Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Long trọng Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Thanh Thanh

Chủ nhật, 07/11/2021 - 14:10

(Thanh tra) - Hôm nay (7/11), Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tổ chức trọng thể Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN (7/11/1981-7/11/2021) theo hình thức trực tuyến với chủ đề: “40 năm GHPGVN: Hội nhập và phát triển cùng đất nước”.

Quang cảnh Đại lễ Kỷ niệm tại điểm cầu thành phố Hà Nội thông qua đường truyền của UBTƯ MTTQ Việt Nam. Ảnh: Minh Đức

Đây là sự kiện trọng đại của các cấp Giáo hội, các ban, viện Trung ương và tăng ni, tín đồ Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, nhằm ôn lại chặng đường 40 năm vẻ vang của GHPGVN với tinh thần “hộ quốc an dân” và kiên định phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lẵng hoa chúc mừng Đại lễ.

Phật giáo Việt Nam phát huy truyền thống hộ quốc an dân

 Trong diễn văn kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN khẳng định, chặng đường 40 năm trưởng thành, phát triển, hội nhập cùng đất nước, chưa bao giờ Phật giáo Việt Nam có được tiền đồ như ngày nay ở trong nước và trên thế giới.

GHPGVN là tổ chức đại diện cho tăng ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài với gần 55 ngàn tăng ni, 18 ngàn ngôi chùa và tự viện cơ sở Phật giáo, hàng chục triệu tín đồ Phật tử ở trong nước và ở nước ngoài.

Hội đồng Chứng minh là biểu tượng tinh thần Đạo pháp, Hội đồng Trị sự điều hành 13 ban, viện và 63 Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố.

GHPGVN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp “xiển dương đạo pháp, phụng sự nhân sinh, tốt đời đẹp đạo”, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sau 40 năm, GHPGVN quản lý cơ sở tự viện, tăng ni, Phật tử trên toàn quốc với 18.544 cơ sở tự viện; 54.169 tăng ni, gồm: 40.095 Bắc tông; 7.028 Nam tông Khmer, 08 Tu nữ; 1.754 Nam tông Kinh; 5.284 khất sĩ và hàng chục triệu tín đồ Phật tử tu học thường xuyên tại các cơ sở tự viện; khoảng 60% dân số là những người yêu mến đạo Phật trong cả nước.

Phật sự nổi bật của Ban Tăng sự Trung ương trong 40 năm qua là tổ chức, quản lý tốt công tác tăng ni, tự viện; hướng dẫn thống kê tăng ni, tự viện; thực hiện việc cấp giấy chứng nhận tăng ni, an cư kết hạ, thuyên chuyển vùng tu học và sinh hoạt Phật sự, bổ nhiệm trụ trì các tự viện trên cả nước. Hướng dẫn Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố tổ chức hàng trăm đại giới đàn, truyền giới cho hàng chục ngàn giới tử.

Công tác giáo dục và đào tạo tăng ni có trình độ Phật học căn bản và nâng cao cũng được Giáo hội quan tâm và trú trọng. Giáo hội đã chủ động giới thiệu hơn 500 tăng ni sinh đi du học tại Ấn Độ, vùng lãnh thổ Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Myanma, Thái Lan, Srilanka… Có gần 300 tăng ni sinh đã tốt nghiệp trình độ thạc sĩ, tiến sĩ về nước phục vụ công tác Giáo hội các cấp. Đây là nguồn nhân lực của hệ thống đào tạo giáo dục Phật giáo của Giáo hội trong thời hiện đại.

GHPGVN đã tích cực, chủ động trong hội nhập quốc tế, tăng cường hoạt động đối ngoại nhân dân, giao lưu hợp tác Phật giáo quốc tế. Giáo hội đã 3 lần đăng cai tổ chức rất thành công Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc, góp phần khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực của Liên hợp quốc và cộng đồng thế giới, từ đó quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, nhân hậu, nghĩa tình và luôn yêu chuộng hòa bình.

Luôn coi trọng công tác chăm lo cho người Việt Nam ở nước ngoài, Giáo hội đã cử các đoàn hoằng pháp đi giúp đỡ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc tại các ngôi chùa Việt khắp năm châu trở thành nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam, góp phần khẳng định và nâng tầm cộng đồng người Việt trên thế giới.

Hoạt động học thuật của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phân viện Nghiên cứu, và của 4 Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ đã đạt được nhiều thành tích trong nghiên cứu Phật học, phiên dịch kinh điển, biên tập và xuất bản nhiều bộ sách có giá trị học thuật cao, đặc biệt là đang xuất bản bộ Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam là công trình thế kỷ khẳng định tầm vóc Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo thế giới.

Phật giáo Việt Nam luôn phụng sự đạo pháp và dân tộc

Tại Đại lễ, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn khẳng định: “Thành tựu các Phật sự trong 40 năm qua là nền tảng, là động lực để hoàn thành chương trình Phật sự nhiệm kỳ 8 và các nhiệm kỳ tiếp theo của Giáo hội tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng hành cùng khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại để xây dựng đất nước ta trở thành nước phát triển, tăng ni, Phật tử hãy năng động hơn nữa trong sự nghiệp phụng sự đạo pháp và dân tộc.

Xây dựng mô hình Giáo hội kiến tạo ứng dụng rộng rãi thành tựu khoa học kỹ thuật, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong công tác hoằng pháp, hướng dẫn đồng bào Phật tử và quản trị hành chính Giáo hội cấp từ Trung ương đến địa phương, cũng như kết nối chặt chẽ với các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài tạo thành nguồn lực mạnh mẽ phát triển Giáo hội và đất nước”.

Là một trong những công tác Phật sự trọng yếu của Giáo hội, công tác từ thiện và sự nghiệp chăm lo an sinh xã hội đã được Giáo hội chỉ đạo tăng ni, Phật tử và các chùa, tự viện các thành viên thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời. Công tác từ thiện tập trung vào các hoạt động của các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già cô đơn, người tàn tật với hàng trăm cơ sở hoạt động. Giáo hội hiện có trên 160 Tuệ Tĩnh đường, 700 phòng chẩn trị y học dân tộc, 01 phòng khám đa khoa đang hoạt động có hiệu quả, khám và phát thuốc miễn phí cho hàng chục ngàn lượt bệnh nhân.

Giáo hội luôn có mặt đúng lúc và kịp thời cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt và tham gia tích cực ủng hộ phong trào xóa đói giảm nghèo, chăm sóc các đối tượng người có công với đất nước. Phát quà từ thiện, xây cầu, làm đường, phát xe lăn, hiến máu nhân đạo, quỹ khuyến học, ủng hộ các chiến sĩ biển đảo bám biển Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc… kết quả công tác từ thiện xã hội mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng, số liệu tổng kết trong 40 năm qua ước tính khoảng gần 20.000 tỷ đồng.

Trong đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam từ cuối năm 2019 đến nay, Giáo hội đã có nhiều thông bạch vận động Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố, tăng ni, Phật tử các tự viện tích cực tham gia phòng chống dịch bằng nhiều hình thức như ủng hộ lương thực, thực phẩm, vật tư y tế cho đồng bào vùng phong tỏa, cách ly và những người tuyến đầu phòng chống dịch hoặc lấy cơ sở tự viện làm điểm cách ly tập trung cho bệnh nhân Covid. Nhiều tăng ni, Phật tử đã tham gia vào tuyến đầu, chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid tại các bệnh viện dã chiến.

Hưởng ứng vận động của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam, Ủy ban Mặt trận các tỉnh, thành phố, Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh thành đã ủng hộ vào Quỹ Vaccine, máy thở, máy tạo oxy, thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch trị giá hàng chục tỷ đồng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương cho các cá nhân tại Đại lễ. Ảnh: Minh Đức

Biểu dương, ghi nhận những đóng góp và thành tích xuất sắc của các tập thể và cá nhân, tại Đại lễ Kỷ niệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Độc lập Hạng nhất cho GHPGVN.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng trao Huân chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhân dịp này, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã quyết định tặng bằng khen cho 31 quý vị hòa thượng, thượng tọa, ni trưởng, ni sư, đại đức, cư sĩ tiêu biểu.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thành lập thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa

Thành lập thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa

(Thanh tra) - Chiều 23/11, với 413/422 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa sửa đổi, trong đó có quy định về thành lập thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa.

Hương Giang

16:19 23/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm