Theo dõi Báo Thanh tra trên
Trà Vân
Chủ nhật, 07/11/2021 - 13:52
(Thanh tra)- Háo hức, hoan hỷ, tự hào, xúc động là những cảm nhận của chư tôn đức, tăng ni Phật tử cả nước trong Ngày Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) (7/11/1981-7/11/2021).
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa, chúc mừng GHPGVN tại Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập. Ảnh: T.V
Những ngày qua, sư cô Thích Lâm Tường, trụ trì chùa Nội, Đức Long tự, huyện Bình Lục, Hà Nam đang tất tả hoàn thiện ngôi nhà tổ và bao sái tam bảo để đón mừng lễ kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN.
Bà con Phật tử cũng náo nức đến chùa lễ Phật, để nghe sư cô giảng pháp và nói về ý nghĩa sự ra đời của Phật giáo Việt Nam. Với sư cô, sự kiện thành lập Giáo hội là dấu mốc quan trọng để có một GHPGVN thống nhất như bây giờ.
Hôm nay, sư cô dạy từ sáng sớm để chuẩn bị lên Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hà Nam dự lễ kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu của tỉnh.
“Từ xóm dưới làng trên, từ ban trị sự cấp huyện, cấp tỉnh đều trang nghiêm, thành kính tổ chức lễ kỷ niệm theo hình thức trực tuyến. Đúng ngày 7/11/2021, tăng, ni dự đại lễ kỷ niệm tại điểm cầu của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh. Dù tổ chức bằng hình thức nào, tăng, ni Phật tử cũng cảm nhận được niềm vui, niềm tự hào, bao năm mới có một ngày như hôm nay. Kế thừa và phát huy những thành tựu của Giáo hội, những vị tu hành như chúng tôi nguyện đem hết tình yêu thương đến với những hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ họ vươn lên trong cuộc sống. Đó cũng là tinh thần nhập thế của đức Phật”, sư cô Lâm Tường nói.
Vừa tham dự buổi toạ đàm về giáo dục Phật học do Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương tổ chức, Thượng toạ Thích Đạo Hiển, Uỷ viên Hội đồng Trị sự, Phó ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, Chánh Thư ký Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh lại bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị điểm cầu trực tuyến tại Quảng Ninh tham gia Đại lễ Kỷ niệm 40 năm GHPGVN do Giáo hội tổ chức tại Hà Nội.
Thượng toạ chia sẻ: "Là một vị tu hành, tôi cảm thấy tự hào vì sự phát triển của GHPGVN trong 40 năm qua. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, chính quyền các cấp và sự đồng lòng ủng hộ của người dân, nhiều cơ sở giáo dục Phật giáo được đầu tư xây dựng, đáp ứng được yêu cầu giảng day và tu, học của tăng ni sinh. Bởi, đào tạo tăng tài là mạng mạch Phật pháp. Đưa giáo dục Phật giáo lên tầm cao mới phục vụ đắc lực cho việc phát triển hoằng dương chính pháp của Giáo hội. Đồng thời cũng phục vụ xã hội đất nước trong giai đoạn hiện nay. Mở rộng mối liên kết đào tạo không chỉ là của học viện Phật giáo, mà việc kết nối với các trường đào tạo khoa học xã hội nhân văn trong và ngoài nước, từng bước công nhận bằng cấp và chứng chỉ của nhau. Đây là điều rất quan trọng, khẳng định rằng, không chỉ là giáo dục tăng, ni mà là giáo dục Phật giáo".
Với cương vị là Trưởng ban Từ thiện Phật giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Hoà thượng Thích Quảng Tùng nhiều năm qua gắn liền hình ảnh với bà con khắp mọi miền Tổ quốc trong mỗi chuyến thiện nguyện.
Hoà thượng cho biết, Giáo hội luôn có mặt đúng lúc và kịp thời cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt và tham gia tích cực ủng hộ phong trào xóa đói giảm nghèo, chăm sóc các đối tượng người có công với đất nước. Phát quà từ thiện, xây cầu, làm đường, phát xe lăn, hiến máu nhân đạo, quỹ khuyến học, ủng hộ các chiến sĩ, ngư dân biển đảo bám biển Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc... kết quả công tác từ thiện xã hội mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng. S ố liệu tổng kết trong 40 năm qua ước tính khoảng gần 20.000 tỷ đồng. Trong đợt dịch Covid-19, Giáo hội đã ủng hộ gần 280 tỷ đồng phục vụ công tác phòng, chống dịch, mua sắm thiết bị y tế… chưa kể hàng chục ngôi chùa được chọn làm nơi cách ly tập trung; hàng trăm bếp ăn của các ngôi chùa đỏ lửa ngày đêm để kịp phục vụ suất ăn cho bệnh nhân, y, bác sỹ tại các bệnh viện dã chiến.
Vừa làm công tác quản lý Giáo hội, vừa tất bật với công tác chuẩn bị cho Đại lễ 40 năm thành lập GHPGVN, Thượng toạ Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự không giấu nổi niềm vui mừng trước sự kiện trọng đại này.
Nhiều năm gắn liền với công tác đối ngoại, tiếp hàng trăm đoàn đại sự sang thăm và làm việc tại Việt Nam, Thượng toạ Thích Đức Thiện chia sẻ, những đóng góp của công tác đối ngoại tôn giáo là một trong những thành tựu nổi bật của GHPGVN trong 40 năm hình thành và phát triển. Đồng thời, thông qua công tác đối ngoại tôn giáo đã nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, là việc Việt Nam tổ chức thành công 3 đại lễ Vesak (2008; 2014 và 2019) khẳng định vai trò, vị thế của Giáo hội trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam, cũng như sự chủ động, năng lực hội nhập quốc tế.
Phật giáo Việt Nam với tinh thần hộ quốc, an dân, Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN khẳng định, kể từ khi thành lập đến nay với phương châm hành động: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, GHPGVN luôn đồng hành cùng dân tộc.
“Kế thừa tinh hoa Phật giáo gần 2 ngàn năm đồng hành cùng dân tộc, trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tăng ni thể hiện tinh thần: Đại hùng, đại lực, đại từ bi. Đã có nhiều vị tăng, ni cởi áo cà sa khoác chiến bào; Giáo hội đem lại lợi ích to lớn, gắn liền giữa Đạo pháp -Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội. Hiện Giáo hội đã xây dựng một số chùa ở đảo Trường Sa… Trường Sa của Việt Nam: Chùa Đảo Trường Sa Lớn, chùa Đảo Song Tử Tây, chùa Đảo Nam Yết, chùa Đảo Sơn Ca, chùa Đảo Phan Vinh, chùa Đảo Sinh Tồn, chùa Đảo Đá Tây A, chùa Đảo Trường Sa Đông, chùa Đảo Sinh Tồn Đông”, Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu chia sẻ.
Ở vào tuổi xưa nay hiếm, Trưởng lão Hoà thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN, đã chứng kiến sự hình thành, phát triển của GHPGVN qua nhiều giai đoạn lịch sử.
“Tinh thần nhập thế của GHPGVN được thể hiện xuyên suốt trong chặng đường lịch sử 40 năm. GHPGVN đã có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp vào thành tựu chung của đất nước như khôi phục nhiều di sản văn hóa của dân tộc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng đời sống văn hóa tâm linh lành mạnh song hành với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Trưởng lão Hoà thượng Thích Trí Quảng nói.
Trong diễn văn kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN, Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN nhấn mạnh: Trong 40 năm qua (1981 - 2021), GHPGVN đã không ngừng lớn mạnh về hệ thống tổ chức từ Trung ương đến các địa phương, về chủ trương hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc, phát triển hệ thống giáo dục Phật giáo, đào tạo tăng tài, xiển dương chân lý, hoằng pháp lợi sinh hướng dẫn đồng bào Phật tử, phát huy bản sắc văn hóa Phật giáo trong việc giữ gìn các di sản văn hóa Việt Nam…
40 năm - một chặng đường phát triển. Chặng đường phía trước còn dài, GHPGVN không phụ lòng tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân, nguyện đem sức mình phục vụ chính pháp, lợi lạc quần sinh, giúp Phật tử nhận thức đúng, hiểu sâu về chân lý Phật, pháp, nhằm xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, phồn vinh.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Việt Nam được Liên hiệp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
T.Thanh
13:44 12/12/2024(Thanh tra) - Ngày 12/12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết đang theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh “bí ẩn” khiến nhiều người mắc và tử vong ở Congo, trường hợp có diễn biến mới sẽ đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp.
Phương Anh
13:28 12/12/2024Hải Hà
12:08 12/12/2024Trần Lê
10:32 12/12/2024Thu Nga
21:26 11/12/2024Trần Kiên
20:41 11/12/2024Trần Quý
Ngọc Phó
Hải Hà
TK
T.Thanh
Phương Anh
Cảnh Nhật
Văn Thanh
Bùi Bình
Hải Hà
Văn Thanh
Bùi Bình