Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

ĐBQH Đặng Hoàng Tuấn: Muốn huy động sức dân, phải công khai, minh bạch

Thứ bảy, 05/11/2016 - 10:07

(Thanh tra) - “Để huy động được toàn xã hội tham gia đóng góp sức người, sức của xây dựng nông thôn mới thì cần phải công khai, minh bạch các công việc. Người dân phải được thông tin đầy đủ, đa chiều”.

ĐBQH Đặng Hoàng Tuấn (Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An)

ĐBQH Đặng Hoàng Tuấn (Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An) nhấn mạnh như vậy tại phiên thảo luận tại Quốc hội về xây dựng nông thôn mới chiều ngày 4/11.

Theo ông Đặng Hoàng Tuấn, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, là một chủ trương rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước, phù hợp với lòng dân.

“Chủ trương này đã được người dân, đồng tình  hưởng ứng tham gia một cách tích cực”, ĐB nói và dẫn chứng, con số 107 tỷ đồng người dân, cộng đồng đóng góp thực hiện chương trình trong 5 năm.

Tuy nhiên, ĐBQH tỉnh Long An cho rằng, cơ chế quản lý, thanh quyết toán vốn đầu tư đối với công trình do ngân sách nhà nước hỗ trợ dưới 50% là chưa cụ thể, làm ảnh hưởng đến việc theo dõi, giám sát, huy động sự đóng góp của cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới.

“Để huy động được toàn xã hội tham gia đóng góp sức người, sức của xây dựng nông thôn mới thì cần phải công khai, minh bạch các công việc. Người dân phải được thông tin đầy đủ, đa chiều. Nếu người dân hiểu kỹ được các vấn đề thì sẽ xóa được tư tưởng trông chờ, ỷ lại và tích cực đóng góp”.

Một vấn đề khác được ông Đặng Hoàng Tuấn lưu ý là tình trạng lãng phí khi xây dựng nông thôn mới.

“Nhiều xã cố gắng xây dựng chợ, nhưng không có người vào buôn bán, chợ mới ra đời mà đã không làm đúng nhiệm vụ của mình. Tiếp đến, là việc xây dựng các Nhà văn hóa, Bưu điện, cộng với trang thiết bị cơ sở vật chất phục vụ phải tốn từ 2 đến 3 tỷ, chưa kể tiền đất nhưng hiệu quả sử dụng rất thấp”.

Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp thì chưa ổn định, bền vững do giá cả vật tư, nông sản luôn biến động, hàng gian, hàng giả, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón kém chất lượng, được sản xuất và kinh doanh tràn lan.

Cho nên, cần tăng cường đầu tư cho hoạt động khoa học - công nghệ, có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản. Cũng như khuyến khích nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất…

“Còn công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, Chính phủ nên nghiên cứu chủ trương giao cho 1 Bộ quản lý”, ĐB Tuấn kiến nghị giao cho Bộ Công Thương trực tiếp quản lý, nhằm xác định rõ trách nhiệm và tăng cường hiệu lực quản lý trên lĩnh vực này.

Vị Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An cũng cho rằng, cần xem xét điều chỉnh một số tiêu chí cho phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương, phù hợp theo vùng, miền; có những điều chỉnh về cách làm, cơ chế, chính sách để thực sự đảm bảo vai trò chủ thể của người dân trong cộng đồng, trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng xây dựng nông thôn mới.

“Muốn nâng cao đời sống người dân nông thôn, ngoài việc đầu tư tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển, nhà nước phải có cơ chế chính sách chuyển dịch nhanh, cơ cấu lao động tại địa phương, theo hướng chuyển sang dịch vụ nông, công nghiệp với phương châm: “ly nông bất ly hương””.

Theo ĐB Tuấn, xây dựng dựng nông thôn mới, nhằm rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, tiến tới đảm bảo công bằng xã hội nên nhất thiết phải có kết quả, hiệu quả mới.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm