Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch: Đệ nhị Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Chủ nhật, 07/11/2021 - 11:46

(Thanh tra) - Đức Đệ nhị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) Thích Tâm Tịch, thế danh Nguyễn Đình Khuê, pháp hiệu Như Sơn, sinh ngày 17/11 năm Ất Mão (1915) tại phố Hội Bình, phường Hồng Hà, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái.

Năm 1931, danh đức của Tổ Vĩnh Nghiêm - Thiền gia Pháp chủ (Ðức Ðại lão Hòa thượng Thích Thanh Hanh) và giáo lý Phật giáo được Tuần báo Ðuốc Tuệ xiển dương đã tác động mạnh, thôi thúc người thanh niên lứa tuổi đôi mươi Nguyễn Ðình Khuê đến chiêm bái Tổ đình Quán Sứ, đỉnh lễ Tam bảo, bái kiến Ðức Tổ Vĩnh Nghiêm.

Với tấm lòng đầy ngưỡng mộ đạo Phật và ý chí quyết tâm của tuổi 16, ngài đã âm thầm, lặng lẽ từ biệt gia đình tìm đường xuất gia cầu đạo.

Ðến năm 1936, tuổi đời vừa tròn 21, ngài được hòa thượng nghiệp sư và chư tôn đức đương thời chứng minh truyền thụ thập giới sa-di do Hòa thượng Thích Doãn Hài làm đàn đầu hòa thượng tại Tổ đình Tế Xuyên - Bảo Khám.

Sau thời gian tấn tu đạo hạnh, ngài được hòa thượng nghiệp sư cho đi nhập chúng cầu học Kinh Luật Luận với Tổ Tuệ Tạng - Ðức Thượng thủ Tăng già toàn quốc tại chùa Quán Sứ, khởi đầu cho một thời kỳ dài tu tập, hóa đạo trên đất Thăng Long - Hà Nội.

Năm 1939, chùa Quán Sứ khai mở đại giới đàn do Hòa thượng Thích Thanh Ất (Tổ Trung Hậu) làm Đường đầu. Đây là giới đàn quy mô nhất của Phật giáo Bắc kỳ bấy giờ. Giới tử phải nhập chúng lễ sám hối 21 ngày, sau đó trải qua kỳ khảo hạch để xếp thứ tự. Ngài được cử đứng đầu hàng giới tử sa-di cầu thụ cụ túc giới.

Với 25 tuổi đời, ngài chính thức được dự vào hàng tăng bảo. Từ đó, ngài được thiện duyên theo hầu Tổ Tuệ Tạng và tham học Phật pháp tại các trường Phật học: Quán Sứ, Bồ Đề, Cao Phong… Trong học chúng và các khóa hạ bấy giờ, ngài luôn được cử giữ chức Chánh Duy-na, nêu gương và hộ trì kỷ cương giới đức phạm hạnh cho đại chúng tăng-già noi gương lập chí tu hành.

Sau 14 năm cần mẫn tu học, hành trì phạm hạnh, tích lũy tâm đức của một tỷ-khiêu, ngài được chư tôn đức đương thời thỉnh làm giới sư rồi làm hòa thượng đường đầu… truyền trao giới pháp cho các thế hệ hậu học.

Với đạo nghiệp sâu dày, ngài đã từng được sơn môn, pháp phái thỉnh cử và Giáo hội Trung ương chỉ định trụ trì các chốn Tổ như: Tùng Lâm Quán Sứ, Hà Nội; chùa Cao Đà, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam; Tổ đình Bồ Đề, huyện Gia Lâm (nay là quận Long Biên), Hà Nội; Tổ đình Tế Xuyên - Bảo Khám, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, cụ thể:

Năm 1958, Đức Thượng thủ Tuệ Tạng chỉ định ngài làm Giám tự Tùng lâm Quán Sứ.

Năm 1962, Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Bản (Tổ Cao Đà) viên tịch, ngài được chư tôn đức sơn môn giao phó trọng trách trụ trì chùa Cao Đà, xã Nhơn Mỹ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam - khởi đầu sự nghiệp trụ trì hoằng hóa độ sanh.

Năm 1976, ngài được thỉnh cử làm Hòa thượng Đàn đầu Đại giới đàn chùa Bà Đá, Hà Nội.

Năm 1979, Hòa thượng Thích Trí Hải viên tịch, ngài được sơn môn thỉnh giữ chức vụ trụ trì Tổ đình Bồ Đề (Thiên Sơn cổ tự), xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm (nay là phường Bồ Đề, quận Long Biên), thành phố Hà Nội.

Năm 1997, Đại lão Hòa thượng Thích Thông Ban, Trưởng sơn môn viên tịch, Hòa thượng được chư tôn đức sơn môn thỉnh cầu nhận lãnh Viện chủ Tổ đình Tế Xuyên - Bảo Khám, xã Lý Đức, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Với GHPGVN, ngài cũng được cử giữ nhiều trọng trách như: Năm 1958, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam thành lập, ngài được suy cử làm Uỷ viên Trung ương Hội, đồng thời làm Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội (từ năm 1958 - 1980).

Năm 1972, Hòa thượng được suy cử làm Ủy viên Ban Nghi lễ Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam.

Từ năm 1976 đến 1981, là Uỷ viên Thường trực Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam.

Sau ngày 30/4/1975, hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, giang sơn nối liền một dải, Bắc Nam sum họp một nhà. Đây là yếu tố hết sức mãnh liệt và là bối cảnh vô cùng thuận lợi, là động lực để chư tôn giáo phẩm, tăng ni, Phật tử các tổ chức giáo hội, hệ phái thực hiện nguyện vọng, tâm huyết thống nhất Phật giáo mà các thế hệ tiền bối đã dày công tạo dựng. Đây chính là duyên khởi của sự thành lập GHPGVN.

Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam đã được tổ chức từ ngày 4 đến ngày 7/11/1981 tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội. Đại hội quy tụ 9 tổ chức giáo hội, hệ phái Phật giáo trong cả nước: 1. Hội thống nhất Phật giáo Việt Nam. 2. GHPGVN Thống nhất. 3. Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. 4. Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước thành phố Hồ Chí Minh. 5. Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam. 6. Giáo hội Thiên Thai Giáo Quán. 7. Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam. 8. Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước miền Tây Nam bộ. 9. Hội Phật học Nam Việt.

Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật giáo đã bầu Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận làm Đệ nhất Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN.

Năm 1984, Đức Đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận tuyên chỉ ngài giữ chức vụ Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh GHPGVN. Cũng năm này, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội đã cung thỉnh ngài làm Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự cho đến tháng 9/2002.

Tháng 11/1992, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ III, ngài được Đại hội suy tôn làm Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh GHPGVN.

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV (nhiệm kỳ 1997 - 2002) và Đại hội lần thứ V (nhiệm kỳ 2002 - 2007), tại Hà Nội, đã suy tôn ngài lên ngôi vị Pháp chủ GHPGVN.

Trong suốt cuộc đời tu hành và hóa đạo, dù ở cương vị nào, Đại lão Hòa thượng Đệ nhị Pháp chủ luôn thể hiện tâm đức của người con Phật "xuất trần thượng sĩ" hành trì giới - định - tuệ, chú tâm tỉnh giác, thu nhiếp tam nghiệp thân khẩu ý... phụng sự trang nghiêm tam bảo.

Tưởng nhớ về Đức Đệ nhị Pháp chủ Thích Tâm Tịch, năm 2010, Hòa thượng Thích Thiện Bình - Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa, từng nhấn mạnh: “Chúng con nguyện noi theo gương sáng của Hòa thượng và hạnh nguyện của ngài để phụng sự “đạo pháp và dân tộc””. Lý do thì rất đơn giản, như Hòa thượng Thích Thiện Bình từng viết: “Hòa thượng Thích Tâm Tịch, Đệ nhị Pháp chủ là vị lãnh đạo tối cao trong Phật giáo. Đời sống của Hòa thượng rất bình dị, ngài không dùng giáo quyền để điều hành tăng ni Phật tử phải tuân thủ như thế này hoặc như thế khác, cũng không dùng danh lợi mua chuộc một ai. Hòa thượng tuy quản lý nhiều cơ sở tự viện tại Thủ đô, cũng như ở các tỉnh, Hòa thượng khuyên tứ chúng có trách nhiệm luôn phải hòa nhã, hòa mình cùng mọi người chung quanh, cùng xây dựng xóm làng. Tự bản thân Hòa thượng noi gương chư Tổ tấn tu đạo hạnh, nghiêm trì giới đức làm gương cho hậu thế”.

Với nhiều công lao đóng góp cho đạo và đời, Đức Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch, Pháp chủ GHPGVN, nguyên Trưởng Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội, trụ trì Tùng Lâm Quán Sứ, Tổ đình Bồ Đề, Tổ đình Cao Đà đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập Hạng nhất, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân. Thành phố Hà Nội cũng đã tặng ngài Huy hiệu Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô. Ngoài ra, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn được nhiều bộ, ngành Trung ương và địa phương ghi nhận qua các bằng khen khác.

Công đức hóa duyên viên mãn, Đức Đệ nhị Pháp chủ GHPGVN đã viên tịch vào hồi 14 giờ 30 phút ngày 6/3/2005 (nhằm 26 tháng Giêng năm Ất Dậu), trụ thế 91 năm, trì đại giới 66 năm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm