Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nâng vốn lên 20 nghìn tỷ đồng: Lo 5 năm tới Quốc hội không còn quyết dự án nào

Thứ sáu, 05/04/2019 - 19:32

(Thanh tra) - “Một quốc gia đang phát triển mà 5 năm chỉ có 2 dự án quan trọng là quá ít, nếu điều chỉnh tăng tiêu chí vốn lên nữa thì có thể 5 năm tới Quốc hội (QH) không còn quyết định dự án quan trọng nào”, đại biểu (ĐB) QH Hoàng Quang Hàm phát biểu.

ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ)

Sáng ngày 5/4, tiếp tục chương trình làm việc, ĐBQH hoạt động chuyên trách cho ý kiến về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Tại đây, một trong những nội dung sửa đổi chưa được nhiều ĐB đồng tình là việc điều chỉnh tăng tiêu chí mức vốn đầu tư của dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định của QH từ 10 nghìn tỷ lên 20 nghìn tỷ (mức đề xuất trước đây là 35 nghìn tỷ đồng).

Theo ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), Dự thảo Luật đã có nhiều điểm mới như phân cấp mạnh, quy định rõ thời gian thẩm định, trình, thực hiện dự án nhóm A, B, C… Tuy nhiên, lý do điều chỉnh tăng tiêu chí mức vốn đầu tư của dự án quan trọng quốc gia chưa thuyết phục.

ĐB đoàn Phú Thọ giải thích, quy định hiện hành là 10 nghìn tỷ đồng không có gì bất cập. Cả giai đoạn 2016 - 2020 chỉ có 2 dự án và việc thực hiện không có vướng mắc.

“Một quốc gia đang phát triển mà 5 năm chỉ có 2 dự án quan trọng là quá ít, nếu điều chỉnh tăng lên nữa thì có thể 5 năm tới QH không còn quyết định dự án quan trọng nào”, ông Hàm nói.

Đề nghị giữ nguyên mức theo luật hiện hành, theo ĐB Hoàng Quang Hàm, QH là cơ quan quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước mà điều chỉnh để QH không quyết định dự án nào là rất bất hợp lý. Hơn nữa, biến động giá cả thời gian qua cũng không lớn, mức 10 nghìn tỷ đồng quy định hiện hành vốn đã rất cao.

Riêng đối với các dự án nhóm A, B, C, ĐB cho rằng, cần đánh giá kỹ hơn để nếu bất cập thì điều chỉnh tăng 1,5 hoặc 2 lần như đề nghị của Chính phủ để đẩy mạnh phân cấp, thu hẹp khoảng cách giữa các dự án, nhất là dự án nhóm A và giảm bất cập trong quản lý.

Có tình trạng chia nhỏ dự án

Bày tỏ quan điểm đồng tình, theo ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ), mức 10 nghìn tỷ đồng hiện hành đã là rất lớn mà đáng lẽ nên thấp hơn. Hơn nữa, thực tế thời gian qua đã có tình trạng chia nhỏ dự án để giữ mức đầu tư dưới tiêu chí QH phê duyệt.

ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ)

“10.000 tỷ đã vậy, tăng tiêu chí lên nữa thì còn như thế nào?”, ĐB Nguyễn Thanh Xuân đoàn Cần Thơ lưu ý, hiện nay tình trạng dự án đầu tư thất thoát, lãng phí… đang gây bức xúc trong nhân dân.

ĐB Phan Thanh Bình (Quảng Nam) thì cho rằng, tiêu chí dự án quan trọng quốc gia không chỉ là bao nhiêu tiền mà quan trọng ở đây là dự án đó giải quyết được vấn đề cấp bách nào trong thực tiễn.

Do đó, theo ĐB Bình, việc nâng tiêu chí về mức vốn đầu tư dự án quan trọng lên 20 nghìn tỷ đồng là không khả thi. ĐB đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành.

Tuy nhiên, ở góc độ cơ quan thẩm tra - đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đồng tình đề nghị điều chỉnh mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng so với quy định hiện hành để phù hợp với thực tiễn biến động giá cả.

“Sau gần 4 năm thực hiện Luật Đầu tư công, chỉ số CPI đã tăng khoảng 15%, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế (GDP) bình quân của giai đoạn 2014-2018 tăng khoảng 6,55% so với thời điểm năm 2004, GDP năm 2018 tăng khoảng 37%, quy mô các dự án đầu tư công cũng lớn hơn. Tổng mức tăng thêm của cả tăng trưởng kinh tế và tăng giá là khoảng 52%, theo đó, có thể điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án tăng lên khoảng 1,5% lần mức quy định tại Luật Đầu tư công hiện hành”, báo cáo của Ủy ban Tài chính Ngân sách nêu.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển 

Còn các tiêu chí liên quan đến môi trường, đất rừng, đất lúa, dân cư của dự án quan trọng quốc gia thì giữ nguyên, không sửa.

Kết luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho biết, dự thảo đưa ra đề xuất nâng tiêu chí vốn đầu tư lên 20 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên chưa có các tiêu chí như dân số, hộ gia đình…

Do đó, theo Phó Chủ tịch QH, Uỷ ban Tài chính Ngân sách cùng Bộ Kế hoạch Đầu tư cần rà soát lại và đưa ra 2 phương án để Ủy ban Thường vụ QH thảo luận cho ý kiến tại phiên họp lần thứ 33 trước khi trình QH vào Kỳ họp thứ 7.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bắc Ninh khẩn trương triển khai phương án sắp xếp tổ chức bộ máy

Bắc Ninh khẩn trương triển khai phương án sắp xếp tổ chức bộ máy

(Thanh tra) - Tại Kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh khóa XIX, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn khẳng định: Bắc Ninh sẽ khẩn trương triển khai phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ...

Hải Hà

15:38 11/12/2024
Vĩnh Phúc: Đảm bảo quyền lợi cho cán bộ thuộc diện phải sắp xếp tinh gọn

Vĩnh Phúc: Đảm bảo quyền lợi cho cán bộ thuộc diện phải sắp xếp tinh gọn

(Thanh tra) - Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về sắp xếp tinh gọn bộ máy, ngày 11/12, Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức gặp mặt, trao đổi với cán bộ, công chức, viên chức 3 cơ quan thuộc diện sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy là Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh và Sở Ngoại vụ.

Chính Bình

15:26 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm