý III/2023, riêng Hà Nội trong quý IV/2024.

Về cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi, vượt trội cho vùng đồng bằng sông Hồng và xây dựng Luật Thủ đô, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất các cơ chế, chính sách đổi mới nhằm phát triển vùng.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu, khẩn trương triển khai các dự án giao thông, trong đó có dự án cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng.

Lãnh đạo Chính phủ cũng định hướng nghiên cứu phát hành trái phiếu trong nước hoặc vay vốn ODA với cơ chế đột phá để đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, đường sắt kết nối Hà Nội với Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hòa Lạc… Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thành lập hình thành quỹ phát triển hạ tầng vùng.

Thủ tướng giao Bộ Nội vụ tham mưu, phối hợp để các địa phương đẩy mạnh hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thủ tướng nêu rõ, vào đầu quý IV/2023, Hội đồng sẽ kiểm điểm lại việc triển khai các nhiệm vụ tại hội nghị lần thứ nhất và đầu tháng 12/2023 sẽ giúp Bộ Chính trị sơ kết, đánh giá 1 năm triển khai Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm