Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề xuất cho Đà Nẵng được quyết biên chế cán bộ, có kiểm soát của Trung ương

Hương Giang

Thứ sáu, 07/06/2024 - 14:58

(Thanh tra) - Đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội phân quyền quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức cho TP Đà Nẵng, có sự kiểm soát, kiểm tra, thanh tra của Trung ương.

“Nếu phân cấp cho TP Đà Nẵng thẩm quyền quyết định một phần biên chế cán bộ, công chức của TP thì có thể gọi đó là “phân cấp nửa vời”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh. Ảnh: P.Thắng

Quốc hội thảo luận ở hội trường Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, sáng 7/6.

Đề xuất bầu chủ tịch trực tiếp bằng lá phiếu của nhân dân

Nêu ý kiến, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) nói, về tổ chức chính quyền đô thị, dự thảo nghị quyết lần này đưa vào 9 chính sách.

Những chính sách này, theo ông Kim sẽ tháo gỡ được vướng mắc, đặc biệt tổ chức bộ máy, biên chế được liên thông trong quá trình quy hoạch đào tạo, sử dụng cơ chế tài chính và quyền hạn.

“Trong vấn đề này, tôi thấy cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn”, đại biểu đoàn Nam Định nói.

Ông chia sẻ, có lần ông đã mạnh dạn đề xuất “nên chăng TP chúng ta bầu chủ tịch trực tiếp bằng lá phiếu của nhân dân”. Đề xuất này khi đưa ra, có người ủng hộ, có người không.

Cho rằng, đề xuất trên tiến thêm một bước đi dân chủ, ông Kim đề nghị đại biểu Quốc hội, Đảng, Chính phủ quan tâm.

“Quy trình làm như thế nào hồi đó tôi trình bày tương đối rõ, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, đảm bảo sự thống nhất của HĐND, giới thiệu của Mặt trận Tổ quốc và đưa ra ứng cử để tiến hành làm việc này. Đó là vấn đề trong chính quyền đô thị, tôi rất mong muốn điều đó, nhưng bây giờ cũng chưa thấy gì”, đại biểu Vũ Trọng Kim nói.

Đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An)

Cũng quan tâm đến mô hình chính quyền đô thị, đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) ủng hộ thành lập Sở An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng vì “mang tính tất yếu”.

“Chính sách này đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại TP Hồ Chí Minh, phù hợp với đặc thù của TP phát triển mạnh về du lịch, dịch vụ như Đà Nẵng”, theo ông Minh.

Đại biểu cho hay, qua nghiên cứu các tài liệu, hồ sơ của dự thảo nghị quyết thì  hằng năm TP phải nhập gần 90% nông sản, thực phẩm. Ban Quản lý an toàn thực phẩm của Đà Nẵng từ khi thành lập đến nay đạt được nhiều kết quả, nhưng mô hình này gặp nhiều khó khăn, do chưa có các quy định pháp luật dành riêng cho cơ quan chuyên môn quản lý về an toàn thực phẩm.

Khi thành lập Sở An toàn thực phẩm, ông Minh nói, biên chế sẽ được chuyển nguyên trạng từ Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.

“Sở này được UBND TP giao biên chế trên cơ sở vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng biên chế hành chính, số lượng người làm việc của TP, đảm bảo yêu cầu không tăng đầu mối biên chế”, đại biểu Trần Nhật Minh phát biểu.

Được quyết một phần biên chế là “phân cấp nửa vời”

Với các cơ chế chính sách đặc thù, nhất là 5 chính sách mới, ông Vũ Trọng Kim cho rằng, đây là “cú hích”, có thể tạo động lực cho Đà Nẵng.

Ông cũng bày tỏ rất ủng hộ việc thành lập Khu Thương mại tự do. Nhưng, ông Kim băn khoăn khi Ban Quản lý Khu Thương mại tự trực tiếp giải quyết các thủ tục về xây dựng, đất đai, đầu tư, môi trường, lao động, xuất xứ hàng hóa.

“Tôi đề nghị làm rõ các mối quan hệ của UBND TP, Chủ tịch TP với Ban Quản lý để đảm bảo sự lãnh đạo, điều hành và giám sát Khu Thương mại tự do”, ông Kim nêu.

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim. Ảnh: P.Thắng

Việc này, theo ông, để khỏi vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. “Anh giao quyền cho người ta nhiều như thế thì mối quan hệ của chính quyền TP như thế nào, cần quan tâm thêm”, ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh.

Trong khi, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) đề nghị phân quyền, phân cấp mạnh hơn nữa để phát huy vai trò tự quản, tự chịu trách nhiệm của TP trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính và chế độ công vụ.

Ông Đồng nhận xét, dự thảo nghị quyết đã có một bước rất tiến bộ dù chưa sửa Luật Cán bộ, công chức. Đó là không phân biệt cán bộ, công chức ở xã, phường với cấp huyện, cấp tỉnh.

“Nói chính xác là cán bộ, công chức làm việc ở xã, phường không còn gọi là cán bộ, công chức cấp xã nữa, mà được xác định rõ ràng là cán bộ, công chức và thuộc tổng biên chế của TP Đà Nẵng”, theo lời ông Đồng.

Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết chỉ giao thẩm quyền quyết định biên chế cán bộ, công chức làm việc ở phường, xã tại TP Đà Nẵng cho HĐND TP Đà Nẵng quyết định chưa thể hiện triệt để chủ trương của Đảng là đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền.

“Nếu phân cấp cho TP Đà Nẵng thẩm quyền quyết định một phần biên chế cán bộ, công chức của TP thì có thể gọi đó là “phân cấp nửa vời”, đại biểu đoàn Quảng Trị phát biểu.

Ông Đồng nói, biên chế cán bộ, công chức ở TP Đà Nẵng theo dự thảo nghị quyết là một khối thống nhất từ TP tới quận, phường.

“Đề nghị Quốc hội phân quyền quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức cho TP Đà Nẵng, có sự kiểm soát, kiểm tra, thanh tra của Trung ương”, đại biểu Hà Sỹ Đồng góp ý.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm