Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ năm, 20/10/2022 - 10:36
(Thanh tra) - Phát biểu khai mạc kỳ họp 4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và nhấn mạnh, “không hợp thức hóa những vướng mắc có tính chất vi phạm; không đưa vào luật những vấn đề mang tính sự vụ, hiện tượng, nhỏ lẻ, cá thể, không thể hiện đúng bản chất của quan hệ đất đai phát sinh trong thực tiễn”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Đ.X
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV đã khai mạc trọng thể sáng nay (20/10) tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, với tinh thần “lấy chất lượng kỳ họp làm chính và phấn đấu để tiết giảm tối đa thời gian”, tại phiên trù bị trước đó, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí rất cao thông qua nội dung, thời gian, chương trình và phương thức tiến hành kỳ họp.
Trong 21 ngày làm việc, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều vấn đề quan trọng.
Nhiều dấu ấn nổi bật, tạo thời cơ để phát triển đất nước
Về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách, theo Chủ tịch Quốc hội, chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho năm 2022.
Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83% cao nhất kể từ năm 2011 đến nay; các khu vực của nền kinh tế đều có tốc độ phục hồi và tăng trưởng cao (khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%; công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, dịch vụ tăng 10,57% so với cùng kỳ năm trước).
Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, bình quân chỉ tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước…
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu được chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống Nhân dân được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được tăng cường..
“Những kết quả quan trọng, khá toàn diện với nhiều dấu ấn nổi bật nêu trên tạo thêm thuận lợi, thời cơ để phát triển đất nước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Dù vậy, ông Vương Đình Huệ lưu ý, thời gian còn lại của năm 2022 và năm 2023 sắp tới, chúng ta tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, có thể làm chậm lại quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Vì vậy, ông đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu thật kỹ các báo cáo, tập trung thảo luận, phân tích sâu sắc bối cảnh, đặc điểm nổi bật của năm 2022, nhận rõ những kết quả và bài học đã đạt được, những hạn chế, yếu kém, khó khăn, vướng mắc phải tháo gỡ, những thách thức phải vượt qua.
Trên cơ sở nhận diện, đánh giá đúng thực trạng, phân tích rõ nguyên nhân; dự báo chính xác tình hình trong nước và thế giới trong thời gian tới để xem xét, quyết định các quan điểm, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, đầu tư công cho năm 2023, phương án điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công năm 2023, kế hoạch tài chính trung hạn 03 năm 2023-2025.
Khối lượng công việc lập pháp rất nặng nề
Với công tác lập pháp, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến 07 dự án luật khác.
“Đây là khối lượng công việc lập pháp rất nặng nề, vừa có phạm vi rộng lớn, vừa chứa đựng những vấn đề chuyên sâu, trong đó có những dự án luật ngay trước thềm Kỳ họp đã thu hút được sự quan tâm sâu sắc của dư luận, cử tri và nhân dân cả nước”, Chủ tịch Quốc hội nhận định.
Trong các dự án luật cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và đề nghị các đại biểu bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và thể chế hóa đầy đủ, chính xác, kịp thời thành các quy định cụ thể; chỉ đưa vào Luật những vấn đề đã chín, đã đủ rõ và đã có định hướng của Trung ương.
Ông cũng đề nghị, dự thảo luật kế thừa các quy định mang tính chất ổn định với thực tiễn, phù hợp của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ; khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nhưng phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, chiến lược, lâu dài.
“Không hợp thức hóa những vướng mắc có tính chất vi phạm; không đưa vào luật những vấn đề mang tính sự vụ, hiện tượng, nhỏ lẻ, cá thể, không thể hiện đúng bản chất của quan hệ đất đai phát sinh trong thực tiễn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cạnh đó, tách bạch rõ để đưa vào luật những quan hệ đất đai mang tính chất công và quan hệ đất đai mang tính chất tư, bảo đảm đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu thống nhất quản lý, tính phù hợp và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện cho các chủ thể xã hội được tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả, bền vững.
Chỉ rõ “những địa chỉ” để xảy ra lãng phí nghiêm trọng
Cũng tại kỳ họp, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.
Theo ông Vương Đình Huệ, đây là nội dung giám sát quan trọng, được các vị đại biểu Quốc hội, nhân dân và cử tri cả nước rất quan tâm và gửi gắm nhiều kỳ vọng.
“Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung đánh giá kết quả đạt được, chỉ rõ những lĩnh vực, những địa bàn, những địa chỉ để xảy ra tình trạng lãng phí nghiêm trọng, làm rõ hạn chế, khó khăn, vướng mắc, chỉ rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Quyết định các vấn đề quan trọng khác của đất nước, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định miễn nhiệm, bầu Tổng Kiểm toán nhà nước; miễn nhiệm, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế.
Quốc hội cũng tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM và xem xét đề xuất của Chính phủ cho gia hạn hiệu lực Nghị quyết này và một số vấn đề quan trọng khác.
Gửi lời chia sẻ những khó khăn, mất mát tới nhân dân các tỉnh miền Trung vừa trải qua nhiều mất mát trong cơn bão vừa qua, Chủ tịch Quốc hội mong các địa phương sớm khắc phục và nhanh chóng ổn định đời sống của người dân, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, chăm lo sức khỏe và an sinh xã hội cho đồng bào.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Từ 1/12/2024, tỉnh Bắc Ninh giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã, Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu, phải có phương án sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí và không để tham ô, tham nhũng, trục lợi cá nhân đối với trụ sở công, tài sản công dôi dư.
(Thanh tra) - Sáng 22/11, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã chủ trì Lễ công bố quyết định về công tác cán bộ.
Vũ Linh
14:58 22/11/2024Hương Giang
11:45 22/11/2024Hương Giang
10:49 22/11/2024Hương Giang
09:25 22/11/2024Hương Giang
17:00 21/11/2024Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền
T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân