00:00
00:00
00:00

Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Có việc giao Thủ tướng tưởng quyền to, nhưng thực tiễn không phù hợp”

Hương Giang

Thứ tư, 12/02/2025 - 14:17

(Thanh tra) - Nhấn mạnh cần phân cấp, phân quyền nhiều hơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn câu chuyện thực tế như việc điều tiết, phá đập cứu dân hay không thì giao bộ trưởng, chứ giao Thủ tướng tưởng quyền là to, nhưng thực tiễn là không phù hợp.

Vấn đề này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập khi phát biểu tại tổ cho ý kiến về Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), sáng 12/2.

Người đứng đầu Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh quan điểm phải tạo dư địa và không gian sáng tạo để các chủ thể liên quan có thể sáng tạo trong điều hành và giải quyết những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn.

Theo Thủ tướng, cả nước đang tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy để xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đi kèm với đó là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức để phù hợp với bộ máy tổ chức mới.

Công việc này sắp xong, cố gắng trong tháng 2 hoàn thiện tất cả tổ chức bộ máy mới để tháng 3 đưa vào vận hành, Thủ tướng cho hay và nhận định, “bộ máy mới đi vào vận hành sẽ trơn tru, cũng có thể có vướng mắc, trục trặc, nhưng vướng thì điều chỉnh”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: P.Thắng

Một việc chỉ giao một cơ quan để rõ trách nhiệm

Với tinh thần “đúng vai, thuộc bài”, Thủ tướng cho rằng cần phân biệt rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, vì càng rõ càng dễ đánh giá và xác định trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần phân cấp, phân quyền để “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ quan điểm một cơ quan có thể làm nhiều việc nhưng một việc chỉ giao một cơ quan, để rõ trách nhiệm. 

Dẫn chứng, Thủ tướng đề cập trong siêu bão Yagi năm vừa qua, việc có phá đập Thác Bà hay không, có di dân hay không, phải có người quyết định. Từ thực tế này, ông cho rằng với những vấn đề biến động, cần trao quyền cho cơ quan hành pháp.

“Như tôi phải đứng trước quyết định có phá đập Thác Bà hay không, rất mong manh. Thẩm quyền này giao Thủ tướng cũng không phù hợp. Người quản lý đê điều là Bộ trưởng Nông nghiệp, phá đập hay không thì giao cho bộ trưởng, chứ giao Thủ tướng tưởng quyền là to, nhưng thực tiễn là không phù hợp”, Thủ tướng nêu quan điểm.

Quy định như vậy thành ra Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cứ phải đợi Thủ tướng, trong khi ông đi chống bão, di chuyển liên tục. 

“Tôi phải cử Phó Thủ tướng Lê Thành Long lên đó, chịu trách nhiệm trong trường hợp không liên hệ được với tôi. Trong khi đó, chỉ ông bộ trưởng ở đó và chịu trách nhiệm là được rồi. Tại sao lại phải qua cấp trung gian là báo cáo Thủ tướng, mà Thủ tướng có ngay ở đó để giải quyết được đâu”, Thủ tướng nêu thực tế.

Tương tự là câu chuyện điều tiết hồ Thác Bà để không vỡ đê Hoàng Long, cũng phải báo cáo Thủ tướng. “Rõ ràng việc điều tiết, phá đập hồ Thác Bà thì bộ trưởng quyết được, sao phải lên đến Thủ tướng”, người đứng đầu Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh việc phân cấp, phân quyền rất quan trọng.

Tạo không gian sáng tạo đi kèm bảo vệ cán bộ

Nhấn mạnh cuộc sống diễn ra rất nhanh, luật không thể dự báo được, Thủ tướng góp ý luật pháp cần quy định khung mang tính nguyên tắc, để dư địa cho cơ quan hành pháp linh hoạt thực hiện chính sách hiệu quả, miễn là không tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm. 

Đi kèm với chính sách tạo sự chủ động, sáng tạo, Thủ tướng nhấn mạnh phải có chính sách bảo vệ cán bộ.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ về Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Ảnh: P.Thắng

Nhắc lại chuyện trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lếu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, quyết định sơ tán tất cả người dân trong cơn bão Yagi, Thủ tướng đặt ra tình huống: Nếu trong quá trình di chuyển có chỗ sạt lở mà chết người dân thì sao? Người dân an toàn thì ông là anh hùng, nhưng nếu không may trong quá trình di chuyển lại vào chỗ sạt lở, người dân bị vùi lấp, ông trưởng thôn sẽ thành tội đồ!

“Nhưng đó là cách làm sáng tạo, và trưởng thôn thấy người dân ở chỗ nguy hiểm nên sẵn sàng chịu trách nhiệm khi di dời người dân”, Thủ tướng nhấn mạnh với mục đích vô tư đó, luật pháp phải bảo vệ những người như thế.

Góp ý thêm về quy trình, Thủ tướng cho rằng “phải nhanh”. Tiết kiệm thời gian, phát huy trí tuệ và hành động quyết đoán, theo ông, là ba yếu tố quyết định thành công trong công việc.

“Để xử lý vấn đề cá biệt, cấp bách thì phải là trách nhiệm cá nhân, chứ lúc đó mang ra bàn thì như người dân nói đùa là cái gì không muốn làm thì mang ra bàn để có anh nào nói không làm thì thôi” người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh cần đề cao trách nhiệm cá nhân và có cơ chế bảo vệ những người đó.

“Chuyển vai nhiều về cho Chính phủ”

Nhận định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) trình Quốc hội lần này có 2 thay đổi lớn, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nói, đầu tiên là sự linh hoạt trong quá trình soạn thảo, rút ngắn nhiều khoảng thời gian để có thể đẩy nhanh tiến độ ra quyết sách. 

Hai là, “chuyển vai nhiều về cho Chính phủ”, Quốc hội chỉ thông qua hoặc không thông qua luật; nội dung luật sẽ là luật khung, luật ống còn chi tiết thì Chính phủ làm. Việc này, theo ông Đồng có thể được coi là một hình thức để linh hoạt hoá quá trình soạn thảo quy định, bởi quy trình xây dựng nghị định linh hoạt hơn so với làm luật. 

Nhưng đại biểu băn khoăn khi rút ngắn các thời gian lấy ý kiến, tham vấn, đăng tải công khai. Từ đó, ông Đồng kiến nghị vấn đề đăng tải công khai và lấy ý kiến cần làm kỹ để bổ khuyết lại cho những rủi ro của quy trình linh hoạt.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) hoan nghênh nội dung sửa đổi lần này, nhất là việc bổ sung các quy định nâng cao chất lượng báo cáo đánh giá tác động chính sách.

“Phải đánh giá tác động đến các nhóm đối tượng khác nhau, cả tích cực và tiêu cực. Luật pháp một số nước chặt chẽ, yêu cầu đánh giá tác động viết tiêu cực trước, tích cực sau. Họ nói làm chính sách trước tiên phải nghĩ tác động tiêu cực của chính sách đến xã hội”, ông Hiếu nêu quan điểm.

Ông Hiếu cũng đề xuất bổ sung yêu cầu cơ quan thẩm định phải đánh giá chất lượng của báo cáo đánh giá tác động chính sách. Theo ông, báo cáo thẩm định phải thể hiện rõ báo cáo đánh giá tác động đủ chất lượng hay không để tiếp tục trình dự thảo luật.

Khi chính sách có sự thay đổi, điều chỉnh trong quá trình soạn thảo, tiếp thu, chỉnh lý thì báo cáo đánh giá tác động cũng phải cập nhật, tránh “treo đầu dê, bán thịt khác”, đại biểu đoàn Thái Bình góp ý.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm