Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Dấu ấn nhân sự, cán bộ và “lò nóng lên rồi”

Thứ tư, 06/02/2019 - 13:32

(Thanh tra)- Năm 2018 khép lại với loạt sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, đó là: Quốc hội thống nhất cao bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước; công tác cán bộ, đặc biệt là quy hoạch nhân sự vào Trung ương (T.Ư); cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực không có "vùng cấm", không có ngoại lệ…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ trước Quốc hội. Ảnh: GH

1. Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước: Tạo động lực cải cách bộ máy

Lần đầu tiên kể từ thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh đạo đứng đầu Đảng đồng thời đảm nhiệm chức vụ đứng đầu Nhà nước, đại diện thống nhất của quốc gia về đối nội và đối ngoại.
Sau khi được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tuyên thệ: “Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, nỗ lực làm hết sức mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.

Với sự kiện này, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận định, Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước là bước chuyển biến ở cấp cao nhất, cũng là một xu thế tất yếu.

“Trong lịch sử Việt Nam, có những giai đoạn với đòi hỏi khác nhau, sự phân công lãnh đạo cấp cao tham gia vào vị trí của Nhà nước cũng khác nhau. Lần này, rõ ràng điều kiện lịch sử tạo ra một cơ hội để chúng ta áp dụng mô hình Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước”, ĐBQH Lê Thanh Vân nói.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách, Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước đem lại thuận lợi trong nhiều mặt. Trước hết, vai trò lãnh đạo Đảng và vai trò lãnh đạo Nhà nước hoàn toàn thuận lợi. Hiện Tổng Bí thư đang là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng (PCTN). Ở cương vị Chủ tịch nước là người lãnh đạo toàn diện các lực lượng vũ trang, cải cách tư pháp. Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước sẽ có kết hợp sử dụng quyền hạn, trách nhiệm của mình đầy đủ và có hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Đảng là đứng đầu Nhà nước thì xử lý những việc thuộc trách nhiệm, quyền hạn của mình sẽ rất nhanh, ứng phó được ngay.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết của T.Ư về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, chúng ta đang hợp nhất các chức danh lãnh đạo cấp uỷ với chính quyền, thì đây là bước chuyển ban đầu ở cấp cao nhất, cho thấy xu thế chung trong cải cách bộ máy hành chính, lồng ghép các chức năng nhiệm vụ, giảm bớt gánh nặng về ngân sách.

ĐBQH Lê Thanh Vân, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách. Ảnh: GH

Trước ý kiến lo ngại về việc một người nắm giữ chức vụ cao, tập trung như vậy có bị lạm quyền không, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, không đáng lo. Vì chúng ta có cơ chế kiểm soát và quan trọng hơn là người lãnh đạo chúng ta lựa chọn đã có những phẩm chất xứng đáng.

“Người nắm giữ quyền hạn mà liêm khiết, trí tuệ, biết tập hợp được khối đại đoàn kết toàn dân, huy động được sức mạnh của nhân dân, đặc biệt phát huy dân chủ, trọng dụng nhân tài thì quyền hạn, trách nhiệm lồng ghép đó sẽ được phát huy tối đa. Và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người như vậy”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách khẳng định.

2. Chọn cán bộ: Không “xếp hàng”, phải có đột phá

Năm 2018, Ban Chấp hành T.Ư Đảng ban hành 2 văn bản quan trọng về công tác cán bộ, trực tiếp hướng tới cán bộ cấp cao, chuẩn bị cho việc giới thiệu nhân sự vào Ban Chấp hành T.Ư khóa tới.

Đó là, Nghị quyết T.Ư 7 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ và Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư.

Tại Hội nghị T.Ư 9, Ban Chấp hành T.Ư Khóa XII cũng cho ý kiến về việc quy hoạch Ban Chấp hành T.Ư Đảng nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Toàn cảnh hội nghị T.Ư 9. Ảnh: GH

Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bày tỏ, cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có vai trò quyết định đến sự nghiệp phát triển của đất nước. Nhưng làm công tác cán bộ lại khó nhất vì phải đánh giá con người để chọn lọc.

“Nhìn lại thời gian vừa qua, tôi thấy, công tác cán bộ của chúng ta còn nhiều thiếu sót. Biểu hiện như: Không có quy hoạch dài hạn nên không tạo được nguồn một cách căn cơ. Chính sách, quy định của pháp luật còn sơ hở, tạo ra “danh hão” về bằng cấp. Rồi luân chuyển cán bộ có nơi còn tùy tiện, dẫn đến hiện tượng “chạy luân chuyển” để sau đó được đề bạt và còn thiếu dân chủ trong công tác cán bộ”, ông Mão nói.

Sự thiếu rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao giảm sút dẫn đến phai nhạt lý tưởng cũng khiến vị nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lo lắng. “Nhiều đồng chí khi còn trẻ tích cực tu dưỡng, phấn đấu nhưng khi đạt tới cấp cao hơn thì buông lơi, thậm chí “xả láng” nên biến thành thoái hóa, hư hỏng”.

Vậy làm thế nào để chọn được người có đủ đức, đủ tài, không để “lọt” những phần tử xấu vào bộ máy Nhà nước? Theo ông Vũ Mão, trước hết, vẫn cần có quy hoạch dài hạn để tạo nguồn một cách căn bản, tránh tình trạng “ăn sổi”. Cùng với đó, cần có quy hoạch ngắn hạn. Đặc biệt, phải đưa ra những tiêu chuẩn, nhất là cấp chiến lược một cách chính xác là không tham nhũng, không cơ hội.

“Trong quá trình ấy không thể “xếp hàng”, tuần tự như tiến mà phải có đột phá. Muốn có đột phá thì phải có phát hiện và lấy ý kiến rộng rãi từ dưới lên trên, rồi phải có tranh cử để chọn lọc cán bộ”, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lưu ý.

Ông cũng nhấn mạnh, phải kiên quyết xử lý ngay và đi đến cùng các trường hợp cán bộ vi phạm pháp luật đã phát hiện và có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Hoàn thiện hệ thống pháp luật để trên cơ sở đó thực sự phát huy vai trò quản lý Nhà nước. Đồng thời, mở rộng dân chủ trong quy hoạch, đề bạt cán bộ vì nhân dân là “tai mắt” chính xác, khách quan.

Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: GH

3. “Lò nóng lên rồi”, thêm nhiều cán bộ sai phạm bị xử lý

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được triển khai mạnh mẽ. Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri ở Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ, “sở dĩ tôi nói hình ảnh “lò nóng lên rồi” là tất cả đều vào cuộc”.

“Nhân dân thì đóng góp ý kiến, Đảng hệ thống, đề ra đường lối, các cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm toán, kiểm sát, tòa án, tất cả các khâu công tác tư pháp đều làm nhịp nhàng. Khâu nào yếu là phải chỉnh ngay, mắt xích nào hỏng phải thay ngay”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, chống tham nhũng là phải vừa kiên quyết, quyết liệt nhưng phải rất nhân văn. Và PCTN “không bao giờ chùn lại, chùng xuống”, “Ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”.

Minh chứng cho những chỉ đạo mạnh mẽ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là danh sách loạt cán bộ bị kỷ luật trong năm qua.

Có thể kể đến, Ban Chấp hành T.Ư đã tiến hành xem xét thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức: Cách chức Ủy viên T.Ư Đảng khoá XII; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.

Trong vụ AVG, ông Nguyễn Bắc Son bị cách chức Uỷ viên T.Ư Đảng Khoá XI, xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT); ông Trương Minh Tuấn bị cảnh cáo, cho thôi chức vụ Bộ trưởng Bộ TT&TT; ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư bị khiển trách. 3 Thứ trưởng TT&TT, Tài chính, Văn phòng Chính phủ cũng bị kỷ luật…

Thương vụ Mobifone mua AVG. Ảnh: GH

Liên quan đến Vũ “nhôm”, 2 nguyên Thứ trưởng Bộ Công an là cựu Thượng tướng Trần Việt Tân, cựu Trung tướng Bùi Văn Thành bị giáng cấp bậc hàm, nhận kỷ luật, bị khởi tố hình sự. Hay vụ đường dây đánh bạc nghìn tỷ, ngoài cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh, cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa lĩnh án tù, 3 tướng Công an khác cũng bị kỷ luật cảnh cáo…

“Chưa bao giờ trong 1 năm mà Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị xử lý nhiều cán bộ cao cấp như vậy cả”, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) nhận định và khái quát, cuộc đấu tranh PCTN, tha hoá năm 2018 đã “tạo ra bước ngoặt, củng cố lòng tin của đảng viên, người dân với Đảng. Qua đây Đảng và Nhà nước trưởng thành, mạnh lên nhiều”.

Theo Tướng Cương, từ cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tha hoá đã giúp các cơ quan Nhà nước nhận diện rõ, quản lý Nhà nước còn yếu kém, hệ thống pháp luật còn sơ hở. Đặc biệt là thấy được, giám sát quyền lực còn lỏng lẻo và công tác cán bộ có khuyết điểm.

Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an). Ảnh: GH

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cho rằng, có 2 nguyên nhân khiến cán bộ tha hóa, hư hỏng. Đầu tiên là do bị “đồng tiền quật ngã”. Thứ 2 là do công tác quản lý cán bộ các giai đoạn trước yếu kém, được thể hiện trong giám sát quyền lực và kiểm tra cán bộ.

“Tập đoàn Dầu khí biết nhiều sai phạm của ông Đinh La Thăng tại sao không nói. Trong Thành uỷ TP Hồ Chí Minh không thể không biết sai phạm của ông Tất Thành Cang”, Thiếu tướng Cương nêu và nhấn mạnh, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế giám sát quyền lực, cũng như quy trình đề bạt cán bộ phải chặt chẽ hơn.

Theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), trên đời này không có cái cân nào cân được đức và tài. Cho nên, phải thi tuyển cán bộ, công khai, có tuyển chọn bằng các phương pháp. “Con đường duy nhất là bằng con đường cạnh tranh, không cạnh tranh thì mọi nghị quyết đều vô nghĩa. Và khi đã là cán bộ thì phải giám sát, kiểm tra”, ông Lê Văn Cương lưu ý.

Giang Hương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm