Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kiến nghị thu hút nguồn vốn trong dân để làm 2 siêu dự án giao thông

Hương Giang

Thứ sáu, 04/10/2024 - 13:51

(Thanh tra) - Để có nguồn vốn thực hiện 2 hai siêu dự án là đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa kiến nghị Chính phủ xem xét đề án “thu hút nguồn vốn trong nhân dân”. Còn Chủ tịch Viettel mong có “điểm tựa” khi đầu tư ra nước ngoài.

Kiến nghị thu hút nguồn vốn trong dân để làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh: minh họa

Kiến nghị có “điểm tựa” khi đầu tư ra nước ngoài, xem xét thu hút nguồn vốn trong dân để làm 2 siêu dự án nêu tại cuộc gặp mặt giữa Thường trực Chính phủ với các đại diện doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, ngày 4/10.

Cần “điểm tựa” khi đầu tư ra nước ngoài

Chia sẻ sau chặng đường 18 năm đầu tư, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) cho hay, tập đoàn này đã trở thành nhà đầu tư viễn thông lớn trên thế giới.

Giá trị thương hiệu Viettel theo định giá gần 9 tỷ USD, đứng thứ 17 thế giới và giá trị thương hiệu viễn thông số 1 tại Đông Nam Á.

Theo ông Thắng, Viettel đã đầu tư tại 13 quốc gia với 24 dự án thuộc các lĩnh vực kinh doanh viễn thông, nghiên cứu phát triển, xây lắp, bưu chính với tổng số vốn là 1,5 tỷ USD.

Khi đầu tư ra nước ngoài, Viettel có những thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Vì thế, ông Thẳng bày tỏ rất cần “điểm tựa” khi đầu tư ra nước ngoài, nhất là tại những nước Việt Nam không có sứ quán, bảo hộ đầu tư.

“Cần có chiến lược hoặc nghị quyết về lĩnh vực này để doanh nghiệp tự tin đi ra nước ngoài”, Chủ tịch Viettel kiến nghị nâng cao vai trò ngoại giao kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài qua những chuyến công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, hay những chuyến thăm của lãnh đạo, doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam.

Ông Thắng còn đề nghị giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp đầu đàn, với những thế mạnh tại những vùng, khu vực cụ thể, cùng với các doanh nghiệp khác của Việt Nam tạo hệ sinh thái đầy đủ tại các nước đầu tư.

Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel. Ảnh: N.Bắc

Nhấn mạnh cuộc gặp giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp có ý nghĩa vô cùng lớn, bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn TTC cho hay, từ đầu năm 2024, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời và đúng đắn khi giảm thuế giá trị gia tăng; yêu cầu các ngân hàng thương mại cổ phần điều chỉnh lãi suất cho vay, góp phần tạo điều kiện hỗ trợ cho nền kinh tế.

Để thúc đẩy hơn nữa lưu thông hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế và tạo thặng dư, đóng góp hiệu quả cho ngân sách Nhà nước, bà Ngọc đề xuất, cần có những chính sách “kích cầu tiêu dùng”.

Theo bà Ngọc, một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines lựa chọn chương trình hỗ trợ tiền mặt cho người dân tiêu dùng, hoặc Singapore cung cấp phiếu mua sắm với các chương trình hỗ trợ tài chính tương tự.

“Ở Việt Nam, nên chăng xem xét việc cung cấp phiếu mua sắm - voucher đến người dân, sử dụng trong thời hạn nhất định”, Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn TTC nêu.

Những voucher này, theo bà Ngọc, tập trung cân đối được những mặt hàng cần kích cầu và nhu cầu thực tế của người dân. Như vậy, hàng hóa, dịch vụ được lưu thông, nhà nước thu được ngân sách, hệ sinh thái logistic và các dịch vụ đi kèm được phát triển… sẽ thêm vào các chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân.

“Vì bản thân phiếu voucher chính là cách giảm thuế thu nhập cá nhân”, bà Ngọc lý giải.

Với thị trường vốn, đại diện Tập đoàn TTC đề xuất cần khuyến khích sự đa dạng của các sản phẩm chứng khoán như viễn thông, công nghệ, năng lượng tái tạo và bán lẻ...

“TTC kiến nghị Chính phủ tạo cơ chế với các chính sách khuyến khích khối doanh nghiệp tư nhân niêm yết các loại hình hàng hóa mới trên thị trường chứng khoán để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài dài hạn”, bà Ngọc nói.

Để đạt được mục tiêu kinh tế xanh, tài chính xanh, Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn TTC đề xuất cần có chính sách khuyến khích việc phát triển chỉ số ETF chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp đạt được những tiêu chuẩn ESG quốc tế.

Việc này, vừa để nhà đầu tư nước ngoài có nhiều lựa chọn cơ hội đầu tư - gia tăng hấp thụ nguồn vốn ngoại cho thị trường vốn Việt Nam, vừa khuyến khích doanh nghiệp phát triển theo chuẩn ESG quốc tế hướng đến bền vững.

Mong không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự

Đề cập đến việc đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công của Nhà nước, đặc biệt là hai siêu dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh các dự án này là hết sức cấp thiết để tạo nền tảng bứt phá cho các vùng, địa phương.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân. Ảnh: N.Bắc

Để có nguồn vốn thực hiện các dự án trong thời gian tới, ông Thân kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng xem xét một đề án cụ thể về “thu hút nguồn vốn trong nhân dân” để phục vụ hai dự án trên, có thể thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn để khuyến khích người dân tham gia.

Khẳng định doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án lớn, thoe ông Thân, Chính phủ có thể “đặt đề bài” cho các doanh nghiệp tầm cỡ trong nước, bảo lãnh cho họ trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài (để mua công nghệ, thuê chuyên gia...).

Việc này sẽ tiết giảm chi phí rất lớn từ việc tham gia của cơ quan nhà nước trong tất cả các khâu, mặt khác sẽ gia tăng hiệu quả và tránh được rủi ro cho các nhà thầu.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng để đội ngũ doanh nhân vững mạnh và phát triển, cần đảm bảo chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự.

“Doanh nghiệp làm ăn với tinh thần tuân thủ pháp luật cao nhất nhưng không thể tránh những sai sót. Tuy nhiên, chúng tôi rất mong không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự”, ông Châu nói.

Ông cũng mong các cơ quan quản lý phối hợp để tháo gỡ hơn 500 dự án để tăng cung, giảm giá nhà, đồng thời thực hiện được mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội mà Chính phủ đã phát động.

Đối với lĩnh vực bất động sản, phải làm sao có nhiều nhà ở thương mại mà vừa túi tiền người dân, giảm giá nhà, phải tham gia để phát triển được 1 triệu căn nhà ở xã hội, theo ông Châu.

Thủ tướng nhấn mạnh, các doanh nghiệp, doanh nhân, hiệp hội đóng góp nhiều đề xuất, ý kiến rất hay, trách nhiệm, tâm huyết, trí tuệ, sát thực tế và mang tính xây dựng.

Ông giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để trình ban hành thông báo kết luận của hội nghị, nhằm kịp thời xử lý, giải quyết kiến nghị của các doanh nghiệp, doanh nhân, giao các bộ ngành, địa phương tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả, mang lại lợi ích chung cho đất nước và cho doanh nghiệp, doanh nhân.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sàn thương mại điện tử, nền tảng số có thể phải nộp thuế doanh nghiệp

Sàn thương mại điện tử, nền tảng số có thể phải nộp thuế doanh nghiệp

(Thanh tra) - Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị làm rõ khả năng thu thuế doanh nghiệp trên thực tế với các doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam cung cấp hàng hoá vào Việt Nam thông qua các giao dịch trên sàn thương mại điện tử, nền tảng số.

Hương Giang

10:49 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm