Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 04/11/2016 - 19:33
(Thanh tra) - Hôm nay 4/11, Quốc hội dành một ngày thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết, quá trình xây dựng nông thôn mới còn nhiều bất cập, lãng phí
Ai cũng hô nhưng làm chưa bài bản, căn cơ
Trong 5 năm cả nước đã huy động được khoảng 851.380 tỷ đồng đầu tư cho chương trình. Đến nay, đã có 2.061 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (đạt 23%), có 27 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Tại phiên thảo luận, các ĐBQH thống nhất đánh giá, từ kết quả thực hiện chương trình, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi nhất là hệ thống giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội; mô hình sản xuất tập trung bước đầu được hình thành, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, một số tiêu chí đưa ra bất hợp lý gây lãng phí. ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chỉ ra, không ít chợ xây xong đã lãng phí, trong lúc đó lại thiếu tiền đầu tư cho cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, trạm y tế, đặc biệt là các nhà văn hóa ở từng thôn, bản.
“Cá biệt còn có những cán bộ ở xã, phường, thôn, bản lợi dụng chương trình để tham ô, gây nhiều đơn thư khiếu kiện tố cáo, làm mất niềm tin trong xây dựng nông thôn mới”, ông Phương cho biết.
Theo ĐB Phương, thời gian tới, phải làm tốt công tác tuyên truyền và không đánh đồng tiêu chí vì mỗi vùng, miền có một tiêu chí khác nhau, đặc điểm kinh tế khác nhau và điều kiện khác nhau.
“Nếu nông thôn nghèo đói, bất ổn định về chính trị thì ai cũng tìm cách để lên TP. Chúng ta suy từ chúng ta mà nên, bây giờ phải nói rất nhiều các ĐB trong chúng ta ngồi đây nhưng tìm cách cho con cái làm nhà, mua nhà ở Hà Nội. Nếu mình không có thay đổi sẽ lặp lại”, ĐBQH tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh.
ĐBQH Võ Kim Cự nêu: "Ai cũng hô làm nhưng làm cho bài bản, căn cơ là chưa rõ”
Đồng ý xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp là vấn đề cấp bách, cần có chiến lược lâu dài, nhưng Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Võ Kim Cự cũng cho rằng, hiện tại còn đang bế tắc ở 3 vấn đề.
Trong đó việc tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường - một mệnh lệnh sản xuất chưa được tập trung cao. “Còn có sự phân tán giữa các ngành và địa phương. Ai cũng hô làm nhưng làm cho bài bản, căn cơ là chưa rõ”, ông Cự đánh giá.
Ông cũng cho rằng, hình thái tổ chức sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, tự cung tự cấp. Hiện chỉ có 1% doanh nghiệp trong nông nghiệp có hình thức thương mại. Cho nên, cần phải điều chỉnh quy hoạch sản phẩm chủ lực theo vùng, liên vùng để tạo ra vùng nguyên liệu chế biến chung, dùng chung được hạ tầng cảng, sân bay, nước sâu...
Chi tiền tỷ, nhà văn hóa “cửa đóng, then cài”, khu thể thao “vắng lặng, đìu hiu”
Theo ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước), không thể không đặt vấn đề về mức độ tương xứng của kết quả đạt được với chi phí bỏ ra, cũng như không thể phớt lờ những hệ lụy nghiêm trọng, lâu dài, nhiều xã, nhiều gia đình nông thôn, đặc biệt là những gia đình nghèo phải gánh chịu.
ĐBQH tỉnh Bình Phước Nguyễn Tuấn Anh
“Cần phải điều tra, thống kê đầy đủ, công bố tình trạng nợ của các xã, số lượng hộ nông dân lâm vào tình trạng bị huy động quá sức dẫn đến phá sản, đánh giá việc chi tiêu ngân sách cho chương trình này cũng như mức độ tác động của nó đến tình trạng ngân sách chung”.
Theo ĐBQH tỉnh Bình Phước dẫn ngay ví dụ khảo sát ở tỉnh Bình Phước, tổng vốn đầu tư trung bình trong một đồ án quy hoạch được phê duyệt cho một xã nông thôn mới khoảng 175 tỷ đồng. Tỉnh có 100 xã, tổng vốn để Bình Phước triển khai công việc này đến năm 2025 là 175 nghìn tỷ.
“Chia cho 11 năm tính ra mỗi năm tỉnh Bình Phước phải chi 15 nghìn tỷ cho riêng chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong khi đó mỗi năm ngân sách tỉnh thu khoảng 4 nghìn tỷ”, ông Nguyễn Tuấn Anh tính toán.
Cho nên, phải tập trung tạo năng lực phát triển cốt lõi cho nông nghiệp, nông thôn trên hai tuyến lực lượng chủ thể trong nông nghiệp và năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp chủ lực cho mỗi địa phương.
Ở đây, lực lượng chủ thể mới trong nông nghiệp chính là doanh nghiệp. Doanh nghiệp liên kết với nông dân, với sự hỗ trợ khuyến khích của nhà nước.
“Không có doanh nghiệp dẫn dắt, không phát triển nông nghiệp theo hướng kinh doanh thị trường mới, hướng tới sản phẩm chất lượng cao, khối lượng lớn ngày càng dựa vào công nghệ để phát huy lợi thế đặc sản khác biệt, nông nghiệp sẽ không thể phát triển, nông thôn sẽ không thể khang trang, người nông dân sẽ không thể trở nên giàu có thì sẽ không có ý nghĩa gì”, ông Nguyễn Tuấn Anh lưu ý.
ĐBQH tỉnh Nguyễn Sỹ Cương
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương (ĐBQH tỉnh Ninh Thuận) nêu vấn đề, để chạy theo thành tích trước sức ép hoàn thành các tiêu chí, nhiều địa phương đã tự xoay sở tìm mọi cách huy động nguồn lực phục vụ chương trình, dẫn đến các khoản nợ không có khả năng thanh toán.
“Theo số liệu thống kê, nhiều tỉnh “sa lầy” trong nợ đọng xây dựng cơ bản nông thôn mới. Tôi phải dùng từ "sa lầy" vì có những tỉnh gần 1.000 tỷ”.
Cũng theo ông Cương, thực tế, sau khi đầu tư xây dựng với số tiền hàng chục tỷ, nhiều nhà văn hóa vẫn “cửa đóng, then cài”, còn khu thể thao thì “vắng lặng, đìu hiu”. Một ví dụ nhỏ nữa trong việc lãng phí đó là khi đi qua những nơi được công nhận nông thôn mới không hiểu vì sao nhiều pano, khẩu hiệu đến thế.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương kiến nghị, cần xác định rõ mục tiêu phấn đấu cho từng giai đoạn; tổ chức kiểm tra, giám sát tập trung vào những vấn đề quan trọng. Cùng với đó, thanh tra, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, hành vi lợi dụng chương trình để trục lợi.
Trình bày báo cáo kết quả giám sát “việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015) gắn với tái cơ cấu nông nghiệp”, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để tăng cường quản lý vốn đầu tư, khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, tuy nhiên, các địa phương nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn lớn.
53/63 tỉnh, TP có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng. Cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán gây dư luận không tốt trong nhân dân là huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu nợ 397 tỷ đồng.
Các địa phương có số nợ đọng lớn tập trung chủ yếu ở khu vực phía bắc (Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ) là khu vực có phong trào xây dựng nông thôn mới dẫn đầu cả nước. Hai khu vực này có số nợ đọng lớn nhất chiếm tới 75,3% số nợ đọng của cả nước (trong đó Đồng bằng sông Hồng chiếm 55,2% số nợ đọng).
Tổng số nợ đọng tại các xã đã được công nhận đạt chuẩn đến ngày 31/01/2016 là 7.157,7 tỷ đồng (chiếm 46,9% số nợ đọng cả nước); có 1.147 xã đạt chuẩn (chiếm 62,5% ) nợ đọng với mức nợ bình quân khoảng 6,24 tỷ đồng/xã.
Sau giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ xây dựng kế hoạch, lộ trình sớm xử lý dứt điểm trước năm 2019, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới. Riêng các địa phương tự cân đối ngân sách (trừ tỉnh Quảng Ngãi) phải chủ động sử dụng ngân sách địa phương để cơ bản xử lý dứt điểm số nợ đọng trước tháng 6 năm 2018.
Đối với nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh sau khi có chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ thì kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân người đứng đầu nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản sai qui định trong thực hiện chương trình.
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều ngày 12/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã tổ chức hội nghị thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Hà Nam. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW.
Chính Bình
21:26 12/12/2024(Thanh tra) - Chiều 12/12, tại buổi làm việc với Bộ Ngoại giao, Chủ tịch nước Lương Cường đã yêu cầu ngành Ngoại giao làm tốt hơn nữa công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy, đào tạo, đánh giá cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18 về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
T.T
21:06 12/12/2024Hương Giang
20:49 12/12/2024Thu Huyền
20:30 12/12/2024Trọng Tài
20:27 12/12/2024Trần Kiên
19:26 12/12/2024Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC
Thái Hải