Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ sáu, 14/02/2025 - 11:32
(Thanh tra) - Từ thực tế có trường hợp bộ trưởng bị phê bình vì không hoàn thành nhiệm vụ nhưng xử lý trách nhiệm chưa rõ ràng, đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung cơ chế giám sát, như Thủ tướng có quyền kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm với bộ trưởng.
Góp ý về Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi sửa đổi trong phiên thảo luận hội trường sáng 14/2, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) đề cập đến vấn đề phân cấp, phân quyền và đề xuất bổ sung cơ chế giám sát của Thủ tướng với bộ trưởng như có quyền kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.
Cần bổ sung cơ chế giám sát của Thủ tướng với bộ trưởng
Dự thảo luật quy định Thủ tướng “không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách thành viên Chính phủ đối với ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách”.
Đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa). Ảnh: P.Thắng
Điều này phù hợp với vai trò, tư cách quản trị nền hành chính quốc gia, đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) nhận định.
“Nghị định 137/2020 vẫn giao Thủ tướng quyết định bắn pháo hoa ở các lễ hội. Có nghĩa những công việc sự vụ, rất nhỏ vẫn cứ giao cho Thủ tướng và cứ như vậy thì Thủ tướng không còn thời gian để làm công việc quản trị nền quản trị quốc gia”, ông Thân dẫn chứng.
Cũng tán thành với điều trên, những đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) thấy dự thảo luật chưa làm rõ cơ chế kiểm soát của Thủ tướng đối với các bộ trưởng trong trường hợp bộ trưởng thực hiện không hiệu quả nhiệm vụ được giao.
“Thực tế đã có nhiều trường hợp bộ trưởng bị phê bình vì không hoàn thành nhiệm vụ nhưng việc xử lý trách nhiệm chưa rõ ràng”, đại biểu nêu.
Từ đó, ông Bình, đề xuất bổ sung cơ chế giám sát của Thủ tướng đối với bộ trưởng, chẳng hạn: nếu bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ, Thủ tướng có quyền kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm hoặc có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của bộ đó.
Đại biểu đoàn Trà Vinh cũng đề xuất bổ sung quy định, Chính phủ phải bảo đảm quyền lực được kiểm soát hiệu quả thông qua cơ chế giám sát giữa Chính phủ, Quốc hội, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao và các cơ quan Kiểm toán Nhà nước.
“Cơ chế giám sát này phải được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật liên quan”, ông Bình nhấn mạnh.
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh)
Theo quy định tại Nghị quyết 96 năm 2023 của Quốc hội thì, bỏ phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, HĐND thực hiện quyền giám sát, đánh giá tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người không được Quốc hội, HĐND tín nhiệm.
Tại nghị quyết này quy định rõ các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm. Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong trường hợp: Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình đề nghị; có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội; có kiến nghị của ít nhất là 20% tổng số đại biểu Quốc hội; Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”.
Đề nghị bổ sung trách nhiệm của bộ trưởng liên quan việc phân quyền cho địa phương
Vấn đề nữa, khoản 3, Điều 6, dự thảo quy định “Chính phủ hướng dẫn chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền”. Nhưng đại biểu Bình thấy, dự thảo chưa làm rõ ranh giới giữa phân quyền (trao quyền quyết định độc lập) và phân cấp (trao quyền thực hiện nhưng vẫn chịu sự chỉ đạo từ trên xuống).
“Nếu không có ranh giới rõ ràng, có thể xảy ra tình trạng Chính phủ vẫn can thiệp sâu vào công việc của địa phương, làm giảm tính chủ động của chính quyền địa phương”, ông Bình nói.
Theo ông Bình, cần làm rõ khái niệm "phân quyền" và "phân cấp" theo hướng: phân quyền là chính quyền địa phương có quyền quyết định độc lập trong một số lĩnh vực như phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Còn phân cấp là việc chính quyền địa phương được giao thực hiện một số nhiệm vụ theo quy định của Chính phủ, nhưng vẫn chịu sự giám sát.
Quy định về phân quyền, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng, đây là tư duy mới đã được luật hoá, mà nhiều địa phương đang rất cần, để giải phóng các nguồn lực đang bị kìm hãm bởi điểm nghẽn về cơ chế.
Tuy nhiên, ông lo ngại để tổ chức triển khai thực hiện suôn sẻ và thông suốt các nội dung phân quyền này là hết sức khó khăn.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh). Ảnh P.Thắng
Bởi, trong thực tế, thời gian qua lãnh đạo nhiều địa phương đã có văn bản đề xuất với cơ quan có thẩm quyền hoặc kiến nghị, đề xuất trực tiếp tại các cuộc họp của Đoàn công tác lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến làm việc với các địa phương… Sau đó, có thông báo ý kiến kết luận, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại các cuộc họp đó, nhưng cũng không thể triển khai thực hiện được.
Lý do là đại diện các cơ quan có thẩm quyền cho rằng những nội dung đó chưa được quy định phân quyền cho địa phương thực hiện. Cuối cùng, "điểm nghẽn cũng chỉ là điểm nghẽn".
Do vậy, ông Tuấn đề xuất bổ sung quy định vào luật trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là thành viên Chính phủ, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc phân quyền cho địa phương khi có đủ điều kiện, năng lực cần thiết, đồng thời phải bổ sung quy định giám sát chặt chẽ nội dung này.
“Có như vậy, việc phân quyền mới thực sự hiệu quả và các điểm nghẽn mới được tháo gỡ, các nguồn lực…. mới có thể được giải phóng tốt nhất, nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước”, theo nhận định của ông Tuấn.
Đại biểu đề cũng nghị, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thi hành các luật được thông qua tại kỳ họp này.
Đặc biệt, theo ông Tuấn, rất cần ban hành một Nghị định quy định về “phân cấp, phân quyền” theo hướng rõ ràng, minh bach và chặt chẽ để các chủ thể phân cấp, phân quyền và chủ thể được phân cấp, phân quyền dễ dàng triển khai thực hiện một cách thông suốt, hiệu quả.
“Nếu chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu của Ban chấp hành Trung ương Đảng đề ra, đó là đưa bộ máy mới… vừa được sắp xếp đi vào hoạt động, đảm bảo hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả, phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng GDP 8,0% trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số từ năm 2026”, đại biểu đoàn Trà Vinh giải thích.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 664/QĐ-TTg ngày 25/3/2025 kiện toàn Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
T. Minh
(Thanh tra) - Ngày 26/3, Tỉnh ủy Hà Nam tổ chức hội nghị quán triệt Công văn số 43-CV/BCĐ, ngày 20/3/2025 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW về kế hoạch tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trương Quốc Huy chủ trì hội nghị.
Chính Bình
Hải Hà
Hương Giang
Minh Tân
T. Minh
Thùy Dương
Trần Lê
Hoàng Nam
Trần Quý
Nguyễn Điểm
Bùi Bình
Phúc Anh
Hoàng Nam
Phương Anh