Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ năm, 20/10/2022 - 18:30
(Thanh tra) - 14 trên tổng số 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm nay đạt và vượt so với kế hoạch đặt ra, trong đó GDP cả năm ước tăng 8%, tạo vị thế và động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của các năm sau.
Toản cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Ản: Đ.X
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV đã khai mạc trọng thể sáng ngày 20/10. Trong 21 ngày làm việc, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất được.
14/15 chỉ tiêu “đạt và vượt”
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập đến nhiều nội dung, trong đó có tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước.
Theo Chủ tịch Quốc hội, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, kịp thời của Đảng và Nhà nước; quyết sách phù hợp, chủ động và giám sát có hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022.
“Những kết quả quan trọng, khá toàn diện với nhiều dấu ấn nổi bật, tạo thêm thuận lợi, thời cơ để phát triển đất nước”, ông Vương Đình Huệ nói.
Báo cáo trước Quốc hội sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, 14 trên tổng số 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội “đạt và vượt” so với kế hoạch đề ra.
Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83% và cả năm ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%). Thu ngân sách 9 tháng đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái và ước cả năm vượt 14,3%, tăng 2,9% so với năm 2021.
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, các ngân hàng thương mại yếu kém, doanh nghiệp thua lỗ, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả kéo dài đã và đang được tháo gỡ, xử lý; việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế... đạt kết quả tích cực.
Trong đó, các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, đã thu được trên 22 nghìn tỷ đồng. Các khoản thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế đã thu được gần 16 nghìn tỷ đồng.
“Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia được kiểm soát an toàn”, Thủ tướng nhấn mạnh. Báo cáo dẫn chứng ước tính đến cuối năm nay, nợ công vào khoảng 43-44% GDP (trần là 60%); nợ Chính phủ khoảng 40-41% GDP (trần là 50%) và nợ nước ngoài quốc gia khoảng 40-41% GDP (trần là 50%).
Nhiều hệ lụy khi thị trường trái phiếu, chứng khoán rủi ro
Dù vậy, người đứng đầu Chính phủ nhận định, kinh tế vĩ mô vẫn đối mặt nhiều thách thức. Sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp.
Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro. Cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Nợ xấu, nợ thuế có xu hướng tăng…
Nguyên nhân được Thủ tướng nhận diện là do thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, vượt dự báo. Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch, cần thời gian tích luỹ để phục hồi.
Cạnh đó, nền kinh tế có độ mở lớn, năng lực nội tại, sức chống chịu, khả năng thích ứng còn hạn chế, trong khi phân tích, dự báo, xây dựng và triển khai chính sách, giải pháp ứng phó với biến động còn bị động, chưa kịp thời.
Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng lo ngại khi giá xăng dầu tăng thời gian qua có nguyên nhân quan trọng từ thiếu hụt nguồn cung trong nước. Chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu không phù hợp, giá mua cao hơn giá bán khiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ... Hệ quả là, nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa hoặc khống chế lượng xăng dầu bán cho khách hàng.
Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhắc đến quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng được mở rộng nhưng có giai đoạn tăng “nóng”; thị trường bất động sản có dấu hiệu “tăng nóng” trong những tháng đầu năm 2022 và có tình trạng “đẩy giá”, gây sốt ảo.
Báo cáo thẩm tra dẫn chứng, vừa qua vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan cùng với những vụ việc khác liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán xảy ra trong năm “đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đối với việc phát triển bền vững thị trường vốn, đối với xã hội, gây mất niềm tin của người dân và nhà đầu tư”.
Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, và đánh giá thận trọng, chính xác về mức độ ảnh hưởng để có giải pháp phù hợp, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững của thị trường tiền tệ, thị trường vốn.
Xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát
Với năm 2023, dự báo tình hình thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng cho biết, Chính phủ dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu, trong đó tăng trưởng GDP của năm 2023 khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 4,5%, tăng 0,5 điểm phần trăm so với mục tiêu năm 2022…
Để đạt được mục tiêu cho năm sau, Chính phủ đưa ra 12 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, nhiệm vụ được ưu tiên là “tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”.
Bên cạnh hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Thủ tướng cũng nêu rõ cần đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương.
“Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và kiểm soát quyền lực”, Thủ tướng nói.
Theo cơ quan thẩm tra, Chính phủ cần nâng cao năng lực dự báo, chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát; không để lỡ nhịp hồi phục sau dịch bệnh, nhất là tác động do giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu sản xuất tăng cao.
Đề nghị đánh giá kỹ nguyên nhân công chức, viên chức thôi việc
Thủ tướng cho hay, đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn. Tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn thấp.
Đáng lưu ý, xuất hiện tình trạng một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Theo báo cáo, tổng số cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc là 39.552 người, chiếm 1,94% số biên chế giao năm 2021.
Về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, tiền lương và chế độ đãi ngộ đối với công chức, viên chức còn nhiều hạn chế. Tình trạng viên chức trong ngành y tế thôi việc hoặc bỏ việc làm ảnh hưởng đến chăm sóc y tế, khám chữa bệnh…
“Đề nghị đánh giá kỹ lưỡng về nguyên nhân công chức, viên chức không chỉ của ngành giáo dục, y tế bỏ việc hoặc thôi việc để làm căn cứ đưa ra giải pháp phù hợp”, ông Thanh nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề cập đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế xảy ra tại bệnh viện công ở nhiều địa phương, ảnh hưởng rất lớn tới công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Một trong các nguyên nhân của tình trạng này có việc xử lý vi phạm của một bộ phận công chức, viên chức y tế đã tạo ra tâm lý e ngại, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, không dám mua sắm của các địa phương, đơn vị.
Tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng
Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán… xảy ra ở cả khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước.
Báo cáo dẫn chứng như vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai; Cục Quản lý dược, Bộ Y tế; Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Bộ đội Biên phòng… Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC); vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh…
Ngoài ra, công tác xây dựng hoàn thiện thể chế còn hạn chế, tính ổn định và khả năng dự báo chưa cao; một số quy định còn sơ hở, chồng chéo, có khả năng bị lợi dụng, làm nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là các lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đấu thầu; đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công…
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Bùi Bình
19:37 13/12/2024(Thanh tra) - Ngày 13/12/2024, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức hội nghị tổng kết công tác quốc phòng địa phương, giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Trung Hà
16:40 13/12/2024T.Thanh
16:36 13/12/2024PV
16:33 13/12/2024Thu Huyền
16:03 13/12/2024Chính Bình
15:56 13/12/2024Lâm Ánh
Thu Huyền
Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải