Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khơi dậy và phát huy điều thiện ở mỗi con người - Một ứng xử ngoại giao Hồ Chí Minh

Thứ ba, 05/02/2019 - 06:35

(Thanh tra)- Chúng ta nghĩ rằng nếu ngoại giao là công việc giao thiệp, ứng xử của những con người, những tổ chức, những chính phủ với một đối tượng khác thì có thể nói Nguyễn Ái Quốc đã thực sự làm “ngoại giao” từ khi bắt đầu có ý thức khởi nghiệp cho đến ngày cuối cùng của đời mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Marius Moutet ký bản tạm ước ngày 14/9/1946. Ảnh: nguồn internet

Nguyễn Ái Quốc đã làm “ngoại giao” ở nhiều nước với những tư cách, cương vị rất khác nhau của mình, từ người dân nô lệ, vô sản đến Chủ tịch nước, giao thiệp với những đối tượng cũng khác nhau, từ người mù chữ đến nhà bác học, từ cai ngục, tướng cướp đến thủ tướng, tổng thống, từ anh lính binh nhì đến đại tướng, thống chế…

Nhưng bất cứ với ai, dù ở hoàn cảnh nào, Người cũng quan niệm rằng “mỗi người đều có cái thiện và cái ác ở trong lòng, ta phải biết làm sao cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân, và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”.

Đối với đồng bào ta, có tội với dân với nước như Nguyễn Hải Thần, Người vẫn kêu gọi lòng yêu nước, giao việc – mà là giao những việc quan trọng với chức vụ lớn. Khi bộ mặt hại dân, hại nước đã quá rõ ràng, y bị chính phủ nước bạn giam giữ, Người còn yêu cầu chính phủ cấp cho gạo, tiền hàng tháng để sinh sống, để ăn năn hối lỗi. Khi vụ Châu Phà ở Kỳ Sơn kết thúc, cán bộ địa phương định xử tử, giam tù bọn thổ phỉ, Người đã chỉ thị: “Tuyệt đối không được đánh đập, không được bắt đi cải tạo, đi tù. Tuyệt đối không được xử tử. Phải giáo dục, cảm hóa, giải thích cho bà con hiểu”.

Năm 1946, khi trên dưới 20 vạn “Hoa quân nhập Việt”, Người đã phải ứng phó cả bốn mặt:

- Với đồng bào, ra sức giáo dục tinh thần cảnh giác, nhẫn nại, kiên trì “chính sách Câu Tiễn”, tránh khiêu khích địch - tức là không cho hay hạn chế mầm ác của chúng phát triển, tránh những xung đột bạo động quá khích gây hỏng việc lớn.

- Với bọn Việt quốc, Việt cách, phần thì chủ động cảm hóa, liên kết, phần thì giao chức, giao quyền hạn chế tới mức tối đa không để chúng rảnh tay cùng với quan thầy thực hiện kế hoạch “diệt cộng, cầm Hồ”.

- Với quân Tưởng, dùng uy tín cá nhân, dùng đại nghĩa thuyết phục, không có những hành động thái quá để “trêu tức” chúng, để chúng có cớ gây sự, có cớ phát huy cái ác.

- Với Pháp, giao thiệp với nhiều người, tranh thủ phân hóa từng người, ngăn ngừa những cơn giận dữ “đánh chuột vỡ lọ quí” của nhân dân ta. Với Lơléc, Người viết thư chúc mừng năm mới viên đại tướng thực dân này, “một nhà ái quốc, một quân nhân lừng danh chiến công, nhưng nay đang tự làm tổn thương đến uy danh và tư cách của mình”. Với Salăng, Người đã tặng một tấm ảnh ghi ngày 7/4/1945 với dòng chữ “tình bạn tốt đẹp”… những dòng chữ thật dễ hiểu và cũng thật khó nghĩ là Người có thể viết nên như thế. Còn khi Pônmuýt, kẻ truyền đạt thư miệng của Bôlae đòi bộ đội Việt Nam nộp vũ khí, Người đã hỏi lại Pônmuýt: “Tôi biết ông đã tham gia kháng chiến của nhân dân Pháp chống Hít-le… vậy liệu ở địa vị ông, ông có thể nhận những điều kiện đó không?...”. Pônmuýt bị lúng túng. Kẻ đi thuyết giáo đã bị thuyết phục không chỉ vì sự đón tiếp chu đáo đúng mức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn vì chính nghĩa của cả một dân tộc.

Trong hai cuộc chiến tranh chống Mỹ và Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần kêu gọi các nhà cầm quyền Pháp, Mỹ ngừng cuộc chiến tranh vì “máu của thanh niên hai nước đã đổ vô ích”. Người luôn cố gắng tới mức cao nhất giữ cái “thiện” trong con người đối phương với phương châm “còn nước còn tát”. Vì vậy cho đến khi chỉ còn vài giờ trước khi rời nước Pháp, Người vẫn còn ký Tạm ước 14 tháng 9 với Mutê…

Ngay cả khi ở trên đất nước anh em, vào các giai đoạn phức tạp, Người đã phải nhiều lần kiên trì, khéo léo để vượt qua những nghi kỵ, vượt lên lo việc lớn.

Trước đó 5 - 6 năm, trong sách “cách huấn luyện quân sự của Khổng Minh”, Người đã viết “Cương nhưng không thể bị gãy, nhu nhưng không thể uốn cong, hoàn toàn nhu nhược, hoàn toàn cương mạnh đều bị thất bại”.

Đó là “khoan mà không nhu nhược”, “nhẫn nhục mà không khuất phục”. Đó còn là “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong điều kiện cụ thể của một tình thế cụ thể.

Phải chăng đó là kế thừa chính sách “tâm công” đánh vào lòng người, “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”… truyền thống của dân tộc ta đúc kết từ nhiều thế kỷ.

Có phải đó là cách nhìn nhận, mong muốn đòi hỏi “khách không mời mà mang vũ khí đến” chỉ phải cút đi (Mỹ cút) và tay sai chỉ phải rời bỏ quyền lực (ngụy nhào) chứ không buộc bị tiêu diệt hết và sẵn sàng “rải thảm đỏ” cho họ ra về đoàn tụ với gia đình như xưa kia cha ông ta đã cấp thuyền, sắm ngựa, chở gạo, dọn đường cho quân ngoại xâm về nước, xóa bỏ, ngăn chặn sự hận thù, không tạo cho điều ác ở đối phương trỗi dậy trong thời điểm ấy và cả lâu dài để hai nước thoát khỏi họa can qua, “tắt muôn đời chiến tranh”.

Muốn làm được theo cách đó, con người phải “mở cửa”, cả tâm hồn và trí tuệ, phải hiểu biết rộng, sâu sắc từ kinh tế, lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ, đứng vững trên quyền lợi lâu dài của đất nước, dân tộc trong cái chung của nhân loại, có tầm nhìn xa, trông rộng, biết vận dụng khôn khéo các sách lược, phương pháp đấu tranh phân hóa kẻ thù… Nhưng cái đòi hỏi trước hết là cái “tâm”, cái “nhân”. Đối thoại với nhau, tìm cái tốt, cái thiện của nhau và tác động theo chiều hướng tích cực để chúng “nảy nở như hoa mùa xuân” hạn chế tới mức cao nhất “điều ác của mỗi con người”. Đây là điều Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ yêu cầu riêng đối với mọi người cộng sản mà có ý đòi hỏi người cách mạng Việt Nam làm gương trước, đi trước một bước, chủ động trước một bước đối với mọi đối tượng…

Tất cả những điều trên có thể đóng góp vào một khoa học mới, đó là “khoa học của ứng xử”, khoa học lấy điều thiện để đối tâm với nhau.

Hoặc có thể đây không chỉ là một quan niệm về ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn có một cái gì lớn hơn: Một nghệ thuật, một chiến lược, một nguyên tắc hay một “trường phái ứng xử” nhân đạo nhất? Hay chỉ là một món quà mà Bác tặng chung nhân dân các nước, tặng riêng một số nước đang đối đầu nhau khi loài người sắp bước vào thế kỷ XXI, thế kỷ mong muốn hòa dịu, hòa bình, thương yêu nhau, ít đi điều ác, nhiều hơn điều thiện đang nảy nở như hoa mùa xuân chan chứa tình người?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khoan

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm