Theo dõi Báo Thanh tra trên
Trà Vân
Thứ bảy, 06/11/2021 - 11:20
(Thanh tra) - Nhắc đến Thiền sư Pháp Loa, tăng, ni Phật tử cả nước luôn xem ngài là một tấm gương sáng cho tăng sĩ Việt Nam, tiếp bước Điều Ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông, suốt một cuộc đời hành đạo và hóa đạo không mệt mỏi.
Khu Danh thắng Yên Tử, nơi phát tích dòng Thiền Trúc Lâm, do Phật hoàng Trần Nhân Tông khởi xướng. Ảnh: Trà Vân
Kế thừa phát triển dòng Thiền Trúc Lâm
Thiền sư Pháp Loa, Tổ thứ hai Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, tên thật là Đồng Kiên Cương, sinh ngày mùng 7 tháng 5 năm Thiệu Bảo thứ 6 (1284), quê làng Cửu La, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Năm 21 tuổi, ngài gặp Điều Ngự Giác hoàng xin xuất gia.
Ngài hầu hạ bên cạnh Điều Ngự và được lập nguyện tu hạnh đầu đà.
Đến niên hiệu Hưng Long thứ 13 (1305), Điều Ngự đưa ngài lên liêu Kỳ Lân cho thọ giới Tỳ kheo và giới Bồ tát.
Thấy chỗ tham học của ngài đã thành đạt, Điều Ngự ban hiệu Pháp Loa.
Năm Hưng Long thứ 15, ngài 24 tuổi. Bấy giờ Điều Ngự trụ ở am Thiên Bảo quan vì ngài giảng Đại huệ Ngữ lục.
Đến tháng 5, Điều Ngự lên ở am trên đảnh Ngọa Vân phong (chùa Ngoạ Vân, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh bây giờ). Ngày rằm làm lễ Bố tát, sám hối tụng giới xong, Điều Ngự bảo mọi người xuống, lấy y bát và viết tâm kệ trao cho ngài dạy khéo gìn giữ.
Ngày mùng một tháng Giêng năm Hưng Long thứ 16 (1308), ngài vâng lệnh Điều Ngự làm lễ nối pháp trụ trì tại nhà Cam lồ chùa Siêu Loại (hay còn gọi là chùa Báo Ân, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh). Khai lễ có vua Anh Tông và đình thần đến dự. Điều Ngự lên đàn thuyết pháp rồi nhường chỗ cho ngài giảng đạo. Lễ xong, Điều Ngự đặt ngài kế thế trụ trì chùa Báo Ân và làm chủ sơn môn Yên Tử, là đời thứ hai của phái Trúc Lâm.
Tháng 11 năm 1308, Điều Ngự tịch, ngài phụng mạng cung nghinh xá lợi về Kinh đô Thăng Long (Thủ đô Hà Nội, bây giờ). Trở về núi, ngài soạn lại những bài tụng của Điều Ngự làm thành quyển Thạch thất Mị ngữ.
Năm Hưng Long thứ 19 (1311), ngài phụng chiếu tiếp tục khắc bản Đại tạng kinh, giao Thiền sư Bảo Sát làm chủ việc này.
Tháng 9 năm Hưng Long thứ 21 (1313), ngài phụng chiếu đến chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng, Bắc Giang định chức cho tăng đồ. Chúng tăng từ đây mới có sổ bộ. Về sau cứ ba năm một lần độ tăng như thế.
Tháng 2, năm Đại Khánh thứ 4 (1317) đời Trần Minh Tông, ngài bệnh nặng. Bấy giờ ngài đem y của Điều Ngự và viết tâm kệ trao lại cho Thiền sư Huyền Quang. Đồng thời, pháp khí và gậy trao cho Cảnh Ngung, Phật tử trao cho Cảnh Huy, gậy tre trao cho Huệ Quán, pháp thơ và pháp cụ trao cho Huệ Nhiên, linh vàng trao cho Hải Ấn, sử vàng trao cho Huệ Chúc. Sau ít hôm, bệnh được lành.
Năm đầu Khai Hựu (1329), đời Trần Hiến Tông, ngài mở thêm cảnh Côn Sơn và Thanh Mai Sơn (thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, bây giờ) làm thành danh lam thắng cảnh.
Ngày mùng 5 tháng 2, năm Khai Hựu thứ 2 (1330), ngài phát bệnh trong hội giảng kinh Hoa Nghiêm tại An Lạc tàng viện.
Đến ngày 11 tháng 3, bệnh trở nặng và ngài viên tịch, trụ thế 47 tuổi.
Tổ Pháp Loa xuất thế với một phát tích kỳ đặc, kết duyên với Phật giáo Việt Nam, kế thừa và phát triển dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, mở ra trang sử Phật sáng chói với một Giáo hội trang nghiêm, tăng già hòa hợp và một nền văn hóa Phật giáo vươn lên đến đỉnh cao nhất thời bấy giờ.
Thời kỳ rực rỡ của Phật giáo thời Trần
Phật giáo đời Trần bắt đầu mở ra một thời kỳ phát triển rộng khắp kể từ khi Giáo hội Trúc Lâm Yên Tử có được cánh tay hỗ trợ đắc lực của ngài. Có thể nói, ngoài việc nối dõi dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử do Điều Ngự ủy thác, ngài còn hoàn thành xuất sắc các công tác Phật sự quan trọng như: Tổ chức Giáo hội, in ấn Đại tạng kinh Việt Nam, tiếp độ hàng ngàn tăng chúng, thuyết pháp độ sinh…
Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông dốc toàn tâm lực để xây dựng cơ sở vững chãi cho một nền Phật giáo thống nhất và nhập thế tại Việt Nam.
Vua Trần Anh Tông (1293 - 1314) cung kính vâng theo di chúc của vua cha Trần Nhân Tông, đối với Pháp Loa luôn tự xưng là đệ tử, hết lòng ủng hộ việc hành đạo của Pháp Loa.
Trong thời kỳ Pháp Loa đứng đầu giáo hội, Phật giáo đã phát triển mạnh mẽ. Đây là thời kỳ mà số người xuất gia rất đông.
Theo Văn bia tháp Viên Thông cũng như Tam Tổ thực lục vào tháng 9 năm Quý Sửu (1313), Pháp Loa đã đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang (còn gọi là chùa Đức La, hiện ở xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), quy định chức vụ sư tăng trong cả nước và bổ nhiệm hơn 100 ngôi chùa.
Từ đó, tất cả các tăng nhân đều có sổ và thuộc quyền quản trị của Pháp Loa. Như vậy, Pháp Loa đã tiến một bước trong việc tổ chức giáo hội thống nhất.
Có thể nói rằng, chùa Vĩnh Nghiêm đã trở thành trụ sở Trung ương Giáo hội Trúc Lâm, chứa đủ hồ sơ của tăng ni cả nước. Bấy giờ Pháp Loa độ cho hơn một nghìn người làm sư. Pháp Loa cũng quy định, từ nay cứ 3 năm độ tăng một lần, mỗi lần độ không dưới một nghìn người. Tính đến năm 1329, Pháp Loa đã độ được hơn 1.500 vị tăng, ni.
Dưới thời Pháp Loa, lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm, nhiều chùa tháp đã được xây dựng. Bản thân Pháp Loa, tính đến năm 1329, đã xây dựng hai khu chùa lớn là Báo Ân và Quỳnh Lâm (Đông Triều, Quảng Ninh), 5 ngọn tháp và 200 tăng đường.
Riêng ở chùa Báo Ân, năm 1314, Pháp Loa đã cho xây 33 cơ sở, gồm Phật điện, gác chứa Kinh và tăng đường.
Pháp Loa còn xây dựng các am như: Hồ Thiên, Chân Lạc, An Mã, Vĩnh Khê, Hạc Lai và mở rộng các khu chùa Thanh Mai và Côn Sơn. Các đồ đệ của Pháp Loa cũng cho xây dựng chùa tháp ở nhiều nơi.
Pháp Loa cũng đã đúc tới 1.300 tượng Phật lớn nhỏ bằng đồng.
Trong thời gian Pháp Loa đứng đầu Giáo hội Trúc Lâm, số lượng tự viện trong cả nước tăng lên rất nhiều, phong trào học Phật đạo lan rộng.
Có thể nói, ngoài việc dựng chùa tô tượng, một hoạt động quan trọng của Pháp Loa là mở các hội giảng kinh và in ấn các tài liệu Phật học.
Trong thời kỳ đứng đầu Giáo hội Trúc Lâm, Pháp Loa rất chú trọng việc giảng dạy kinh điển Phật giáo. Ngoài sự giảng dạy các kinh phổ thông (như: Kim Cương, Lăng Nghiêm, Viên Giác và các bộ lục như Tuyết Đậu ngữ lục, Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục, Đại Tuệ ngữ lục), Pháp Loa còn giảng các kinh: Niết Bàn, Lăng Già, Pháp Hoa và nhất là Hoa Nghiêm.
Có thể nói, đời Pháp Loa là đời một vị chân tu với nhiều hoạt động cho đạo và đời.
Lịch sử Phật giáo Việt Nam mãi mãi ghi nhận Pháp Loa như là một thiền sư vừa uyên thâm về giáo lý đạo Thiền, vừa có tài tổ chức các hoạt động của Phật giáo trong nước thời bấy giờ.
Đúng như câu thơ của vua Trần Minh Tông viếng Pháp Loa, khi đến thăm chùa Thanh Mai: “Thóa thủ trần hoàn dĩ liễu duyên/Giác Hoàng kim lũ đắc nhân truyền”. Nghĩa là: Phủi tay thế là xong duyên nghiệp cõi trần/Sợi tơ vàng, cũng như “Kim thằng” (tượng trưng cho Đạo Phật) của Đức Giác hoàng (Phật, ở đây chỉ vua Trần Nhân Tông) đã tìm được người truyền lại.
Có thể nói, Thiền sư Pháp Loa vẫn còn sống mãi trong dòng Thiền Trúc Lâm Việt Nam.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị “Phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Hội và nâng cao chất lượng tham mưu trong công tác văn phòng Hội Nhà báo khu vực phía Bắc”.
Phương Anh
21:55 22/11/2024(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.
N. Phê - L. Bình
13:19 22/11/2024Vũ Linh
12:37 22/11/2024Phương Anh
12:37 22/11/2024Lê Hữu Chính
08:59 22/11/2024Thái Hải
21:03 21/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương