Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Dịch COVID -19: “Chúng ta mới thắng từng trận đánh, cả cuộc chiến vẫn ở phía trước”

Hương Giang

Thứ sáu, 10/04/2020 - 21:21

(Thanh tra) -“Từ đầu đến giờ chúng ta mới chiến thắng từng trận đánh, từng chiến dịch, còn cả cuộc chiến vẫn ở phía trước. Mấy hôm nay tình hình được kiểm soát tốt hơn, nhưng không được chủ quan”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID -19 lưu ý.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID -19. Ảnh: HG

Chiều 10/4, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID -19 và Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Y tế tổ chức giao ban trực tuyến với các cơ quan báo chí tại các điểm cầu, nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 đối với các cơ quan báo chí truyền thông trong thời gian tới.

Có người bỏ lọt từ trước và đã lây nhiễm trong cộng đồng

Báo cáo sơ bộ về tình hình dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, trong lịch sử loài người chưa bao giờ xuất hiện dịch bệnh nào có sức tấn công mãnh liệt như COVID-19.

Chỉ trong vài tháng, số ca nhiễm của toàn cầu lên tới hơn 1,5 triệu người trên tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, virus gây bệnh COVID-19 cũng có rất nhiều điểm bí ẩn, nhiều câu hỏi về sản xuất vaccine, thuốc đặc trị hiện chưa có lời giải…

Với Việt Nam, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, chúng ta đã áp dụng một loạt biện pháp “chưa có trong tiền lệ” với quy mô hơn. Trong đó, cách ly toàn xã hội là một trong những giải pháp mạnh mẽ nhất.

“Giãn cách xã hội, thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho bản thân như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn chính là vaccine cho vấn đề về virus corona mới hiện nay”, ông Long nói.

Ông nhắc lại dịch SARS năm 2003, Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp, nhưng chỉ cách ly với số lượng rất nhỏ. Còn trong dịch COVID-19, Việt Nam đã thực hiện cách ly toàn xã hội.

Theo Thứ trưởng, ngay từ đầu, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo áp dụng các biện pháp phải cao hơn một mức so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)… Đồng thời, khẳng định Việt Nam không có chuyện giấu dịch vì “có giấu cũng không giấu được”.

Nêu thực tế hiện nay, số ca nhiễm có xu hướng chậm lại, giảm hơn trước đây, mỗi ngày có thể có 3-4 ca, cũng có thể có 10 ca, nhưng ông Long lưu ý không được chủ quan.

“Có một số lượng người chúng ta đã bỏ lọt và đã lây nhiễm trong cộng đồng từ thời điểm trước. Vì thế, người dân không được lơ là, mất cảnh giác, bỏ qua các quy định của cơ quan chuyên môn”, ông Long nhấn mạnh; đồng thời đề nghị mọi người thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng về cách ly xã hội; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Chúng ta chưa bao giờ hốt hoảng trong chống dịch

Cũng theo ông Long, Việt Nam đã áp dụng triệt để biện pháp cần thiết trong chống dịch: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly khoanh vùng, dập dịch, điều trị.

“Đó là chiến lược bất di bất dịch và chúng ta kiên định thực hiện. Tùy hoàn cảnh có chiến thuật khác nhau nhưng đó là chiến lược cơ bản”, ông Long khẳng định, và cho biết, Việt Nam đã chuẩn bị tất cả các kịch bản chống dịch, dù đang ở kịch bản tốt, chúng ta vẫn chuẩn bị cho tình huống xấu hơn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Đình Nam

Sau khi nghe các ý kiến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, báo chí góp một phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch. Theo ông, bên cạnh việc đưa tin, báo chí còn có nhiều bài phân tích sâu sắc, nhiều phóng sự đi vào lòng người; đồng thời, chia sẻ với các khó khăn mà báo chí gặp phải trong giai đoạn này.

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, đến giờ phút này, Việt Nam vẫn là nước có nguy cơ cao. Với dân số đông, nước ta đứng thứ 103 trên thế giới về số ca nhiễm COVID-19, nhưng lại là một trong hai nơi có trên 100 ca nhiễm và chưa có ca nào tử vong.

“Điều đó cho thấy Việt Nam có sự lãnh đạo đúng và thực thi đúng. Khi đã đúng và có lòng tin thì phải tiếp tục làm chứ không nghi ngờ gì hết”, ông Đam nói và cho rằng việc này không phải “tô hồng”.

Ông chia sẻ từ trước Tết Nguyên đán, khi chưa ai nói gì về dịch ở Việt Nam thì Bộ Y tế đã họp bàn rất cẩn thận, mời các chuyên gia, kể cả những người đã nghỉ hưu và bàn bạc rất kỹ. Đến nay, sau 3 tháng, Việt Nam rất chủ động.

“Tôi trực tiếp điều hành công việc ở Bộ Y tế, tham gia Thường trực Chính phủ, làm Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia, có thể nói rằng đến giờ phút này, Ban Chỉ đạo chưa bao giờ bị động mà luôn chủ động. Chúng ta luôn lường tình huống xấu hơn để nó không xấu đi, xấu nhất để nó không diễn ra”, ông Đam nhấn mạnh.

Với cương vị Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia, Phó Thủ tướng khẳng định, từng ngày, từng tuần, kể cả lúc bên ngoài lung lay thì chúng ta chưa bao giờ hốt hoảng,

“Diễn biến dịch bệnh đều đã được dự báo. Các con số nhiễm bệnh đều thấp hơn dự báo”, ông Đam nhấn mạnh, chúng ta dự báo đúng và đạt kết quả tốt hơn dự báo.

Tuyệt đối không chủ quan và hãy đặt niềm tin vào bác sĩ

Cũng theo Phó Thủ tướng, chúng ta đã kiên định 5 nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Nguyên tắc này tưởng như đơn giản nhưng là kiến thức được đúc kết từ những lần chống dịch trước có tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các chuyên gia và đặc biệt là được điều hành thống nhất, đồng bộ.

Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam có chủ trương đúng vì cầu thị và biết nhìn mình, phân tích rất sâu điểm yếu và mạnh của hệ thống y tế cùng nền kinh tế, xã hội nước nhà.

Vì vậy, chúng ta xác định đầu tiên phải ngăn không để nhiều người nhiễm bệnh, đã nhiễm thì ngăn không để nặng lên; vận hành tốt nguyên tắc “4 tại chỗ”.

Đặc biệt, chúng ta xác định nhân dân có vai trò quan trọng hàng đầu trong phòng, chống dịch, các lực lượng khác là nòng cốt. Từ đó, chúng ta có kế hoạch tuyên truyền vận động, người dân rất tin tưởng, ý thức cùng tham gia phòng, chống dịch.

Đề cập đến công tác phòng, chống dịch thời gian tới, Phó Thủ tướng nhiều lần nhắc đến cụm từ “tuyệt đối không được chủ quan”.

“Từ đầu đến giờ chúng ta mới chiến thắng từng trận đánh, từng chiến dịch, còn cả cuộc chiến vẫn ở phía trước. Mấy hôm nay tình hình được kiểm soát tốt hơn, nhưng không được chủ quan”, ông Đam lưu ý.

Về việc điều trị, bên cạnh phác đồ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của người bác sĩ điều trị rất quan trọng bởi mỗi bệnh nhân có thể trạng khác nhau, bệnh nền, đều kiện, tâm lý khác…

“Chúng ta hãy đặt niềm tin tuyệt đối vào bác sĩ và hãy lạc quan. Hiện nay các cơ sở điều trị đều được kết nối, được hỗ trợ trực tiếp từ các chuyên gia giỏi nhất”, Phó Thủ tướng bày tỏ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm