Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Không phải toàn tỉnh Hải Dương là “vùng dịch”, tránh “ngăn sông, cấm chợ”

Hương Giang

Thứ sáu, 19/02/2021 - 21:25

(Thanh tra) - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 yêu cầu Bộ Y tế công bố lại trên Cổng Thông tin điện tử những “vùng dịch” người ra, vào phải kiểm soát, đến nơi khác phải khai báo, giám sát y tế. Ví dụ với tỉnh Hải Dương là những vùng dịch ở TP Chí Linh, huyện Cẩm Giàng và xã, thôn cụ thể chứ không phải toàn tỉnh.

Toàn cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID -19. Ảnh: Đình Nam

Chiều ngày 19/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã nghe báo cáo về diễn biến dịch bệnh trong cả nước, tình hình dịch bệnh tại Hải Dương và bàn bạc triển khai kế hoạch nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.

Hải Dương đang gồng mình chống dịch

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh tại 12/13 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đã được kiểm soát. Riêng tỉnh Hải có 5 ổ dịch lớn tại Chí Linh, Cẩm Giàng, Kinh Môn, Nam Sách và TP Hải Dương vẫn cần tiếp tục tập trung, song tình hình dịch bệnh chỉ còn phức tạp ở huyện Cẩm Giàng.

PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Tổ trưởng Tổ Công tác chống dịch của Bộ Y tế tại Hải Dương cho biết, từ ngày dịch COVID-19 xuất hiện tại địa phương (ngày 27/1) đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 580 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong đó, 2 ổ dịch lớn là Công ty POYUN Việt Nam (Khu công nghiệp Cộng Hòa, TP Chí Linh) và ổ dịch ở huyện Cẩm Giàng.

Ngay từ đầu, ổ dịch Công ty POYUN đã được “đóng băng, khoá chặt”. Toàn bộ công nhân đã được đưa đi cách ly ngay trong đêm, ngày hôm sau đã cách ly xã hội TP Chí Linh. Những ngày gần đây các ca nhiễm mới ở TP Chí Linh đều là các trường hợp F1, đã được cách ly, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Còn ổ dịch ở huyện Cẩm Giàng, điều đáng lưu tâm là, nguồn lây ở khu vực này đến nay  chưa được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, tỉnh Hải Dương đã nhanh chóng phong toả toàn huyện, cách ly doanh nghiệp để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. Ảnh: Đình Nam

“Các lực lượng chống dịch tại Hải Dương, từ trên xuống dưới, đều gồng mình chống dịch, không ngừng nghỉ, dù rất mệt mỏi”, PGS.TS Trần Như Dương cho biết.

Theo ông Dương, tỉnh Hải Dương đã truy vết, cách ly tổng cộng trên 14.000 F1 để tách nguồn lây khỏi cộng đồng; lấy mẫu xét nghiệm trên 160.000 mẫu, gần đây đều lấy trên 10.000 mẫu/ngày…

“Đó là một sự nỗ lực rất lớn”, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhận định và lưu ý, ổ dịch tại TP Hải Dương không phải lớn, nhưng cần phải tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ, đánh giá tình hình sát sao trong những ngày tới, tuyệt đối không được chủ quan.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lương Văn Cầu cũng khẳng định, đến thời điểm này tình hình dịch bệnh tại TP Chí Linh hoàn toàn được kiểm soát, ổ dịch ở Cẩm Giàng cơ bản được kiểm soát, còn TP Hải Dương cần tiếp tục theo dõi.

Theo lãnh đạo tỉnh này, những ngày gần đây, số ca dương tính phát sinh thêm trên địa bàn tỉnh chủ yếu phát sinh từ nguồn F1 (đều đã được cách ly tập trung, không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng), số này chiếm 95%; chưa đầy 5% còn lại là các ca được phát hiện trong khu vực phong toả (cũng đã được khoanh vùng và triển khai xét nghiệm diện rộng); chỉ có 3 ca là phát hiện qua giám sát trong cộng đồng và cũng đã được khoanh vùng.

Quy định rõ “ổ dịch”, “vùng dịch

Trong đợt dịch này, dư luận và lãnh đạo, nhân dân Hải Dương cũng phản ánh tình trạng “ngăn sông, cấm chợ”.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết, nhiều thương lái dù đã đặt hàng thu mua nông sản của bà con nhưng không quay lại. Việc vận chuyển hàng hoá (kể cả việc nhận hàng của doanh nghiệp FDI từ cảng) cũng là cả một vấn đề, nhất là đi liên tỉnh…

Nêu thực tế lưu thông hàng hoá, nông sản, xuất khẩu từ Hải Dương qua các địa phương lân cận đều “khó ra, khó vào”, bị “ngăn sông cấm chợ”, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, việc vận chuyển hàng hoá vào khu vực phong toả cũng rất khó khăn (trừ hàng hoá thiết yếu).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng

Các thị trường tiêu thụ cũng e dè với hàng hoá đến từ vùng dịch, do chưa có hướng dẫn cụ thể từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, lưu thông an toàn…

“Cần có quy trình khung để áp dụng thống nhất trong cả chuỗi cung ứng nông sản”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đề nghị.

Từ góc độ chuyên gia, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, hiện nay, các địa phương đang có sự lầm lẫn khái niệm ổ dịch và vùng dịch, từ đó dẫn tới “ngăn sông, cấm chợ”. Do vậy, Bộ Y tế cần sớm quy định rõ về ổ dịch và vùng dịch, để các địa phương áp dụng thống nhất.

Ông Phu cũng lưu ý rằng, thông tin về dịch bệnh không được làm nhẹ đi, cũng không được thổi phồng lên, như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kép, thậm chí là tạo ra tâm lý “kỳ thị với Hải Dương”.

Sau khi nghe các ý kiến, các chuyên gia và thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất đề nghị Bộ Y tế và các cơ quan quản lý có thẩm quyền cần phải làm rõ định nghĩa “ổ dịch” và “vùng dịch” để tránh tình trạng “ngăn sông, cấm chợ”.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, việc Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên toàn tỉnh là giải pháp phòng ngừa nâng cao 1 mức để ngăn chặn, bởi Hải Dương là đầu mối giao thông, liên quan đến nhiều địa phương. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các tỉnh lân cận thực hiện “ngăn sông, cấm chợ”. Bộ Y tế sẽ có văn bản gửi các tỉnh và báo cáo Thủ tướng về vấn đề này.

Theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế phải công bố lại trên Cổng Thông tin điện tử những vùng dịch người ra, vào phải kiểm soát, đến nơi khác phải khai báo, giám sát y tế. Ví dụ đối với tỉnh Hải Dương là những vùng dịch ở TP Chí Linh, huyện Cẩm Giàng và xã, thôn cụ thể chứ không phải toàn tỉnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm