Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 06/04/2021 - 06:40
(Thanh tra) - Tại kỳ họp 11 - kỳ họp cuối của nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội đã tín nhiệm bầu ông Vương Đình Huệ giữ chức Chủ tịch Quốc hội; ông Nguyễn Xuân Phúc giữ chức Chủ tịch nước; ông Phạm Minh Chính giữ chức Thủ tướng Chính phủ. Rất nhiều kỳ vọng được các đại biểu Quốc hội gửi gắm đến 3 nhà lãnh đạo cao nhất của Nhà nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bên hành lang Quốc hội, kỳ họp 11. Ảnh: Trí Dũng
Nhiều lợi thế
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nhìn nhận, từ Cách mạng Tháng Tám tới nay, đây là lần đầu tiên một người từng giữ chức Thủ tướng Chính phủ được bầu làm Chủ tịch nước.
Theo ông Vân, tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có nhiều lợi thế khi đảm nhiệm trọng trách mới.
“Từ vai trò người đứng đầu cơ quan hành chính cao nhất của đất nước, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Phúc đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong quản lý điều hành, đó là tầm nhìn chính sách, tư duy chiến lược về chính sách”, vị đại biểu đoàn Cà Mau nói.
Không chỉ có chức năng, nhiệm vụ về đối nội, đối ngoại, thống lĩnh các lực lượng vũ trang, Chủ tịch nước còn có vai trò quan trọng trong cải cách tư pháp.
Ông Lê Thanh Vân phân tích, tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từng có thời gian làm Phó Tổng Thanh tra; Phó Thủ tướng phụ trách nhiều lĩnh vực trong đó có nội chính, sau đó đứng đầu Chính phủ nên rất am hiểu hệ thống tư pháp.
“Tân Chủ tịch nước sẽ nhận diện ra những mặt tích cực, hạn chế của hệ thống để có những đóng góp tích cực cùng với Quốc hội nâng cao vai trò của hệ thống tư pháp có chất lượng, hoạt động hiệu quả hơn”, đại biểu Quốc hội đoàn Cà Mau nhấn mạnh.
Phó Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng (đại biểu Quốc hội đoàn Bến Tre) cũng nhìn nhận, người từng giữ chức Thủ tướng được bầu làm Chủ tịch nước sẽ có nhiều lợi thế.
Theo ông Nhưỡng, hiện nước ta đang thực hiện 3 cải cách lớn, trong đó, ông Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp tham gia 2 cuộc cải cách về lập pháp và hành chính. Còn cải cách tư pháp, khi còn là Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc tham gia với tư cách Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương nên rất hiểu.
“Tôi rất kỳ vọng vào tinh thần đột phá, đổi mới của tân Chủ tịch nước. Bởi ông từng là người đột phá, khơi dậy khát vọng phát triển kinh tế thì đương nhiên sẽ là người thấm nhuần quan điểm tư pháp chính là hộ vệ cho kinh tế”, Phó Ban Dân nguyện bày tỏ.
Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (đoàn Thừa Thiên Huế) đánh giá, ông Nguyễn Xuân Phúc là người trưởng thành từ cơ sở, kinh qua nhiều chức vụ từ cấp tỉnh đến cấp bộ, ngành, Phó Thủ tướng, rồi Thủ tướng Chính phủ.
“Phải nói rằng, ông Nguyễn Xuân Phúc là người trách nhiệm, rất có tâm huyết, gần dân, sát dân hơn”, ông Nghĩa nói và tin tưởng, với kinh nghiệm, bản lĩnh trí tuệ, phong cách lãnh đạo của mình, trên cương vị mới, tân Chủ tịch nước sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Hành động quyết liệt
Với tân Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) đánh giáo cao, ông Phạm Minh Chính đặc biệt có tư duy đột phá trong xây dựng Nhà nước, xây dựng tổ chức bộ máy.
“Ở địa phương hay ngành, lĩnh vực mà ông từng lãnh đạo, quản lý đều có sự đột phá và phát triển bền vững với bước đi, cách làm chắc chắn”, đại biểu Sinh nhận xét và dẫn chứng sự đột phá về kinh tế, thể chế chính trị ở Quảng Ninh khi ông Phạm Minh Chính làm Bí thư Tỉnh uỷ.
Đề cập đến nhiệm vụ trước mắt của tân Thủ tướng, ông Sinh đề nghị, cần tiếp tục cải cách thể chế, tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền cho địa phương.
“Bản chất thể chế quản lý Nhà nước đang bộc lộ một số hạn chế, yếu kém. Nhà nước không thể “đồng phục” trong cả tổ chức bộ máy, quản lý kinh tế và phát huy nguồn nhân lực. Vì vậy, vừa qua rất nhiều địa phương đã đề xuất với Chính phủ, Quốc hội xin các chính sách đặc thù. Đây cũng là thách thức chờ tân Thủ tướng xem xét, giải quyết hài hòa”, ông Sinh nói.
Cho rằng tân Thủ tướng nhận nhiệm vụ trong giai đoạn còn nhiều khó khăn, đặc biệt đại dịch Covid-19, song theo Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa, với kinh nghiệm và bản lĩnh, tân Thủ tướng sẽ vượt qua được áp lực này.
Ông kỳ vọng, tân Thủ tướng tiếp tục duy trì thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, là giải quyết dứt điểm “món nợ” hạ tầng giao thông với người dân vùng ĐBSCL.
“Hiện nay, Chính phủ đã bố trí vốn đầu tư trung và dài hạn cho ĐBSCL nhưng còn eo hẹp nên phân kỳ đầu tư cần tính toán. Nếu Thủ tướng điều hành tốt, tôi tin hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL sẽ khởi sắc, kết nối giao thông tốt với TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và cả nước. Như vậy, kinh tế vùng ĐBSCL sẽ phát triển, đời sống người dân sẽ khấm khá hơn”, ông Hòa nhấn mạnh.
Đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) nhìn nhận, tân Thủ tướng là người năng nổ, xông xáo và quyết liệt. Từ đó, ông đặt nhiều kỳ vọng, đặc biệt trong tinh thần cải cách, hạn chế được việc “đưa vào, rút ra” trong ban hành các chính sách.
Ông Giang cũng kỳ vọng Chính phủ sẽ thực hiện mạnh mẽ các kế hoạch, chiến lược, đặc biệt là Nghị quyết 120 cho vùng ĐBSCL, phát triển các mạng lưới đường vành đai ven biển… “Phải làm quyết liệt, dành nguồn lực thì mới có thể vực dậy được vùng ĐBSCL”, đại biểu đoàn Cà Mau nhấn mạnh.
Đáp ứng mong mỏi của nhân dân
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên bày tỏ sự tin tưởng và kỳ vọng lớn khi tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là một chính khách từng kinh qua, nắm giữ nhiều vị trí quan trọng.
“Quá trình công tác, tân Chủ tịch Quốc hội thể hiện là một chuyên gia am hiểu tài chính ngân sách, ngoài ra có kinh nghiệm hoạt động nghị trường, trả lời chất vấn, xây dựng pháp luật”, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nói.
Bà Hải mong tất cả yếu tố đó sẽ tạo nên một Chủ tịch Quốc hội bản lĩnh, dày dặn kinh nghiệm, đưa ra được những thay đổi mang tính chiến lược trong hoạt động của Quốc hội, góp phần đưa đất nước ngày càng phát triển.
Nhấn mạnh ông Vương Đình Huệ có lợi thế của một nhà sư phạm, nhà kinh tế và nhà chính trị từng đứng đầu đơn vị hành chính đặc biệt - Thủ đô Hà Nội, ông Lê Thanh Vân kỳ vọng, Chủ tịch Quốc hội sẽ tạo chuyển biến phong thái làm việc của Quốc hội khóa mới.
Cùng với đó, quan tâm hơn đến lĩnh vực lập pháp. “Tôi hy vọng lĩnh vực lập pháp sẽ có cách tiếp cận mới, ví dụ tiếp cận chương trình làm việc của Quốc hội từng năm và cả nhiệm kỳ như thế nào để khắc phục tình trạng đưa vào rồi lại rút ra các đạo luật, rồi phương thức soạn thảo các đạo luật như thế nào để phù hợp với tính khách quan, không có lợi ích nhóm chi phối”, ông Vân bày tỏ.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế) cho hay, Quốc hội làm việc trên nghị trường theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số. Song, theo ông Sinh, vai trò của người đứng đầu Quốc hội rất quan trọng.
“Đất nước ngày càng phát triển nên yêu cầu, đòi hỏi đặt ra cũng ngày càng cao đối với cả đại biểu Quốc hội và đặc biệt là người đứng đầu Quốc hội”, ông Sinh nói và cho rằng, quan điểm của người đứng đầu Quốc hội có sức thuyết phục sẽ tạo được đồng thuận cao.
Vị đại biểu tỉnh Quảng Trị chia sẻ, “Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao của Nhà nước, quyết sách những vấn đề quan trọng của đất nước mà linh hồn của Quốc hội chính là đại biểu. Tôi kỳ vọng tân Chủ tịch Quốc hội cũng như các đại biểu Quốc hội khóa mới sẽ đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi của nhân dân”.
Ông Lê Thanh Vân cũng nói thêm, điều quan trọng nhất là sự tương tác của Chủ tịch Quốc hội với các đại biểu, cơ quan của Quốc hội, cơ quan truyền thông và cử tri để nắm được tâm nguyện chung, đưa cuộc sống sinh động vào nghị trường, biến Quốc hội thành cơ quan thực sự phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân và cử tri cả nước.
Hương Giang
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều ngày 12/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã tổ chức hội nghị thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Hà Nam. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW.
Chính Bình
21:26 12/12/2024(Thanh tra) - Chiều 12/12, tại buổi làm việc với Bộ Ngoại giao, Chủ tịch nước Lương Cường đã yêu cầu ngành Ngoại giao làm tốt hơn nữa công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy, đào tạo, đánh giá cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18 về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
T.T
21:06 12/12/2024Hương Giang
20:49 12/12/2024Thu Huyền
20:30 12/12/2024Trọng Tài
20:27 12/12/2024Trần Kiên
19:26 12/12/2024Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC