Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Long An: Lấy ý kiến đóng góp Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và Luật Tư pháp người chưa thành niên

Thu Huyền

Thứ ba, 24/09/2024 - 19:31

(Thanh tra) - Chiều ngày 24/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Long An tổ chức lấy ý kiến đối với 2 dự án luật: Luật Công chứng (sửa đổi) và Luật Tư pháp người chưa thành niên. Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Long An Lê Thị Song An chủ trì hội nghị.

Long An lấy ý kiến đóng góp Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và Luật Tư pháp người chưa thành niên. Ảnh: Anh Tuấn

Sau Kỳ họp thứ 7, trên tinh thần tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Ban Soạn thảo luật đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục chỉnh lý các nội dung còn bất cập, khắc phục những vướng mắc của thực tiễn.

Đối với Luật Tư pháp người chưa thành niên dự kiến trình tại Kỳ họp thứ 8 gồm 173 điều. Một số nội dung lớn được Ban Soạn thảo tiếp thu sau Kỳ họp thứ 7 như:

Về phạm vi điều chỉnh của luật; về cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng Quốc gia về tư pháp người chưa thành niên; về biện pháp giáo dục tại Trường Giáo dưỡng; các trường hợp không được áp dụng xử lý chuyển hướng; thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; các hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội; về sự tham gia của người làm công tác xã hội trong hoạt động tố tụng hình sự.

Các đại biểu dự hội nghị cho ý kiến tập trung vào một số nội dung để Đoàn ĐBQH tổng hợp báo cáo Quốc hội. Cụ thể, đóng góp Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), đại biểu cho ý kiến về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng, công chứng điện tử, cơ sở dữ liệu công chứng, lưu trữ hồ sơ công chứng…

Đối với Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, đại biểu phân tích một số nội dung còn ý kiến chưa thống nhất liên quan đến tù có thời hạn, tổng hợp hình phạt trong trường hợp người chưa thành niên phạm nhiều tội, quy định về điều kiện cơ sở vật chất của trại giam; đồng thời đóng góp về các trường hợp không được áp dụng xử lý chuyển hướng, biện pháp giáo dục tại Trường giáo dưỡng, quy định về áp dụng pháp luật, bồi thường thiệt hại…

Đối với Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương 78 điều, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Một số nội dung lớn được Ban Soạn thảo tiếp thu sau Kỳ họp thứ 7 như: Bỏ quy định Sở Tư pháp có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp miễn nhiệm công chứng viên khi công chứng viên đã quá 70 tuổi mà không đề nghị được miễn nhiệm; bổ sung các quy định kiểm soát chặt chẽ và nâng cao tiêu chí bổ nhiệm công chứng viên song song với việc tăng cường cải cách thủ tục hành chính.

Quy định chặt chẽ về việc đăng ký thành lập và hoạt động của văn phòng công chứng, việc hợp danh trong căn phòng công chứng để hạn chế tình trạng hợp danh hình thức, gây sự mất ổn định trong hoạt động hành nghề công chứng; tăng cường tính minh bạch, khả thi trong thủ tục công chứng, bảo đảm thống nhất với Bộ luật Dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan; thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động công chứng, xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng, bổ sung quy định về công chứng điện tử…

Đồng thời, các nội dung của dự thảo luật đã được rà soát nhằm bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật, nhất là các luật có liên quan trực tiếp như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực.

Các ý kiến đóng góp sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, ghi nhận, tổng hợp, chuyển cơ quan soạn thảo xem xét, trình tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, dự kiến khai mạc vào ngày 21/10/2024.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm