Theo dõi Báo Thanh tra trên
TS. Ngô Quốc Đông
Thứ bảy, 06/11/2021 - 11:33
(Thanh tra) - Trong quá khứ, nhiệm vụ trọng tâm Đảng lãnh đạo quần chúng nhân dân là chống ngoại xâm, giành độc lập cho Tổ quốc thì sau đổi mới là bảo vệ đất nước và phát triển kinh tế. Do đó, cách thức đặt vấn đề nguồn lực tôn giáo cũng đã khác trước.
Ảnh minh họa: TTXVN
Trước đây, chính sách của Đảng và Nhà nước chú trọng phát triển nguồn lực tôn giáo ở góc độ đoàn kết, tạo sức mạnh chính trị, chống ngoại xâm và các âm mưu chia rẽ của các thế lực thù địch. Từ sau đổi mới[1], quan niệm nguồn lực tôn giáo cần phải được nhìn rộng hơn, không chỉ dừng ở việc phát huy vai trò chức sắc tôn giáo, không chỉ gói gọn ở việc đại đoàn kết, cần phải nhận diện lại nguồn lực tôn giáo. Về việc này chúng ta đã có những cơ sở lý luận và thực tiễn sau đây:
Cơ sở lý luận: Trong tiến trình nhận thức của Đảng ta về tôn giáo, có thể nói Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới đã mở ra bước ngoặt lịch sử về sự đổi mới chính sách tôn giáo ở Việt Nam.
Có 3 luận điểm cơ bản của Nghị quyết 24-NQ/TW cho đến nay vẫn là kim chỉ nam cho công tác tôn giáo là: (1) Tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; (2) Tôn giáo còn tồn tại lâu dài trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; (3) Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới.
Những luận điểm trên đã tạo ra những tiền đề nhận thức cơ bản để xây dựng một hệ thống chính sách tôn giáo hợp với điều kiện Việt Nam, nhằm phát huy những nguồn lực của tôn giáo trong xây dựng xã hội.
Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được và những nhược điểm cần khắc phục của thời gian thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW và Cương lĩnh 1991, cũng như một số văn kiện khác, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã tổ chức Hội nghị lần thứ 7 nhằm tập trung bàn về công tác tôn giáo. Hội nghị đã ban hành Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 12/3/2003. Đây là lần đầu tiên Đảng có một nghị quyết riêng về tôn giáo.
Nhìn chung, từ khi thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW đến nay, nhất là từ khi thực hiện quản lý hoạt động tôn giáo bằng Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo (2016), các tổ chức tôn giáo được cấp đăng ký hoạt động và công nhận tổ chức, hoạt động tôn giáo từng bước đi vào nề nếp, ổn định và tuân thủ pháp luật tốt hơn. Các tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng và đổi mới quê hương, đất nước.
Tiếp đó, ngày ngày 10/01/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 18-CT/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới. Nội dung của chỉ thị không chỉ tiếp tục khẳng định giá trị các quan điểm của Đảng về công tác tôn giáo trong Nghị quyết 25-NQ/TW mà còn nâng lên một bước nhận thức về giá trị của tôn giáo là: Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước.
Với quan điểm này, Đảng ta đã chỉ rõ hai vấn đề cần quan tâm/nhận thức thấu đáo hơn trong cùng một chủ thể là: Giá trị văn hóa, đạo đức của tôn giáo, và nguồn lực của tôn giáo trong xây dựng đất nước.
Đặc biệt trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng cộng sản Việt Nam đã chính thức khẳng định việc tôn giáo là một nguồn lực cần phát huy. Cụ thể, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam, Đảng ta nêu rõ: “Phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng. Phê phán và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín, dị đoan”[2].
Đối với nhiệm vụ, giải pháp thực hiện về công tác tôn giáo, Đảng ta khẳng định: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”[3].
Về mặt thực thi chính sách pháp luật trong việc phát huy nguồn lực tôn giáo trước hết phải kể đến Nghị định 26/1999/NĐ-CP ngày 19/4/1999 về các hoạt động tôn giáo. Tại đó quy định: “Những hoạt động tôn giáo vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân được khuyến khích” (Điều 4); “Chức sắc, nhà tu hành tôn giáo được hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội như mọi công dân khác”; “Chức sắc, nhà tu hành và tổ chức tôn giáo hoạt động từ thiện theo quy định của Nhà nước. Các cơ sở từ thiện do chức sắc, nhà tu hành và tổ chức tôn giáo bảo trợ hoạt động theo sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng của Nhà nước” (Điều 17)[4].
Đến Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo cũng dừng ở quy định: “Tôn trọng giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo” (Điều 5). Điều 33, quy định: “1. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức tôn giáo tham gia nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ cơ sở chăm sóc sức khỏe người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần; hỗ trợ phát triển các cơ sở giáo dục mầm non và tham gia các hoạt động khác vì mục đích từ thiện nhân đạo phù hợp với hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và quy định của pháp luật. 2. Chức sắc, nhà tu hành với tư cách công dân được Nhà nước khuyến khích tổ chức hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo theo quy định của pháp luật”[5].
Cơ sở thực tiễn: Các tôn giáo phát triển mạnh về số lượng tín đồ, chiếm một tỷ trọng không nhỏ trong thành phần dân cư với khoảng 25 triệu người và khoảng 27% dân số toàn quốc. Đồng thời, các tôn giáo tích cực đóng góp cho sự phát triển của đời sống xã hội.
Những năm qua, các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động xã hội hóa về y tế, giáo dục và từ thiện nhân đạo theo hai hình thức chủ yếu: Hoạt động thường xuyên và hoạt động không thường xuyên.
Qua số liệu và tình hình hoạt động của các cơ sở y tế, giáo dục và từ thiện nhân đạo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Công giáo Việt Nam và Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam cho thấy sự đóng góp đáng kể của các tổ chức tôn giáo góp phần vào công tác an sinh xã hội, giảm gánh nặng cho Nhà nước.
Từ năm 2003 đến 2016, Phật giáo cả nước có 126 Tuệ Tĩnh đường, 115 phòng thuốc chẩn trị y học hoạt động ổn định; Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam hiện có 206 hội quán và cũng là 206 phòng thuốc Nam phước thiện.
Thông tin từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, con số ước tính năm 2003, Phật giáo cả nước có khoảng 1.500 lớp học tình thương và hiện nay con số này còn khoảng 1.000 lớp với trên 20.000 em. Cả nước hiện có hơn 300 cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội do tổ chức tôn giáo thành lập, nuôi dưỡng khoảng 11 ngàn đối tượng.
Các tổ chức tôn giáo còn tích cực tham gia giải quyết nhiều vấn đề xã hội như: Thành lập các trung tâm tư vấn, cơ sở nuôi người nhiễm HIV/AIDS; vận động tài chính, vật phẩm cứu trợ đồng bào bị thiên tai, ủng hộ xây dựng nhà tình nghĩa, trợ cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, xây dựng đường sá, bắc cầu; hưởng ứng các phong trào đền ơn đáp nghĩa như xây dựng nhà tình nghĩa, ủng hộ các chiến sĩ biên phòng, hải đảo, thăm hỏi và động viên hỗ trợ các thương binh, bệnh binh, bệnh nhân nghèo khó khăn...[6].
Với Giáo hội Công giáo trên cả nước, có khoảng 1.500 cơ sở nhà trẻ, mẫu giáo, gần 50 lớp tình thương; có 52 cơ sở dạy nghề do các cá nhân tôn giáo thành lập[7]. Các cơ sở giáo dục mầm non và dạy nghề các tổ chức Công giáo thành lập cơ bản đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Nhiều cơ sở Công giáo cũng xây dựng quỹ học bổng thường xuyên để hỗ trợ sách, vở, xe đạp, học bổng cho các học sinh.
Theo thống kê của Hội đồng Giám mục Việt Nam, tính đến hết 2015 trên 26 giáo phận Công giáo cả nước có 142 trạm xá, cơ sở chữa bệnh[8]. Nhiều phòng khám từ thiện do các linh mục, dòng tu, giáo dân khởi xướng hoạt động hiệu quả, đóng góp lớn vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các chức sắc, tín đồ Công giáo đã tích cực tham gia các hoạt động cứu trợ, hỗ trợ. Các cơ sở bảo trợ xã hội, tôn giáo được tổ chức đa dạng, tiếp nhận nhiều nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện xã hội hóa công tác trợ giúp xã hội, công tác nhân đạo đối với những đối tượng yếu thế. Kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội được huy động từ cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước; góp phần chia sẻ với Nhà nước trong việc chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội; đạt được đồng thuận của cộng đồng, xã hội trong hoạt động bảo trợ xã hội.
Cụ thể, Công giáo hiện có 24 cơ sở hoạt động từ thiện xã hội trong các lĩnh vực, như: Tâm thần, trại phong, người nhiễm HIV, ma túy; 211 trung tâm khuyết tật, dưỡng lão; 163 trung tâm di dân cho sinh viên, gia đình; 11 cơ sở sinh hoạt nghệ thuật hoạt động từ thiện cho những người nghèo, kém may mắn trong xã hội[9].
Bên cạnh những đóng góp tích cực trong hoạt động tham gia xã hội hóa về giáo dục, y tế và các hoạt động từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội, các tổ chức tôn giáo có xu hướng tham gia vào đời sống chính trị sâu rộng hơn, bao gồm cử đại diện tham gia Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên[10].
Nhìn lại việc phát huy nguồn lực tôn giáo trong thời kỳ sau đổi mới chúng ta có thể thể rút ra mấy đặc điểm sau:
Thứ nhất, việc nhận thức về nguồn lực tôn giáo và phát huy nguồn lực tôn giáo đã được mở rộng ra qua việc khẳng định và nhìn nhận các giá trị khác của tôn giáo. Trong đó Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh đến giá trị văn hóa, đạo đức của tôn giáo. Điều này được khẳng định từ Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị và cụ thể hóa hơn trong Nghị quyết 25-NQ/TW. Đến Chỉ thị số 18-CT/TW, Đảng nêu rõ cụm từ “phát huy nguồn lực tôn giáo”.
Thứ hai, so với thời kỳ trước đó, nguồn lực tôn giáo được huy động chủ yếu từ góc độ phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, tức chú trọng phát huy sức mạnh tôn giáo vào góc độ chính trị. Giai đoạn từ đổi mới đến nay, việc phát huy nguồn lực tôn giáo vào lĩnh vực này vẫn được chú trọng và phát triển, với cách thức và nội dung mới[11]. Tuy nhiên, có điểm mới so với trước đó là việc phát huy nguồn lực tôn giáo đã mở sang các lĩnh vực dân sự. Thấy rõ điều này qua sự tham gia của các tổ chức tôn giáo vào các vấn đề như y tế, giáo dục và từ thiện xã hội. Điều đó cũng có nghĩa là nguồn lực tôn giáo vẫn đang tham gia tích cực vào việc bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế, xã hội cho đất nước.
Thứ ba, với cách đặt vấn đề phát huy nguồn lực tôn giáo trong lĩnh vực văn hóa, đạo đức, nguồn lực tôn giáo đã được mở rộng ra các giá trị luân lý, nhân bản của tôn giáo. Đây là những giá trị có thể sử dụng, phát huy để ngăn ngừa những mặt trái của xã hội hiện đại và cơ chế thị trường, nhằm xây dựng những cộng đồng xã hội tốt và tích cực. Mặt khác, với cách tiếp cận, chỉ đạo từ góc độ văn hóa, các di sản văn hóa của tôn giáo đã được chú trọng và phát huy. Điều này thể hiện rõ qua việc trùng tu, tôn tạo công nhận các di sản văn hóa tôn giáo. Tiếp đó là việc xây dựng mới các cơ sở tôn giáo phát triển mạnh trong thời gian từ đổi mới đến nay[12]. Điều này vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, vừa khai thác thế mạnh du lịch, di sản tôn giáo.
Thứ tư, việc phát huy nguồn lực tôn giáo không chỉ dựa trên các mối quan hệ cá nhân giữa chức trách nhà nước và những người đứng đầu tổ chức tôn giáo như giai đoạn trước đó. Song song với cách thức đó, việc phát triển nguồn lực tôn giáo thời kỳ này được điều chỉnh bằng luật, hướng đến sự bình đẳng tôn giáo, bảo đảm quyền của con người trong lĩnh vực tôn giáo.
Sở dĩ có những đặc điểm trên là vì:
1. Cách nhìn nhận tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta đã cởi mở, khắc phục cách nhìn nhận phiến diện khi mà trước khi Đổi mới thường chú trọng vào ý thức luận vô thần, hữu thần, chú trọng vào khía cạnh chính trị, tức là lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch để chống phá cách mạng Việt Nam hoặc có định kiến với một bộ phận chức sắc, tín đồ vì những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau hợp tác với thế lực thực dân, đế quốc đi ngược lại lợi ích dân tộc. Cách nhìn nhận cởi mở còn thể hiện, nếu trước đổi mới, dưới góc độ văn hoá thường nhìn tôn giáo nặng về khía cạnh mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh thì nay thay bằng việc khẳng định: “Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”, “phát huy giá trị văn hoá, đạo đức của các tôn giáo”, “phát huy nguồn lực tôn giáo cho sự phát triển đất nước”…
2. Các chính sách, luật pháp với tôn giáo ngày càng được hoàn thiện hơn, ngày càng bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân, làm cho đại bộ phận quần chúng tín đồ các tôn giáo tin tưởng vào đường lối chính sách tôn giáo của Đảng. Đồng thời, các chính sách, luật pháp tôn giáo cũng được xây dựng trong sự chú trọng tới quyền con người và tương ứng với các luật pháp và công ước quốc tế về lĩnh vực này.
3. Bản thân các cá nhân và tổ chức tôn giáo đã tranh thủ những điều kiện thuận lợi từ chính sách đổi mới toàn diện của Đảng để phát triển, tạo ra một diện mạo mới cả về vật chất và tinh thần của chính các tổ chức tôn giáo. Khi đó, ngoài những thách thức của đời sống thế tục, các tổ chức tôn giáo cũng tạo ra những giá trị và sức mạnh nội lực với cách thức hiện diện, biểu lộ niềm tin, tạo ra những đóng góp tích cực cho đời sống xã hội. Những đóng góp tích từ các nguồn lực tôn giáo trên một số lĩnh vực tiêu biểu được Nhà nước ghi nhận và ủng hộ.
--------------------------------------------------
[1] . Đổi mới được hiểu là một thời kỳ, với sự đổi mới nhận thức toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội… từ đó dẫn đến đổi mới chính sách, luật pháp trên các lĩnh vực, nhằm đưa Việt Nam thoát ra khỏi thời kỳ khủng hoảng. Việc này được khởi đầu từ Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VI năm 1986. Riêng về đổi mới nhận thức về tôn giáo được lấy mốc từ Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 16/10/1990.
[2] . Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nhà xuất bản (NXB) Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.144.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.171.
[4] . Dẫn theo Bùi Thanh Hà (2018), Định hướng và phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển đất nước. Tham luận tại Tọa đàm khoa học “Phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển đất nước hiện nay”, do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức ngày 2/11.
[5] . Dẫn theo Bùi Thanh Hà (2018), Định hướng và phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển đất nước. Tham luận tại Tọa đàm khoa học “Phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển đất nước hiện nay”, do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức ngày 2/11.
[6] . Những thông tin số liệu trong phần này được chúng tôi lấy tham khảo từ Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 25 NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo .
[7] Hội đồng Giám mục Việt Nam (2016), Giáo hội Công giáo Việt Nam niên giám 2016, NXB Tôn giáo, Hà Nội, tr. 483-484.
[8] Hội đồng Giám mục Việt Nam (2016), Giáo hội Công giáo Việt Nam niên giám 2016, NXB Tôn giáo, Hà Nội, tr. 483.
[9] Hội đồng Giám mục Việt Nam (2016), Giáo hội Công giáo Việt Nam niên giám 2016, NXB Tôn giáo, Hà Nội, tr. 483-484.
[10] Ban Tôn giáo Chính phủ (2016), Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 25- NQ /TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo.
[11] .Số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ năm 2016 cho biết, 8 chức sắc là đại biểu Quốc hội khóa XIII; 14.118 đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2015 là người có đạo; 23.835 chức sắc, tín đồ tôn giáo tham gia Ủy viên, cán bộ công chức Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp…
[12] . Có thể kể đến quần thể chùa Yên Tử, Bái Đính, Tam Chúc…
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau 2 ngày 13-14/12, Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo thành phố bầu ra Ban Chấp hành gồm 9 đồng chí và bầu Nhà báo Nguyễn Anh Tú là Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2024-2029.
Kim Thành
19:37 14/12/2024(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Trần Kiên
19:34 14/12/2024Hương Giang
16:17 14/12/2024Trần Quý
14:00 14/12/2024Bùi Bình
19:37 13/12/2024Trung Hà
16:40 13/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân