Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kích hoạt để có những con sếu đầu đàn trong nền kinh tế tư nhân

Thứ năm, 02/05/2019 - 19:25

(Thanh tra)- “Khu vực kinh tế tư nhân có vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển. Các ngành, các cấp cần phải tìm cách kích hoạt tốt hơn nữa”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng cùng các đại biểu tại diễn đàn. Ảnh: Quang Hiếu

Sau 7 phiên hội thảo chuyên đề/ tọa đàm diễn ra sáng 2/5, Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 bước vào phiên toàn thể trong buổi chiều với chủ đề “Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII và Nghị quyết 98-NQ/CP của Chính phủ”.

Đây là phiên đối thoại lớn với sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và nhiều Ủy viên Trung ương Đảng là bộ trưởng, thứ trưởng và lãnh đạo các địa phương.

Đâu là “điểm nghẽn”?

Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam chứng kiến nhiều thành quả của nền kinh tế, đặc biệt 2018 là năm thứ 4 liên tiếp có số doanh nghiêp (DN) thành lập mới với số vốn kỷ lục, trong đó có vai trò của khối DN tư nhân. Khu vực tư nhân đang tạo ra khoảng hơn 42% GDP, nhiều DN đã khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường và được người dân tin tưởng.

Dù chưa có đánh giá đầy đủ, nhưng 2 năm qua cho thấy sự lớn mạnh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên của khu vực này. “Khu vực kinh tế tư nhân có vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển, cần phải tìm cách kích hoạt tốt hơn nữa”, Thủ tướng nói.

Theo lãnh đạo Chính phủ, gần 2 năm nữa sẽ diễn ra Đại hội Đảng, Diễn đàn là cơ hội để lắng nghe, tiếp thu các góp ý, phản biện của khu vực tư nhân.

Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói sự thật”, Thủ tướng gợi mở một số điều để phát huy lợi thế của cộng đồng doanh nhân. Đó là, làm thế nào để DN quy mô nhỏ có thể vươn ra thế giới, có thương hiệu toàn cầu? Làm sao có được đột phá thực sự ở các điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh? Đâu là điểm nghẽn của kinh tế Việt Nam, giải pháp đột phá sắp tới là gì?...

“Còn nhiều câu hỏi quan trọng nữa mà các doanh nhân ngồi đây biết rõ hơn chúng tôi. Các vị là những người lăn lộn thực tế, thấy rõ cơ hội, thấy rõ nút thắt của DN, của đất nước. Chúng tôi ở đây để lắng nghe và tiếp thu ý kiến của quý vị”, Thủ tướng bày tỏ. 

Thủ tướng cũng đề cập đến tinh thần DN với chí tiến thủ, luôn nỗ lực tìm kiếm thị trường mới. Doanh nhân cần kinh doanh liêm chính, tìm kiếm lợi nhuận chân chính, góp phần phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, là tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh.

Các DN tạo ra các sản phẩm, các thương hiệu nổi tiếng, cạnh tranh và xác lập tên tuổi trên thị trường thế giới là góp phần làm hình ảnh đất nước sáng chói trên vũ đài quốc tế. "Các DN cần có tinh thần dân tộc, tình yêu nước thì đất nước mới phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho rằng, như mọi quốc gia trên hành tinh này, kinh tế tư nhân Việt Nam mang trong mình khát vọng mãnh liệt vào tương lai. Một thanh niên trẻ có thể xuất thân rất bần hàn nhưng ngày mai có thể trở thành doanh nhân thành đạt, nổi tiếng, thậm chí là những con người nhiệt huyết, gánh trên vai sứ mệnh xã hội, đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng, cho người dân.

“Từ khóa”…

Vậy, để DN tư nhân phát triển, Chính phủ, Thủ tướng có quyết sách gì trong thời gian tới? Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho biết, sẽ tiếp tục tạo điều kiện, kiến tạo không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn, với các “từ khóa”: “tạo bình đẳng” trong phát triển, được “bảo vệ”, “khích lệ” và “trao cơ hội”.

Cụ thể, kinh tế tư nhân bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trong cạnh tranh, trong phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khác, nhất là tiếp cận nguồn lực. Cùng với đó, được bảo về quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp theo Hiến pháp, pháp luật. Giảm sự chồng chéo, tầng lớp trong thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tạo môi trường thông thoáng.

Nhà nước và xã hội tôn vinh hơn nữa, nhất là các DN làm ăn chân chính, có trách nhiệm xã hội. Ngược lại, lên án, đấu tranh đối với các DN làm ăn chụp giật, vi phạm đạo đức kinh doanh, vi phạm pháp luật…

Với câu hỏi quyết sách nào để những ý tưởng, sáng tạo có có hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa?, Thủ tướng nêu rõ, “đối với nền kinh tế của Việt Nam, chúng ta có nhiều cơ hội cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ khởi nghiệp thành công”. Việc Chính phủ phải làm là tạo nên một thể chế pháp luật, nhân lực, hạ tầng và thị trường để tạo điều kiện cho khởi nghiệp.

Trên cương vị là đơn vị soạn thảo Nghị quyết 10, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đề cập nhiều nội dung cốt lõi. Đầu tiên là, thống nhất trong nhận thức mới có hành động thống nhất. "Có nhận thức đầy đủ thấu đáo các quan điểm của Đảng thì mới đủ bản lĩnh quyết tâm xóa bỏ mọi rào cản, mọi mặc cảm để phát triển kinh tế tư nhân”, ông Bình nói.

Thứ hai là giải quyết đúng đắn quy luật giữa Nhà nước và thị trường; thứ ba là xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, có sức cạnh tranh. Theo ông Bình, để làm điều đó, Chính phủ cần xây dựng nền kinh tế vĩ mô, cải thiện chính sách, tạo môi trường đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ để các DN có điều kiện phát triển bền vững.

Trước câu hỏi "Làm sao để nghị quyết này đi vào đời sống nhân dân", Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, đó cũng là trăn trở của các lãnh đạo Chính phủ, Nhà nước. “Diễn đàn chính là nơi để các bên có thể cùng trao đổi, tìm ra các giải pháp cải thiện và phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân”, ông Bình nói.

Ở góc độ hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến kinh tế tư nhân, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đã bước tiến, song vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết như việc thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế; chi phí tuân thủ pháp luật thời gian qua chưa được giải quyết tốt.

Ông Hiển cho rằng, điều đó đặt ra bài toán cần phải rà soát lại hệ thống pháp luật, nhất là những luật liên quan đến công chức viên chức, chính sách kinh tế… để phá vỡ rào cản và tạo điều kiện cho các DN tư nhân tiếp cận được với nguồn lực về đất đai, tài chính…

Hiến kế!

Là người bắt đầu phần hiến kế, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam kiến nghị 11 vấn đề lớn như tiếp tục khẳng định vai trò động lực và rường cột của khu vực kinh tế tư nhân dù trong một số lĩnh vực, DN Nhà nước có thể đóng vai trò dẫn dắt; tiếp tục có những nỗ lực đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới các chuẩn mực tiên tiến trên thế giới…

Từ kinh nghiệm thực tiễn, theo ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách VinFast, cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao và các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến.

“Đẩy mạnh việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo đại học, đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng nhân sự cho phát triển kinh tế tư nhân”, đại diện Tập đoàn Vingroup hiến kế.

Cùng với đó, Chính phủ cũng cần tiếp tục tạo điều kiện cho chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo tiếp tục phát huy, góp phần thu hút chất xám của đội ngũ Việt kiều; tạo điều kiện cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

Trong khi đó, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc khu vực cấp cao IFC Việt Nam, Campuchia & Lào lưu ý, thách thức đặc biệt là khả năng cạnh tranh chuỗi cung ứng, bao gồm sản xuất, nông nghiệp và công nghệ.

“Trong 20 năm làm việc với nhóm Ngân hàng Thế giới, tôi đã làm việc tại hơn 50 quốc gia và hầu hết các quốc gia này vẫn đang khao khát đạt được mức vốn đầu tư nước ngoài như Việt Nam”, ông Kyle Kelhofer nói.

Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam chủ yếu tập trung vào sản xuất và lắp ráp linh kiện trung cấp. Vì vậy, Chính phủ tiến hành xây dựng một chiến lược FDI cập nhật bao gồm tăng cường chuỗi cung ứng.

Nhưng cụ thể hơn, ông Kyle Kelhofer cho rằng, một chiến lược có thể bao gồm: Chủ động hướng tới mục tiêu khuyến khích, ưu đãi cho DN và nhà đầu tư; chiến lược toàn diện để thu hút và phát triển DN dựa trên lợi thế cạnh tranh lâu dài; ưu đãi dựa trên hiệu suất và thậm chí nhắm mục tiêu cho DN; quản trị nền hành chính công, tạo chuyển đổi trong Chính phủ.

Gửi lời cảm ơn vì đã thấu hiểu và hỗ trợ Hiệp hội hoạt động, theo ông Nobufumi Miura, với sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, nhiều DN Nhật Bản đang mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng, hoạt động đầu tư vào Việt Nam vẫn còn có một số điểm bất cập.

“Do tính dự báo của chính sách pháp luật của Việt Nam còn thấp, phía DN không thể ứng phó kịp thời, dẫn đến tình trạng hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ”, ông Nobufumi Miura nói. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính còn rườm rà, khó có thể dự kiến được lịch làm việc.

Ông mong Chính phủ sẽ có giải pháp phù hợp; đẩy nhanh tốc độ ra quyết định thông qua việc phân cấp quyền hạn và làm rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền.

Tại diễn đàn, các kiến nghị, đề xuất, hiến kế của khu vực kinh tế tư nhân đều được các tư lệnh ngành tiếp thu, giải đáp và trao đổi lại.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, kinh tế tư nhân hiện chiếm khoảng 40%, phấn đấu đạt 60% trong năm 2030. Để có được điều này, cần xây dựng những “con sếu đầu đàn” trong thành phần kinh tế tư nhân, thông qua việc định hướng chính sách, lắng nghe, tiếp cận và đối thoại, từ đó chọn lọc và phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh. Song song với đó, các DN phải vươn lên sáng tạo, có tâm huyết, có năng lực về vốn, sáng tạo, hoài bão và văn hoá.

Khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam, nhất là sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 10-NQ/TW đã có bước phát triển mới. Theo đó, từ năm 2016, mỗi năm có thêm hơn 100 nghìn DN thành lập mới. Hai năm 2017-2018 có 258.134 DN được thành lập mới và 60.458 DN tạm ngừng hoạt động quay trở lại nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện và các chính sách của Nhà nước hỗ trợ, phát triển DN.

Tuy nhiên, môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa thực sự thuận lợi, chưa được cải thiện vững chắc, thậm chí có dấu hiệu chững lại và còn tồn tại nhiều rào cản đối với phát triển kinh tế tư nhân chưa được tháo gỡ.

Số lượng DN tư nhân thành lập nhiều nhưng khả năng trụ vững và phát triển hiệu quả còn thấp. Trong 2 năm 2017-2018, có 151.204 DN tạm ngừng hoạt động; tỷ lệ số DN tạm ngừng hoạt động so với số DN thành lập mới lần lượt là 47,73% và 69,05%; gần 50% DN của tư nhân kinh doanh thua lỗ. Tỷ lệ DN có khả năng sống sót thấp ảnh hưởng lớn đến thực hiện mục tiêu đạt ít nhất 1 triệu DN đến năm 2020. Đến năm 2018, ước tính cả nước mới có gần 715 nghìn DN.

 


Trước đó, 6 vấn đề kinh tế then chốt gồm: Du lịch, Kinh tế số; Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP; khơi thông dòng vốn trung - dài hạn; nông nghiệp; khởi nghiệp đã được mổ xẻ tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân.

Ngoài ra, Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 dành một tọa đàm đặc biệt cho các nữ doanh nhân. Đây là nơi các nữ lãnh đạo DN hàng đầu Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận với chủ đề "Vì một Việt Nam hùng cường - thịnh vượng".


Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm