Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Công nhân, người lao động không phải đóng thuế thu nhập mới được mua nhà xã hội?

Hương Giang

Thứ hai, 05/06/2023 - 15:20

(Thanh tra)- Trước ý kiến đề nghị công nhân, người lao động không phải nộp thuế thu nhập mới được mua nhà ở xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu quy định như vậy là không phù hợp.

Hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh đã lạc hậu, nhiều công nhân dù phải đóng thuế thu nhập cá nhân nhưng sống chật vật, khó khăn, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP HCM) nói. Ảnh: Đ.X

Tiếp tục chương trình kỳ họp 5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) ngày 5/6.

Đóng thuế thu nhập vẫn sống chật vật, khó khăn

Một trong những đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là “công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp”, theo dự thảo luật.

Thẩm tra nội dung này, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật bày tỏ quan điểm tán thành. Cạnh đó, một số ý kiến đề nghị sửa thành “công nhân, người lao động có thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân” để bảo đảm công bằng đối với người lao động có thu nhập thấp nói chung, không phân biệt là làm việc trong hay ngoài khu công nghiệp.

Quan điểm này, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn, là chưa hợp lý vì đã loại bỏ hàng loạt trường hợp cũng cần hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng đã đóng thuế thu nhập cá nhân rồi mà còn lo bao thứ, như cho con cái ăn học, lấy đâu tiền mua nhà, những người đóng góp cho xã hội mà lại bị loại ra thì cần cân nhắc, ông Toàn phát biểu.

Chung quan điểm, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP HCM) nói, hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh đã lạc hậu, nhiều công nhân dù phải đóng thuế thu nhập cá nhân nhưng sống chật vật, khó khăn.

“Đóng thuế thu nhập chưa chắc công nhân có thu nhập cao”, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) phát biểu sau đó.

Đề nghị tất cả công nhân đều được mua nhà ở xã hội

Cũng nói về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) nói, có những trường hợp nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng lại không đủ sống.

“Có những đối tượng có thể vẫn nộp thuế thu nhập cá nhân, nhưng họ sống ở các TP lớn như Hà Nội, TP HCM, tiêu dùng đắt đỏ, trong khi giá nhà cao, người dân không đủ tích lũy để trở thành đối tượng được hưởng cơ chế mua nhà ở xã hội”, bà Thanh nói.

Từ đó, bà Thanh cho rằng, nếu đưa ra quy định không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật mới được hưởng chính sách nhà ở xã hội, là không phù hợp.

Thêm nữa, quy định 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng, duy trì từ năm 2020 đến nay, là không còn phù hợp.

Các mặt hàng tiêu dùng, chi phí sinh hoạt đã tăng, gây áp lực rất lớn cho người dân trong chi tiêu, đặc biệt tại các TP lớn, chứ chưa nói đến việc mua nhà, bà Thanh lưu ý.

Đại biểu đoàn Ninh Bình đề xuất, cần mở rộng thêm đối tượng để gia tăng việc tiếp cận nhà ở xã hội, đảm bảo tính linh hoạt hơn.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, hiện TP HCM có khoảng 2-3 triệu công nhân, trong đó có khoảng 330.000 người làm trong khu công nghiệp, còn lại làm ngoài khu công nghiệp.

Nếu chỉ quy định đối tượng công nhân trong khu công nghiệp sẽ bỏ sót 80-90% đối tượng công nhân, người lao động được hưởng chính sách. Ông đề nghị bổ sung vào dự thảo áp dụng cho tất cả công nhân.

Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội

1. Người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thuộc diện được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

2. Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn.

3. Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.

4. Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị.

5. Người thu nhập thấp tại khu vực đô thị.

6. Công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

7. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, trừ trường hợp được bố trí thuê nhà ở công vụ theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 47 của luật này; công chức, công nhân và viên chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, đang phục vụ tại ngũ.

8. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

9. Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 4, Điều 123 của luật này.

10. Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.

11.  Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, trường chuyên biệt theo quy định của pháp luật; học sinh trường dân tộc nội trú công lập.

12. Doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã thuê nhà lưu trú công nhân để cho người lao động trong đơn vị mình thuê lại theo quy định tại mục 3 của chương này.

13. Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành quy định hướng dẫn về mẫu giấy tờ chứng minh đối tượng quy định tại điều này.

(Điều 73, dự thảo luật) 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm