Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phần cuối: Tiếp tục đổi mới việc phát huy nguồn lực tôn giáo

TS. Ngô Quốc Đông

Chủ nhật, 07/11/2021 - 07:00

(Thanh tra) - Về mặt quan điểm chỉ đạo của Đảng, cho đến Chỉ thị 18-CT/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới và gần đây là Báo cáo Chính trị tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đều khẳng định “phát huy nguồn lực tôn giáo”.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đó là một bước tiến trong quá trình nhận thức của Đảng ta về giá trị và chức năng của tôn giáo với con người và xã hội. Bởi vậy, để phát huy nguồn lực tôn giáo cần phải có sự thống nhất quan điểm chỉ đạo từ Trung ương xuống địa phương. Cho dù chủ trương có đúng đắn mà ở cấp cơ sở không quán triệt tinh thần, không nhận thức đầy đủ, không phân biệt niềm tin tôn giáo chính đáng với việc niềm tin tôn giáo bị lợi dụng, từ đó đánh đồng và giữ định kiến với tôn giáo thì rất khó phát huy nguồn lực tôn giáo.

Nhận thức về hiện trạng, đặc điểm nguồn lực: Mỗi cá nhân, tổ chức tôn giáo với những đặc điểm về giáo lý, giáo luật, lịch sử hình thành, địa điểm sinh hoạt, môi trường văn hóa khác nhau sẽ tạo ra các nguồn lực khác nhau. Do đó, bản thân cấp ủy Đảng, các cơ quan, ban, ngành liên quan đến công tác tôn giáo như Ban Tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc… từ thực tiễn hoạt động của mình đề ra những thế mạnh về nguồn lực của từng tổ chức tôn giáo, từng địa bàn địa điểm để phát huy.

Để phát huy nguồn lực tôn giáo cũng cần phải hiểu rõ những đặc điểm của nguồn lực này. Nguồn lực tôn giáo luôn được khởi phát từ niềm tin của chính các tôn giáo đó. Nếu như các nguồn lực xã hội thường được xem xét trên hai khía cạnh là nhân lực và vật lực. Nhân lực muốn nhấn mạnh tới con người, trí tuệ, tư duy, cách nghĩ trong các hoạt động sống và kiến tạo xã hội. Còn vật lực chính là các nền tảng vật chất và xã hội do con người đã tích lũy tạo dựng làm cơ sở, đòn bẩy để xây dựng các bước phát triển tiếp theo.

Tuy nhiên, với các tổ chức tôn giáo, ngoài hai yếu tố này thì người ta bàn tới nhân tố niềm tin tôn giáo đã chi phối thúc đẩy như thế nào đối với sự kiến tạo các nguồn lực cũng như hiệu quả tác động xã hội của các nguồn lực. Bởi vậy muốn phát huy được nguồn lực tôn giáo đòi hỏi phải bảo đảm quyền tự do tôn giáo và hiểu được các sức mạnh có tính động lực từ niềm tin tôn giáo.

Mặt khác, điểm mạnh của nguồn lực tôn giáo là nguồn lực có giá trị và sức mạnh về luân lý đạo đức, đề cao dấn thân, phục vụ. Điều này tạo ra hai đặc trưng khác của nguồn lực này khi cung ứng các dịch vụ cho xã hội là: Không đề cao lợi nhuận và chú trọng các giá trị nhân bản.

Mặt khác, cần chú ý nguồn lực tôn giáo có khả năng huy động vốn xã hội mạnh mẽ, bởi các cá nhân và tổ chức tôn giáo có khả năng tạo ra một mạng lưới trên cơ sở những con người có chung một niềm tin, lại cùng thực hành các nguyên lý cơ bản của tôn giáo trong các lĩnh vực này. Hơn nữa, nhiều tổ chức tôn giáo có tính quốc tế nên sự huy động vốn xã hội rất lớn nếu có một cơ chế chính sách tốt để phát huy.

Để phát huy hơn nữa nguồn lực tôn giáo, trong việc nhìn nhận và đánh giá sự tham gia của các tổ chức tôn giáo vào các hoạt động xã hội cũng cần chú ý đặc biệt tới các lĩnh vực mới mà tôn giáo có thể tham gia. Chẳng hạn lĩnh vực tôn giáo với kinh tế hoặc việc tôn giáo có thể tham dự như thế nào vào trong các dịch vụ công. Hiện nay các nguồn lực tôn giáo không chỉ có y tế, giáo dục, từ thiện mà còn nằm ở các không gian văn hóa, vốn di sản mà các tổ chức tôn giáo kiến tạo được nhờ biết huy động vốn xã hội. Những giá trị này ngoài việc đáp ứng các nhu cầu tâm linh còn tạo ra những tiềm năng về du lịch, quảng bá hình ảnh văn hóa và con người Việt Nam ra quốc tế và khu vực. Việc nhìn nhận thêm các nguồn lực mới của tôn giáo có thể phát huy tốt vai trò của tôn giáo trong phát triển kinh tế xã hội, ổn định cộng đồng.

Đổi mới chính sách: Phải thừa nhận rằng chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta đã đổi mới rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, nhìn vào hiện trạng nguồn lực tôn giáo có điểm mạnh ở lĩnh vực y tế, giáo dục và từ thiện xã hội cần phải phát huy hơn nữa để các tôn giáo có thể tham gia vào các dịch vụ công nhiều hơn.

Hiện nay, sự tham gia của các tổ chức này đang rất tốt và đạt những kết quả khả quan và đều được quy định trong các luật chuyên ngành như Luật Y tế, Luật Giáo dục… Trong tương lai, pháp luật về tôn giáo nên chú trọng cải tiến trong lĩnh vực này. Chẳng hạn, sự tham gia của các tổ chức tôn giáo trong lĩnh vực giáo dục nên mở rộng không chỉ ở việc giáo dục mầm non mà còn ở các cấp cao hơn. Ngoài ra, cũng cần có chính sách mở rộng các hệ thống trường nghề mà một số tôn giáo đã làm rất tốt như trường hợp Công giáo. Các giá trị luân lý tôn giáo có thể tạo những điểm mạnh nhất định nếu được tham gia tích cực nhất vào hệ thống y tế và từ thiện nhân đạo.

Trong quá khứ, đã có thời kỳ các tôn giáo đã có những đóng góp tích cực ở các lĩnh vực này. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại để có thể đóng góp tích cực giá trị tôn giáo của mình qua các hoạt động xã hội, bản thân các tổ chức tôn giáo cũng phải không ngừng hoàn thiện các điều kiện để đáp ứng tiêu chuẩn khi tham gia đóng góp vào những lĩnh vực công của Nhà nước.

Kết luận

1. Nguồn lực tôn giáo đã và đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và phát triển đất nước. Trong quá khứ, Đảng Cộng sản Việt Nam, với vai trò đứng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biết khai thác, phát huy nguồn lực tôn giáo, nhất là về mặt nhân sự, con người. Nhờ biết khai thác vận dụng nguồn lực này mà chúng ta đã tạo được sức mạnh đoàn kết của đồng bào các tôn giáo vào phong trào kháng chiến kiến quốc, hạn chế việc lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng, đồng bào các tôn giáo luôn là một bộ phận quan trọng và cần thiết của chiến lược đại đoàn kết dân tộc.

2. Từ khi đổi mới đến nay, nhờ thay đổi nhận thức và chính sách với các tổ chức tôn giáo, Đảng và Nhà nước ta đã phát huy được rất nhiều tiềm lực từ các tổ chức tôn giáo cho công cuộc phát triển đất nước. Các tôn giáo ngày càng được tạo các cơ chế, chính sách để phát triển, qua đó cũng đã tham góp nhiều sức lực của mình vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện xã hội.

3. Hoạt động của các tổ chức tôn giáo trong lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện xã hội là thể hiện những nguyên lý niềm tin của chính các tôn giáo. Đây cũng là một trong những chức năng cơ bản của các tôn giáo trong việc quảng bá chân lý, đức tin trong đời sống thường nhật, làm cho các giá trị tôn giáo hiện diện một cách sống động trong các hoàn cảnh xã hội khác nhau. Những hoạt động xã hội này của các tôn giáo đã tạo ra một hiệu quả mạnh mẽ có đóng góp hữu ích cho xã hội và được nhiều người ghi nhận. Trong tương lai, để phát huy hơn nữa nguồn lực tôn giáo cho sự phát triển, cần quan tâm hơn nữa những đóng góp mới mà các tổ chức tôn giáo có thể mang lại, chẳng hạn các triết lý tôn giáo trong phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên môi trường. Việc tham dự của các tổ chức tôn giáo vào lĩnh vực dịch vụ công…

4. Với những tiềm năng trên, Đảng và Nhà nước nên tạo thêm những điều kiện về cơ chế, chính sách để các tổ chức tôn giáo phát huy được tiềm lực vốn có của các tổ chức tôn giáo, qua đó đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội trong các lĩnh vực, nhất là y tế, giáo dục và từ thiện xã hội.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Hoàng Nam

22:10 22/11/2024
Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm