Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Thứ sáu, 28/06/2013 - 09:22

(Thanh tra) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong 6 tháng cuối năm 2013 cần kiên định thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đi đôi với đó là phải thúc đẩy phát triển kinh tế, duy trì được đà tăng trưởng ở mức hợp lý, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2013.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Thảo Nguyên

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2013, ngày 27/6, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương đã dành cả ngày để thảo luận tình hình kinh tế - xã hội.

Ưu tiên kích cầu

Đóng góp ý kiến, nhiều địa phương đồng tình với báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và bày tỏ mong muốn những chính sách điều hành sắp tới cần đi vào chiều sâu hơn, giải quyết trúng những vấn đề, thách thức, trong đó ưu tiên kích cầu để gián tiếp gỡ khó cho sản xuất.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, cùng với cả nước, 6 tháng qua tình hình kinh tế - xã hội tại Thủ đô vẫn duy trì cơ bản những mục tiêu kinh tế vĩ mô với những tiến bộ khả quan, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Theo lãnh đạo TP Hà Nội, để đạt mục tiêu đề ra với mức tăng trưởng cao hơn, kiềm chế được lạm phát cao, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo những cơ chế, chính sách để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giảm hàng tồn kho, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm đời sống nhân dân. Trong đó, tăng tổng cầu xã hội cần được xác định là nhiệm vụ tiên quyết với các biện pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng.

Cùng quan điểm này, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam phân tích, với tình hình hiện nay, nếu không huy động, kích cầu đầu tư để đưa vốn vào sản xuất thì khó giải quyết triệt để tình hình. 6 tháng qua, tăng trưởng tiền gửi tăng 8,18%, nhưng tăng trưởng tín dụng đầu tư chỉ tăng 3,34%. Đây là vấn đề mà Chính phủ cần xem xét để doanh nghiệp đầu tư tiếp cận dễ dàng nguồn vốn tín dụng hơn, trong điều kiện lãi suất thuận lợi hơn hiện nay.

Lãnh đạo Quảng Nam đề nghị Chính phủ quan tâm xử lý vấn đề sản phẩm tồn kho bằng các biện pháp kích thích tiêu dùng, đặc biệt là vật liệu xây dựng. 

Chuyển đổi mô hình kinh tế nông nghiệp

Phân tích nguyên nhân tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển với tốc độ chậm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, 6 tháng đầu năm, hạn hán càn quét rất mạnh ở các tỉnh Tây Nguyên. Dịch bệnh trên tôm đã tìm được tác nhân, nhưng việc khắc phục còn chậm, ảnh hưởng đến ngành nuôi tôm. Cúm gia cầm cũng có tác động nhất định. Đó là những nguyên nhân sâu xa khiến cho một số ngành sản xuất chính của nông nghiệp không tăng, làm giá trị tăng chậm.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, tạm trữ chỉ là giải pháp tình thế, căn bản nhất vẫn là xuất khẩu; kiểm soát chống buôn lậu; điều chỉnh cơ cấu sản xuất. Những nơi trong điều kiện khó khăn, trồng lúa không có lợi thì không nên tiếp tục trồng lúa, mà nên trồng những giống cây khác.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhận định, nông nghiệp đang gặp khó khăn nhưng cũng chính là áp lực để chuyển đổi mô hình kinh tế, trong đó câu chuyện về mô hình nuôi lợn không tắm ở Hà Nam như một điển hình mà nhiều địa phương cần nhìn vào trong lúc sản xuất nông nghiệp đang hết sức khó khăn.

Năm 2012, Hà Nam đã nghiên cứu mô  hình nuôi lợn sinh học bảo đảm vệ sinh đến mức không cần tắm, toàn tỉnh nuôi hơn 1.000 con lợn theo phương thức này. Qua giám sát chặt chẽ của người dân và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh, nuôi lợn theo phương thức mới này rất bảo đảm vệ sinh môi trường, vì vậy, dù không tắm nhưng lợn hoàn toàn không mắc phải các dịch bệnh như ở các địa bàn lân cận.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao quyết định của lãnh đạo địa phương đầu tư xây 1 chợ chuyên buôn bán lợn. Từ đó, vừa thuận lợi cho việc mua bán, vừa kiểm soát bệnh dịch và theo dõi được lượng tiêu thụ thực tế. 

Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm

Kết luận phần thảo luận về kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, nhất là thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP, các Nghị quyết và Chỉ thị khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2013, mặc dù còn nhiều khó khăn, song đã có những chuyển biến tích cực; các lĩnh vực đều đạt được những kết quả bước đầu, đúng hướng, tạo đà cho tăng trưởng của những quý tiếp theo của năm 2013.

Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, việc cụ thể hóa các Nghị quyết đi vào cuộc sống không dễ, nhưng phải nghiêm túc thấy rằng khâu thể chế hóa còn chậm. Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn để thể chế hóa các Nghị quyết. Nếu nơi này, nơi khác chưa phù hợp thì tiếp thu, lắng nghe, kịp thời bổ sung.

“Chúng ta đồng tình 6 tháng qua trên các lĩnh vực đều có chuyển biến tích cực, đúng hướng. Chúng ta cũng thấy có nhiều khó khăn, thách thức, hạn chế, yếu kém. Tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương cùng nhau hết sức nỗ lực phấn đấu để đạt được mục tiêu cả năm tăng trưởng 5,5%. Điều này rất khó khăn, nhưng nếu nỗ lực thực hiện tốt thì sẽ đáp ứng được, chứ không phải chúng ta hoàn toàn không thực hiện được”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong 6 tháng cuối năm 2013 cần kiên quyết  thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đi đôi với đó là phải thúc đẩy phát triển kinh tế, duy trì được đà tăng trưởng ở mức hợp lý, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2013. Tiếp tục điều hành giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, phù hợp với diễn biến của lạm phát; tập trung tăng dư nợ tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ… phấn đấu đưa dư nợ tín dụng vào đúng chỗ, đúng doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong thực hiện tái cơ cấu; hết sức quan tâm đến huy động đầu tư toàn xã hội, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển bằng các hình thức; tăng cường thu hút và giải ngân vốn FDI và ODA; chú trọng thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Đề cập tới các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu phải thực hiện tốt các chính sách về miễn, giảm, hoãn thuế; đồng thời cũng phải kiểm soát tốt việc thu đúng, thu đủ, chống tình trạng gian lận, trốn thuế; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn. Các cấp, các ngành cần tích cực triển khai các chương trình phát triển thị trường trong nước, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm.

Riêng lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải tập trung triển khai tái cơ cấu nông nghiệp đối với từng lĩnh vực, từng mặt hàng để làm sao tăng được năng suất, giảm chi phí, nâng cao đời sống người nông dân; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, phổ biến kinh nghiệm những mô hình tốt của từng địa phương, từng lĩnh vực….  

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tăng việc làm; triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động…

 Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm